Hơn 67% nước mắm trên thị trường nhiễm thạch tín nặng (?!)

Theo kết quả khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), có đến 101/150 mẫu nước mắm được khảo sát trên toàn quốc có hàm lượng thạch tín (Arsen) cao quá mức cho phép. Đặc biệt, nước mắm có độ đạm càng cao thì chứa thạch tín càng nhiều. 101/150 mẫu nước mắm trên toàn quốc có hàm lượng thạch tín cao quá mức cho phép

Hơn 67% nước mắm trên thị trường nhiễm thạch tín nặng (?!)
Theo đó, việc đánh giá chất lượng, an toàn nước mắm được thực hiện bằng cách gửi thử nghiệm mẫu tại các phòng thử nghiệm được lựa chọn và tiến hành đánh giá sự phù hợp với các quy định trong TCVN 5107:2003; QCVN 8-2:2011/BYT và CODEX STAN 302:2011.

Cũng theo kết quả được công bố Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) lần này thì trong số 150 mẫu nước mắm tại 19 tỉnh thành trên cả nước điển hình như Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá, Bình Định, Long An, Phú Thọ, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Cần Thơ, TP.HCM và 1 mẫu của Thái Lan... có tới 125 mẫu có ít nhất 1 tiêu chuẩn trong 5 chỉ tiêu của nhóm hoá học được khảo sát không đạt so với tiêu chuẩn, hoặc so với công bố trên nhãn hàng hoá. 

Trong đó, 51% mẫu có kết quả chỉ tiêu Nitơ toàn phần nhỏ hơn những gì doanh nghiệp công bố trên nhãn hàng hoá; 20% mẫu không đạt chỉ tiêu Nitơ axit amin, 2% mẫu không đạt chỉ tiêu Nitơ ammoniac.

Đặc biệt, theo quy định của Bộ Y tế, hàm lượng thạch tín cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0mg/L. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm cho thấy có đến 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,3%) không đạt quy định này (hàm lượng thạch tín của các mẫu không đạt dao động từ trên 1.0mg/L đến 5mg/L). Điều đáng chú ý là các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ các mẫu có hàm lượng thạch tín tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng. Cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 trở lên cho kết quả hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định.

Với kết quả khảo sát này, VINASTAS kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có quy định cụ thể về bản chất các loại nước mắm đang sản xuất và lưu thông trên thị trường trong nước, tăng cường kiểm tra về chất lượng, quy trình sản xuất, nội dung ghi nhãn nước mắm và công bố kết quả kiểm tra, xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất và góp phần bảo tồn đặc sản nước mắm của Việt Nam.

VINASTAS cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải minh bạch thông tin cho người tiêu dùng về bản chất của sản phẩm nước mắm như: Phương pháp chế biến, nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, dung lượng và các thành phần khác theo quy định một cách chính xác và trung thực, đảm bảo vệ sinh an toàn cho sản phẩm nước mắm từ nguyên liệu cho đến sản phẩm cuối cùng.

Để tự bảo vệ chính mình, người tiêu dùng cũng cần tự trang bị những kiến thức để lựa chọn các sản phẩm phải thỏa mãn 2 tiêu chí: Hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao nhưng phải đảm bảo an toàn, vệ sinh.

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan