Sự nguy hiểm của những cơn đau ngực thầm lặng

Nhồi máu cơ tim thầm lặng chiếm đến 45% trong số các trường hợp bị nhồi máu cơ tim. Kết quả mới nhất này vừa đăng trên tạp chí Circulation của Hội Tim mạch Mỹ. Nghiên cứu được thực hiện từ năm 1987-2013 trên 9.000 đối tượng bao gồm cả nam lẫn nữ.

Sự nguy hiểm của những cơn đau ngực thầm lặng
Thể dục thường xuyên và lưu tâm đến những biến đổi của cơ thể

Khó phát hiện

Nhồi máu cơ tim là tình trạng một hoặc nhiều nhánh động mạch vành bị tắc do cục máu đông hình thành trong lòng hay do mảng xơ vữa trên thành động mạch vành bị nứt.

Tình trạng này sẽ làm vùng cơ tim tương ứng với nhánh động mạch vành bị tắc không nhận được máu nuôi dưỡng, bị thiếu máu cục bộ liên tục và nghiêm trọng, gây ra tình trạng hoại tử cơ tim cấp tính. Một người được chẩn đoán là nhồi máu cơ tim nếu có hai trong ba biểu hiện: có triệu chứng đau thắt ngực, có các dấu hiệu nhồi máu cơ tim trên điện tâm đồ thay đổi theo thời gian, men tim tăng lên và thay đổi theo thời gian.

Điện tâm đồ và xét nghiệm men tim chỉ có thể thực hiện trong một cơ sở y tế đủ điều kiện, nên đau thắt ngực chính là triệu chứng quan trọng gợi ý về nhồi máu cơ tim để bệnh nhân đến bệnh viện kiểm tra và điều trị ngay khi nghi ngờ.

Nhiều người nghĩ rằng mọi cơn nhồi máu cơ tim đều đến thình lình và dữ dội như “sét đánh giữa trời quang mây tạnh”, người bị nạn đột ngột đau đớn ôm ngực và gục ngã xuống. Tuy nhiên bên cạnh những trường hợp khởi phát bất ngờ và rầm rộ, có nhiều cơn nhồi máu cơ tim khởi đầu chậm, đau nhẹ hoặc chỉ gây cảm giác khó chịu khiến người bệnh không nhận ra.

Đây chính là những trường hợp nhồi máu cơ tim thầm lặng mà triệu chứng đau thắt ngực không biểu hiện rõ ràng và dữ dội. Ngay cả những người “có kinh nghiệm”, từng bị nhồi máu cơ tim trước đây cũng không nhận biết được khi gặp một cơn nhồi máu cơ tim “thầm lặng” như vậy.

Triệu chứng đau thắt ngực trong nhồi máu cơ tim xảy ra do những vùng cơ tim bị thiếu máu nuôi kích thích các đầu thần kinh trong cơ tim và mạch máu, từ đó cảm giác đau được dẫn truyền về vỏ não. Vì vậy, những người mắc bệnh thần kinh hoặc bệnh đái tháo đường (gây tổn hại thần kinh) có nguy cơ gặp nhồi máu cơ tim thầm lặng cao hơn.

Mức độ cảm nhận đau cũng thay đổi tùy theo đối tượng, do các yếu tố tâm lý hay văn hóa ảnh hưởng đến nhận thức đau. Những người gặp nhồi máu cơ tim thầm lặng dường như có ngưỡng gây đau cao hơn và dung nạp với kích thích đau tốt hơn những người có triệu chứng đau thắt ngực.

Chính vì diễn tiến âm thầm, không rầm rộ, người bệnh không được cảnh báo bởi triệu chứng đau thắt ngực dữ dội nên nhồi máu cơ tim thầm lặng thường khó phát hiện và bị bỏ qua, dẫn đến điều trị chậm trễ. Tuy triệu chứng đau ngực là nhẹ, không rõ ràng, nhưng cơn nhồi máu cơ tim thầm lặng có diễn tiến và tác hại không khác biệt so với các trường hợp điển hình, thậm chí tiên lượng còn xấu hơn do dễ bị bỏ sót.

Cũng theo nghiên cứu trên, nhồi máu cơ tim thầm lặng làm tăng nguy cơ tử vong do mắc bệnh mạch vành lên gấp ba lần, tăng nguy cơ tử vong chung (không phân biệt nguyên nhân) lên 34%. Nghiên cứu cũng ghi nhận nhồi máu cơ tim thầm lặng thường gặp ở nam giới hơn, tuy nhiên tiên lượng ở nữ giới lại xấu hơn.

Để nhận biết sớm

Không như triệu chứng đau thắt ngực điển hình, đau thường dữ dội, cảm giác như tim bị đè nén, bóp nghẹt ở vùng ngực trái và lan ra hàm, vai, tay..., trong nhồi máu cơ tim thầm lặng người bệnh chỉ cảm thấy đau mơ hồ ở vùng ngực, có thể nhầm lẫn với đau dạ dày, nhức mỏi do cảm cúm hoặc đau nhức cơ tại vùng ngực, tay.

Triệu chứng còn có thể biểu hiện cảm giác khó chịu ở vùng ngực, hàm, lưng, tay hoặc bị khó thở, mệt mỏi nhiều không rõ nguyên nhân. Tất cả triệu chứng đó đều không điển hình, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra.

Chính vì vậy, nhận biết nhồi máu cơ tim thầm lặng không hề đơn giản. Người bệnh cần hết sức cảnh giác, nếu nhận thấy có những triệu chứng nêu trên, đặc biệt ở những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh mạch vành (có các yếu tố nguy cơ như tuổi cao, hút thuốc, béo phì, gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm, có các tình trạng như rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng huyết áp, mắc bệnh đái tháo đường...), đừng do dự hoặc e dè trong việc nhờ đến bác sĩ kiểm tra.

Ít nhất chỉ cần làm một xét nghiệm đơn giản là đo điện tâm đồ cũng giúp có được những gợi ý cho việc chẩn đoán nhồi máu cơ tim.

Sau cùng, để tránh rơi vào tình huống phải đắn đo xem đó có phải là cơn nhồi máu cơ tim thầm lặng không, tốt nhất cần phòng ngừa để tránh mắc các bệnh tim mạch và bệnh mạch vành.

Trong cuộc sống hằng ngày nên có chế độ sinh hoạt điều độ, lành mạnh như không hút thuốc, tập thể dục đều đặn, tránh để thừa cân, ăn lạt, ít mỡ, ăn nhiều rau quả, điều trị ổn định các tình trạng rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường nếu có. Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh mạch vành, cần tuân thủ theo chế độ điều trị của bác sĩ và luôn cảnh giác với những triệu chứng đau ngực dù đó là đau mơ hồ, không rõ ràng.

- 28-05-2018 -