Sốt - Bạn hay thù?

Sốt là phản ứng của cơ thể với tác nhân bên ngoài như vi trùng, siêu vi, vaccines. Sốt là một phản ứng tự vệ của cơ thể để chống lại các kẻ xâm nhập.

Sốt là phản ứng của cơ thể với tác nhân bên ngoài như vi trùng, siêu vi, vaccines. Sốt là một phản ứng tự vệ của cơ thể để chống lại các kẻ xâm nhập. Sốt tạo ra môi trường không thích hợp cho vi trùng, làm giảm sắt trong máu tạm thời khiến vi trùng khó phát triển, đồng thời kích ứng các phản ứng miễn dịch trong cơ thể nhằm chiến đấu với bọn xâm lược. Ông tổ y học phương Tây, Hippocrates, có lẽ là người đầu tiên hiểu và mô tả sốt như là một phản ứng miễn dịch, là cỗ máy của tự nhiên ban cho cơ thể chống kẻ thù.

Trong một thử nghiệm vào năm 1981, Kluger et al đã tiêm vi trùng vào 10 con kỳ nhông là loài máu lạnh không có khả năng điều chỉnh thân nhiệt. Ông cung cấp cho chúng đèn tia cực tím, 9/10 con đều tìm tới dưới cái đèn để giữ ấm, có duy nhất một con là không thèm. Sau đó 9 con kia đều sống sót và con kỳ nhông không cần sưởi ấm thì chết. Sau đó ông làm tương tự nhưng cho thuốc hạ sốt cho các con kỳ nhông, con nào có thân nhiệt cao (sốt) thì sống sót, mấy con không sốt thì chết.

Cho nên khi có bệnh, sốt làm cho mình mệt mỏi nhưng mà cần thiết, nếu mấy mẹ thấy con sốt chút xíu thì lật đật đè ra uống thuốc là không có lợi cho con, nếu không muốn nói là có hại. Con chích ngừa xong nếu có sốt nhẹ là bình thường, là thuốc có tác dụng, không cần lo.

Tuy nhiên nếu sốt cao quá thì sẽ làm con đừ, mệt mỏi, ăn uống kém, mất nước nên có lúc nào đó chúng ta sẽ muốn GIẢM BỚT sốt. Thậm chí nếu sốt quá cao có thể gây tổn thương đến các cơ quan trong cơ thể (sốt ác tính). Lúc đó là tới chuyện hạ sốt.

Sốt ở trẻ (Ảnh minh họa)

Vì sao lại lạnh run khi sốt?

Nhiệt độ trong cơ thể được điều hoà bởi trung tâm điều hoà ở vùng hạ đồi của não. Bình thường hạ đồi duy trì nhiệt độ cơ thể quanh 98.6F. Khi bị nhiễm trùng, vi trùng tiết ra các chất hoá học, khi hạ đồi nhận thấy các chất hoá học này, thì sẽ tăng máy điều hoà lên 102 là bình thường. Khi đó cơ thể đang có nhiệt độ 98.6 sẽ cảm thấy lạnh vì dưới nhiệt độ bình thường là 102 mới được quy định lại bởi hạ đồi, làm mình run lẩy bẩy, khi run thật ra là rung giật các cơ bắp, sinh nhiệt làm tăng nhiệt độ cơ thể lên tới 102 thì hết run. Do đó mới có chuyện sốt mà lạnh run, khi lạnh run là máy tạo nhiệt (cơ bắp) đang hoạt động làm tăng thân nhiệt theo lệnh của hạ đồi.

Khi nào cần hạ sốt?

Chú ý nhiệt độ ở đây là nhiệt độ ở hậu môn, nếu đo chỗ khác thì tự chỉnh lại theo bài trước. Trên 100.4F (38C) là sốt. Thứ hai đây là chỉ nói tới chuyện sốt, nếu sốt mà có kèm triệu chứng khác thì sẽ khác nữa. 

  • Trẻ < 3 tháng: Đi khám bác sĩ liền dù không có triệu chứng gì khác, vì tuổi này mà có sốt thì 60-70% là có nhiễm trùng nghiêm trọng.
  • Trẻ 3-6 tháng
    • Sốt <102F (38.9C): không cần uống thuốc, cho uống nhiều nước, nghỉ ngơi, liên hệ hay khám bác sĩ nếu trẻ bứt rứt, khó chịu, lừ đừ, ói nhiều, tiêu chảy nhiều, khó thở, bỏ bú … 
    • Sốt >102F (38.9C): nên gọi cho bác sĩ hay đi khám. 
  • Trẻ 6-24 tháng: 
    • Sốt <102F (38.9C): uống nhiều nước, nghỉ ngơi 
    • Sốt >102F (38.9C): hạ sốt bằng lau mát, acetaminophen (Tylenol, paracetamol), ibuprofen (Advil, Motrin, Aleve). Nhớ là cho thuốc đúng liều theo CÂN NẶNG. Trẻ >12 tuổi hay hơn 40kg thì dùng theo liều người lớn. Acetaminophen: 10-15 mg/kg/liều mỗi 4-6 tiếng, tối đa 75mg/kg/ngày hay 1g/4 tiếng hay 4g/ngày Ibuprofen: 6-10mg/kg/liều mỗi 6-8 tiếng, tối đa 40mg/kg/ngày, nhớ cho ăn hay uống sữa trước khi uống thuốc.

Cách tính liều đơn giản cho Acetaminophen và Ibuprofen 

Tính liều theo cân nặng nhiều khi cũng không dễ, có một cách tính rất nhanh và đơn giản cho hai loại thuốc này: Acetaminophen 160mg/5ml và Ibuprofen 100mg/5ml, cách tính này sẽ KHÔNG ĐÚNG nếu áp dụng cho nồng độ thuốc khác  Cân nặng tính bằng kg chia 2, nếu là số lẻ thì làm tròn xuống số nhỏ hơn, đó là số ml cần cho 1 liều (làm tròn số nhỏ nhằm phòng ngừa quá liều). Ví dụ bé cân nặng 13kg, chia hai là 6,5, như vậy bé sẽ cần 6ml Acetaminophen hay Ibuprofen cho mỗi liều.  Từ 40kg trở lên không cần dùng cách này.

Trẻ 2-18 tuổi: 

  • Sốt <102F (38.9C): uống nhiều nước, nghỉ ngơi, khám bác sĩ nếu bé mệt, lừ đừ 
  • Sốt >102F (38.9C): hạ sốt, khám bác sĩ nếu sốt không hạ với thuốc hay hơn 3 ngày.

Một trẻ sốt mà vẫn chơi, ăn uống bình thường thì thường không có gì đáng ngại. Mẹ cần quan sát và nên đi khám khi: 

  • Trẻ dưới 3 tháng bị sốt (kiểm tra bằng nhiệt kế) 
  • Trẻ 3-12 tháng sốt trên 102 
  • Trẻ sốt cao >104F (40C) 
  • Sốt kéo dài >2-3 ngày 
  • Có triệu chứng khác như: co giật, khó thở, đau bụng, nhức đầu nhiều, cứng cổ, đau sưng khớp, tiêu chảy nhiều hay có máu, ói nhiều, ho có máu, sụt cân,… 
  • Nếu trẻ có bệnh mãn tính hay suy giảm miễn dịch

Những điều cần chú ý 

- KHÔNG bao giờ dùng Aspirin để hạ sốt trên trẻ em, có thể gây hội chứng Reyes nguy hiểm chết người.

- Lau mát hay tắm nước ẤM, không phải nước lạnh, nước lạnh sẽ làm sốt cao hơn

- Các túi gel hạ sốt thật ra không hiệu quả, vì diện tích tiếp xúc quá ít và lạnh, có khi còn làm sốt thêm.

- AAP không khuyến cáo cho uống Tylenol và Ibuprofen luân phiên mỗi 3 tiếng. Nghiên cứu cho thấy dùng hai thứ hạ sốt luân phiên có thể có hiệu quả hạ sốt tốt hơn, nhưng không thấy hiệu quả rõ rệt trong việc làm trẻ thoải mái hơn. Đồng thời việc cho hai thứ thuốc cùng lúc là tăng nguy cơ quá liều và tác dụng phụ rất cao trong khi đa số cha mẹ không được hướng dẫn cụ thể và rõ ràng, tạo ra nguy cơ quá liều.

- Hiện nay có nhiều loại thuốc cảm ho all-in-one, có cả acetaminophen trong đó, nhiều cha mẹ không chú ý, cho uống thuốc hạ sốt và thuốc cảm all-in-one cùng lúc, gây quá liều làm tổn thương gan.

- Không dùng thuốc hạ sốt kiểu phòng ngừa, không có tác dụng phòng ngừa mà dễ gây tác dụng phụ. Thuốc hạ sốt không phải là thuốc cảm, nên không phải cảm là uống hạ sốt mỗi ngày cho đến khi hết cảm. Hết cảm sẽ qua viêm loét dạ dày.

- Cuối cùng, sốt nhẹ không cần thuốc, hay gặp nhất là mẹ vô khám vì con sốt 99.5 độ, uống thuốc sốt mấy ngày nay, tui hay gọi là feverphobia (bệnh sợ sốt).

Bài tham khảo

https://pediatrics.aappublications.org/content/127/3/580 

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4703655/

https://www.mayoclinic.org/…/fe…/in-depth/fever/art-20050997

Bs Trương Hoàng Hưng

(Phòng khám Nhi MD KIDS PEDIATRICS, TP Irving, Texas, Hoa Kỳ)
BS Trương Hoàng Hưng tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM năm 2000, sau đó làm nội trú Nhi khoa tại Đại học Y Dược TP HCM và Texas Tech University (TTU). Hiện đang hành nghề BS Nhi khoa và BS giảng dạy lâm sàng tại TTU, Texas, Hoa Kỳ.


Theo Bs Trương Hoàng Hưng 

- 08-03-2019 -

Bài viết liên quan