Nhiễm trùng tiết niệu

Hệ tiết niệu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Tất cả đóng vai trò khác nhau trong việc đưa chất thải ra khỏi cơ thể. Thận, gồm hai quả có hình hạt đậu nằm ở ổ bụng sau trên, lọc các chất thải từ máu. Các ống niệu quản đưa nước tiểu từ

Nhiễm trùng tiết niệu là gì ?

Hệ tiết niệu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Tất cả đóng vai trò khác nhau trong việc đưa chất thải ra khỏi cơ thể. Thận, gồm hai quả có hình hạt đậu nằm ở ổ bụng sau trên, lọc các chất thải từ máu. Các ống niệu quản đưa nước tiểu từ thận xuống bàng quang, ở đây nước tiểu được giữ lại cho đến khi bị tống ra khỏi cơ thể qua niệu đạo. Tất cả các thành phần này đều có thể bị nhiễm trùng, nhưng đa số nhiễm trùng là ở đường tiết niệu dưới - niệu đạo và bàng quang.
Thuật ngữ nhiễm trùng tiết niệu mô tả nhiễm trùng bắt đầu trong hệ tiết niệu. Nhiễm trùng tiết niệu có thể gây đau và khó chịu. Chúng cũng có thể trở thành bệnh nặng nếu nhiễm trùng lan tới thận.
Phụ nữ có nguy cơ bị nhiễm trùng tiết niệu cao nhất. Trên thực tế, 1/5 số phụ nữ một lúc nào đó sẽ bị bệnh này và đa số sẽ bị không chỉ một lần. Phụ nữ trẻ, cũng như nam giới, cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng tiết niệu.
Các dạng nhiễm trùng tiết niệu khác nhau có tên gọi khác nhau, tuỳ thuộc vào phần của đường tiết niệu bị bệnh, bao gồm:
  • Viêm thận bể thận. Đây là nhiễm trùng ở thận, xảy ra khi nhiễm khuẩn lan từ bàng quang tới thận và niệu quản.
  • Viêm bàng quang. Viêm hoặc nhiễm trùng bàng quang.
  • Viêm niệu đạo. Viêm hoặc nhiễm trùng niệu đạo.

Triệu chứng, biểu hiện

Triệu chứng, biểu hiện của nhiễm trùng đường tiết niệu

  • Cảm giác mót tiểu mạnh và dai dẳng
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Đái rắt
  • Nước tiểu có lẫn máu, vẩn đục, hoặc có mùi hôi
  • Mỗi loại nhiễm trùng tiết niệu gây ra những dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng hơn. Ngoài các dấu hiệu và triệu chứng liệt kê ở trên, bạn có thể bị:
  • Viêm thận bể thận cấp. Nhiễm trùng thận gây đau mạn sườn, sốt cao, rét run, buồn nôn hoặc nôn.
  • Viêm bàng quang. Viêm hoặc nhiễm trùng bàng quang gây tức vùng bụng dưới và nước tiểu hôi.
  • Viêm niệu đạo. Viêm hoặc nhiễm trùng niệu đạo dẫn đến nước tiểu có mủ. Ở nam giới, viêm niệu đạo có thể gây chảy mủ ở dương vật.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu

Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng tiết niệu thường xảy ra khi vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào đường tiết niệu, thường qua niệu đạo, và bắt đầu nhân lên. Hệ tiết niệu có thiết kế không cho phép vi khuẩn xâm nhập. Nước tiểu cũng có đặc tính kháng khuẩn ức chế sự tăng sinh của vi khuẩn. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng khả năng vi khuẩn sẽ chiếm quyền và nhân lên thành nhiễm khuẩn bùng phát.
  • Viêm bàng quang thường xảy ra ở phụ nữ do quan hệ tình dục. Nhưng ngay cả phụ nữ không quan hệ tình dục cũng dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu dưới vì hậu môn, một nguồn vi khuẩn ổn định, nằm rất gần niệu đạo của phụ nữ. Hơn 90% trường hợp viêm bàng quang là do Escherichia coli (E. coli), một loài vi khuẩn thường thấy ở đưởng tiêu hóa.
  • Trong viêm niệu đạo, vi khuẩn gây nhiễm trùng thận và bàng quang cũng có thể gây nhiễm trùng niệu đạo. Ngoài ra, do niệu đạo của phụ nữ nằm gần âm đạo, các nhiễm trùng lây qua đường tình dục như virus herpes và chlamydia cũng có thể xảy ra.
  • Ở nam giới, viêm niệu đạo thường là do vi khuẩn mắc phải qua sinh hoạt tình dục. Phần lớn những trường hợp này là lậu và chlamydia.

Các yếu tố nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu

Các yếu tố nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu

Một số người dễ bị nhiễm trùng tiết niệu hơn những người khác. Phụ nữ là một nhóm như vậy. Có tới 20% sẽ bị nhiễm trùng bàng quang vào một lúc nào đó trong đời. Lý do chính là giải phẫu của người phụ nữ. Phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn nam giới, làm giảm khoảng cách vi khuẩn phải vượt qua để tới bàng quang.
Phụ nữ có sinh hoạt tình dục dễ bị nhiễm trùng tiết niệu hơn vì hoạt động tình dục có thể khiến vi khuẩn bị đẩy vào trong niệu đạo. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phụ nữ dùng màng ngăn âm đạo để tránh thai có nguy cơ cao hơn. Sau khi mãn kinh, nhiễm trùng tiết niệu trở nên phổ biến hơn vì mô âm đạo, niệu đạo và đáy bàng quang trở nên mỏng hơn và dễ rách hơn do mất estrogen.
Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm những thứ ngăn cản dòng nước tiểu, như u xơ tuyến tiền liệt hoặc sỏi thận. Sự có mặt của đường trong nước tiểu, xảy ra trong bệnh đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu. Đặt ống thông tiểu dài ngày cũng góp phần gây nhiễm trùng tiết niệu.
 

Điều trị

Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

Các thuốc hay được khuyên dùng nhất để điều trị nhiễm trùng tiết niệu bao gồm amoxicillin (Amoxil, Trimox), nitrofurantoin (Macrodantin, Furadantin), sulfamethoxazol (Bactrim, Septra) và trimethoprim (Trimpex, Proloprim). Hãy nói cho bác sĩ biết về các thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc những dị ứng mà bạn từng bị. Điều này sẽ giúp bác sĩ lựa chọn cách điều trị tốt nhất.
Thông thường, các triệu chứng nhiễm trùng tiết niệu sẽ hết trong một vài ngày điều trị. Nhưng bạn sẽ phải dùng kháng sinh trong 1 tuần hoặc hơn. Hãy dùng đủ liều kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo rằng nhiễm khuẩn được loại trừ hoàn toàn.
Đối với nhiễm trùng tiết niệu không biến chứng xảy ra khi bạn khoẻ mạnh, bác sĩ có thể đề nghị liệu trình điều trị ngắn ngày hơn, như dùng kháng sinh trong 3 ngày. Nhưng liệu liệu trình ngắn ngày có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào những triệu chứng và tiền sử bệnh tật riêng của bạn.
Nếu bạn bị nhiễm trùng tiết niệu tái phát, bác sĩ có thể đề nghị liệu trình kháng sinh dài hơn hoặc là chuyển bạn đến chuyên khoa tiết niệu hoặc khoa thận để đánh giá xem liệu những bất thường của đường tiết niệu có phải là nguyên nhân gây bệnh không. Đối với phụ nữ, uống một liều kháng sinh duy nhất sau khi sinh hoạt tình dục có thể có ích.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine ngày 4 tháng 10 năm 2001, nhiễm trùng tiết niệu khó điều trị ở phụ nữ có thể do một chủng E. coli mới kháng kháng sinh. Chủng vi khuẩn này có thể kháng với các kháng sinh thường dùng để điều trị viêm bàng quang. Vì vậy, cần có các loại kháng sinh khác nhau và các biện pháp điều trị thay thế.
Đối với nhiễm trùng tiết niệu nặng, có thể phải nhập viện và điều trị bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch. Khi tái phát xảy ra thường xuyên hoặc nhiễm khuẩn thận trở nên mạn tính, cần khám tiết niệu vì có thể phải điều trị tổn thương thực thể gây ra bệnh.

Kinh nghiệm dân gian về nhiễm trùng đường tiết niệu

Kinh nghiệm dân gian về nhiễm trùng đường tiết niệu

Dạng trà

  • Trà Kim ngân hoa, mã đề, rễ cỏ tranh, mỗi loại 8- 10g, đun trong 1 lít nước, chia 3 - 4 lần uống trong ngày; chữa viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu, sỏi thận.
  • Trà Hạ khô thảo 8 - 10g, thêm khoảng 1g Cam thảo, đun sôi trong 600 ml nước còn khoảng 300 ml nước rồi chia nhiều lần uống trong ngày; tác dụng thông tiểu tiện, sát trùng đường tiểu.
  • Trà Cỏ tranh, rau đắng, thài lài tía, rau má, râu bắp, mỗi loại 8 - 10g, nấu trong 1 lít nước sôi nhẹ trong 5 phút rồi uống trong ngày, uống liền trong 1 tuần.
  • Trà Rau má, râu bắp, rễ tranh (mỗi loại 5 - 10g), thêm một nhúm hạt Mãn đình hồng (Thục quỳ tử), nấu uống ngày 1 - 2 lần, uống trong 5 ngày sẽ hết tiểu đỏ.
  • Trà Rau má, diếp cá (8 - 12g), giúp giảm tiểu buốt, tiểu gắt. Có thể thêm cỏ tranh càng tốt.
  • Lấy vỏ cây đại (sao vàng) 10g, rễ cỏ tranh, rau má 10g, mã đề 5g, sắc uống chữa bí tiểu. Ngày 3 lần trước bữa ăn. Cần uống trong 3 ngày.
  • Bài Râu ngô, rau má, mã đề, ý dĩ, sài đất 8 - 10g. Nấu sôi trong 1 lít nước, chia ra uống trong ngày, uống liền 1 tuần.
  • Bài Rau má 10g, bồ công anh 20g, mã đề 16g, thài lài tía, chi tử, râu ngô, mộc thông, cam thảo dây, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang; chữa viêm đường tiểu, tiểu tiện không thông.
  • Bài Rau dừa nước khô 200g, nấu canh ăn liên tục 7 - 10 ngày. Đây là bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, tiêu thũng, kháng viêm, dùng cho các trường hợp viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu (tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu ra máu và tiểu đục).

Dạng thức ăn - thuốc để tăng cường sức đề kháng và cũng có tác dụng bổ thận

  • Ngân nhĩ hầm đỗ trọng, ngân nhĩ, đỗ trọng khoảng 10g, đường phèn 30g. Đỗ trọng cắt nhỏ, sao lên, khi tơ đứt hết là được. Ngân nhĩ ngâm nước cho mềm rồi rửa sạch. Cho hai thứ vào nồi cùng 2 lít nước, đun to lửa cho sôi rồi đun nhỏ lửa trong 2 giờ, cho đường vào là được. Ăn ngân nhĩ, uống nước ngày 2 lần.
  • Nấu nước rễ tranh, củ năng tươi, mỗi loại 50 - 100g. Củ năng gọt bỏ vỏ, thái lát cho cùng rễ tranh vào nồi, cho 2 lít nước, đun to lửa cho sôi rồi đun nhỏ lửa 30 phút nữa là được, lọc lấy nước, bỏ bã, cho ít đường trắng vào đánh tan, uống thay chè.
  • Nấu nước hoa cúc, kim ngân hoa, mỗi loại 10g, nước 1 lít. Cho tất cả vào nồi, đổ nước đun lên cho sôi rồi thêm đường phèn vào đun tiếp 15 phút, lọc lấy nước uống thay chè.
  • Nước sắc vỏ bí đao, rễ tranh (20g), đường trắng 50g, nước 1 lít. Cho tất cả vào nồi, đổ nước đun sôi rồi hạ nhỏ lửa đun 20 - 30 phút nữa là được, chia uống nhiều lần trong ngày.
  • Nước sắc nấm mèo đen (3 - 5 tai) chung với rau cải (150g) và 1 lít nước. Nấm mèo ngâm nở, rau cải rửa sạch, cho tất cả vào nồi đổ nước đun sôi một lúc là được. Vừa ăn vừa uống nước liên tục 7 ngày.
Tóm lại, khi đi tiểu thấy có những triệu chứng trên, người bệnh nên đến các cơ sở khám chữa bệnh và các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác nhiễm trùng đường tiết niệu thông qua kết quả xét nghiệm nước tiểu. Nếu kết quả xét nghiệm phát hiện bị nhiễm trùng, tùy từng loại vi khuẩn gây ra mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc thích hợp. Một đợt điều trị kháng sinh từ 1 tuần đến 10 ngày. Có thể kết hợp thuốc tây và thuốc y học cổ truyền để tăng hiệu quả điều trị.
Tùy theo từng địa phương có loại cây thuốc nào ta có thể dùng loại ấy, theo mùa theo vùng, không nên tìm những loại quá cầu kỳ tốn kém. Cần chẩn đoán đúng nguyên nhân để tránh biến chứng viêm bàng quang, suy thận nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân cũng không được tự ý mua kháng sinh uống khi có những triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu mà dứt khoát phải được bác sĩ kê đơn, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng nhờn thuốc.

Phòng ngừa

Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu

  • Uống nhiều chất lỏng, nhất là nước. Nước quả việt quất có đặc tính chống nhiễm trùng.
  • Đi tiểu thường xuyên và tránh nhịn tiểu quá lâu khi bạn cảm thấy buồn tiểu.
  • Lau từ trước ra sau sau khi đi ngoài để ngăn vi khuẩn từ hậu môn lan sang âm đạo và niệu đạo.
  • Tắm vòi hoa sen thay cho tắm bồn.
  • Rửa sạch da vùng quanh âm đạo và hậu môn hằng ngày.
  • Đi tiểu càng sớm càng tốt sau khi giao hợp và uống một cốc đầy nước để tống vi khuẩn ra bên ngoài.
  • Tránh dùng nước xịt khử mùi hoặc các sản phẩm vệ sinh phụ nữ như thụt rửa ở vùng sinh dục có thể kích thích niệu đạo.

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Bệnh viêm tiểu phế quản là một dạng nhiễm trùng, làm cho các phế quản kích thước nhỏ (tiểu phế quản) bị sưng phù và gây tắc nghẽn, không cho không khí truyền đến phổi, dẫn đến khó thở. Bệnh thường xảy ra nhất ở trẻ dưới hai tuổi do các bé có đường khí
  • 28-05-2018
    Tán huyết – tăng ure máu, hay còn gọi là HUS, xảy ra khi hệ thống tiêu hóa bị nhiễm trùng. Dẫn đến hình thành những chất độc hại có thể hủy hoại hồng cầu. Khi hồng cầu bị phá hủy, quá trình lọc thận bị tắc nghẽn và dẫn đến suy thận. Đây là một dạng bệnh
  • 28-05-2018
    Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một rối loạn cảm xúc mạn tính, đặc trưng bởi các giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ xen kẽ hay đi kèm với các giai đoạn trầm cảm. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực gặp với tỷ lệ 1,5-2,5% dân số, thường khởi phát ở
  • 28-05-2018
    Sự rò rỉ nước tiểu được gọi là tiểu không tự chủ. Một vài phụ nữ bị rò nước tiểu với số lượng ít. Những trường hợp khác có sự rò rỉ thường xuyên hoặc nghiêm trọng.
  • 28-05-2018
    Suy buồng trứng sớm là tình trạng ngừng hoạt động chức năng buồng trứng của phụ nữ ở độ tuổi khác nhau.
  • 28-05-2018
    Vi khuẩn Escherichia coli (E.coli) sống trong ruột người và động vật, hầu hết các giống của E.coli vô hại hoặc gây bệnh trong thời gian tương đối ngắn. Ví dụ như xảy ra trong khi khách du lịch đến các nước đang phát triển. Các chuyên gia y tế Anh cho