Phòng chống một số tai nạn thường gặp

Dù đã có rất nhiều chương trình phòng chống tai nạn thương tích nói chung và đuối nước nói riêng dành cho trẻ em, nhưng đuối nước vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em ở nước ta. 

Đuối nước là tai nạn thường gặp gây tử vong hàng đầu cho trẻ em. (Ảnh minh họa)

Mùa hè, cũng là mùa mà những rủi ro đến với trẻ em tăng lên. Xin chia sẻ với các bạn vài tai nạn thương tích rất hay gặp sau, để chúng ta cùng lưu ý.

Đuối nước

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của phụ huynh.

Sự giám sát không chặt chẽ trẻ, thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại. Chỉ vài giây không chú ý của người lớn là trẻ em có thể rơi xuống bể bơi, có thể bị ngạt và chết đuối chỉ sau 1 - 2 phút rơi xuống nước. Phản xạ co thắt thanh quản diễn ra rất rất nhanh.

Ví dụ ở các biệt thự nghỉ dưỡng hầu như đều có bể bơi, nếu bố mẹ mải bếp núc hay nói chuyện, điện thoại... con có thể trượt chân xuống bể, bị sặc nước (kể cả bé biết bơi) rất nguy hiểm.

Hãy nhớ rằng: Trẻ không thể ngoi lên và la hét khi bị đuối nước.

Đuối nước trên cạn

Nếu trẻ sau khi đi bơi về có các dấu hiệu sau:

  • Khó thở, đau ngực, hoặc ho.
  • Thay đổi đột ngột hành vi, dễ cáu gắt, khóc lóc.
  • Rất mệt mỏi, cảm giác bị "lả" đi.

Lưu ý là những dấu hiệu trên không dễ dàng phát hiện, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người lớn không để ý hoặc nghĩ đến lý do khác.

Nếu thấy bất cứ dấu hiệu nào ở trên, hãy tới phòng cấp cứu ngay lập tức. Thời gian là yếu tố quan trọng trong điều trị đuối cạn.

Say nắng, say nóng

Say nắng và say nóng là những tai nạn rất phổ biến trong mùa hè. Trẻ nhỏ rất dễ bị say nóng, nếu ở bên ngoài quá lâu trong thời tiết nắng nóng, kém thông khí, đặc biệt những trẻ đang bị mất nước hoặc mặc quá nóng.

- Hãy đội mũ rộng vành cho trẻ, không để nắng chiếu vào vùng gáy. Chú ý trẻ thích đội mũ lưỡi trai nhưng mũ này không che được phần gáy.

- Tuyệt đối không để trẻ ngồi hay ngủ trong xe ô tô đỗ, dễ làm trẻ bị say nóng sau vài phút (khi tắt điều hòa) dưới trời nắng nóng.

- Không cho trẻ chơi đùa ngoài trời nắng nóng (để phòng ngừa rủi ro). Đây là điểm rất nhạy cảm vì nó tùy thuộc vào sự thích nghi và sức khỏe của trẻ.

Bỏng độ I

Tia cực tím từ mặt trời có cường độ mạnh nhất vào khoảng 10 - 16 giờ, ngay cả khi có sương mù ngoài trời.

Lưu ý các điểm chính sau đây có thể giúp bảo vệ chống lại "cháy nắng".

- Bảo vệ bằng ô dù bãi biển, mũ rộng vành, kính râm, áo dài tay và quần dài. Nói chung, quần áo tối màu, vải được dệt chặt có tác dụng bảo vệ da tốt nhất khỏi ánh sáng mặt trời.

- Nếu bạn có thể nhìn xuyên qua quần áo thì đồng nghĩa với việc quần áo đó không an toàn khi dưới trời nắng.

- Cân nhắc mặc quần áo mùa hè hoặc các loại quần áo khác nếu bạn có thoa kem chống nắng SPF trước đó.

- Những loại áo chống nắng sẫm màu, vải dày (Cotton, Jeans, Polyester có độ bóng cao); lụa Satin cũng là chất liệu chống nắng tốt (vì nó phản xạ lại các bức xạ tử ngoại). Tác dụng ngăn cản tác động của các tia mặt trời phụ thuộc chủ yếu vào độ dày của vải. Nên chọn những loại vải dày và có tỷ lệ Cotton cao, vừa giúp phòng chống tác hại của tia tử ngoại, vừa dễ dàng thấm hút mồ hôi… "Gam màu" sáng sẽ ít hấp nhiệt hơn màu tối, nhưng lại ngăn tia UV kém hơn. Nếu mặc áo chống nắng màu sáng, nên thoa kem chống nắng trước để bảo vệ da, giảm khả năng hấp thụ nhiệt của áo khi đi dưới trời nắng nóng. Nếu không dùng kem chống nắng thì hãy chọn áo chống nắng màu sẫm tối và nên chọn loại vải có thành phần Cotton cao.

Thay đổi đột ngột nhiệt độ

- Cơ thể trẻ rất khó thích nghi ngay được với sự thay đổi nhiệt độ, có thể gây choáng và sốc nhiệt (quen gọi như vậy).

- Bước xuống đường đột ngột (dưới trời nắng) mà trước đó đang ngồi trong xe ô tô có điều hòa mát rượi.

- Ngược lại, đột ngột tiếp xúc với môi trường nhiệt độ xuống thấp như đang đi ngoài đường nắng nóng 37 - 38 độ C vào phòng điều hòa đột ngột chỉ có 16 - 17 - 18 độ C. Việc ra vào phòng điều hòa thường xuyên cũng tương tự.

Với sự thay đổi đột ngột này, cơ thể có biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, đau đầu, chóng mặt. Nếu nặng có thể làm nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh, sau đó chậm dần, khó thở, thậm chí dẫn đến trạng thái hôn mê, tử vong. Đặc biệt nguy hiểm hơn với những người có sức đề kháng yếu,nhất là trẻ nhỏ, người cao tuổi…

Vì vậy:

  • Trước khi ra khỏi phòng 15 - 30 phút, nên tắt điều hòa, mở cửa phòng cho không khí được lưu thông và cơ thể thích nghi dần với nhiệt độ bên ngoài. Khi từ ngoài vào phòng điều hòa nên để điều hòa ở 26 - 28 độ rồi hạ thấp nhiệt độ dần dần.
  • Không để trẻ vào phòng điều hòa ngay khi tắm xong. Điều này rất nguy hiểm (nguy cơ cảm lạnh, viêm phổi). Nếu phòng lúc đó đang bật điều hòa phải tắt, để cơ thể thích nghi dần rồi bật lại.

Một số điểm lưu ý khác

- Tránh xa các dòng xoáy, dòng rút (dòng chảy xa bờ) khi tắm biển.

- Tránh xa các hố nước tự nhiên, hố vôi tôi.

- Không tắm, bơi khi trời đang nắng to, khi thủy triều lên.

- Phải hết sức chú ý trẻ khi đi tàu, phà, thuyền... vì rất nhiều tàu thuyền cho du khách lên boong chụp ảnh.

- Bố mẹ không sử dụng rượu bia gần thời điểm trẻ bơi, tắm hoặc khi trẻ đang tắm..

- Dán bịt kín các vết xước nhỏ trước khi xuống nước.

- Không nghịch khuấy động lớp đáy khi tắm suối nước nóng hay biển.

- Không bao giờ được lặn giải trí khi đang có các bệnh liên quan đến xoang, mũi, tai...

ThS. BS. Phan Văn Mạnh

Học viện Quân y

- 20-06-2018 -

Bài viết liên quan