Hiểu thêm về các phương pháp điều trị Alzheimer

Được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer - một căn bệnh mất trí tiến triển và không thể chữa khỏi, có thể là một cảm giác đáng sợ. Tuy nhiên, ngày nay, ngày càng có nhiều biện pháp điều trị bệnh Alzheimer hơn, bao gồm việc dùng thuốc, thay đổi lối sống và can thiệp, có thể sẽ có ích cho người bệnh Alzheimer.

Ngày nay, có rất nhiều loại thuốc có thể giúp làm giảm các triệu chứng, ví dụ như mất trí nhớ và lú lẫn trong bệnh Alzheimer. Thêm vào đó, một số bằng chứng còn chỉ ra rằng, thay đổi một số thói quen sống cũng có thể giúp ích cho người bệnh Alzheimer. Ngoài ra, còn có các phương pháp điều trị khác có thể giúp người bệnh giải quyết được các triệu chứng cụ thể (thay vì giải quyết nguyên nhân tiềm ẩn gây ra bệnh). Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều cách khác giúp điều trị và dự phòng rối loạn không hồi phục này tại não bộ.

Dưới đây là những biện pháp điều trị thường được sử dụng trong thời gian gần đây, các cách thay đổi lối sống cùng với các phương pháp điều trị Alzheimer hứa hẹn có hiệu quả trong tương lai.

Donepezil (Aricept)

Được chấp nhận để điều trị các triệu chứng Alzheimer ở mức độ nhẹ, vừa và nặng, donepezil không ngăn chặn được bệnh Alzheimer xuất hiện, mà chỉ dự phòng được tình trạng phá hủy một chất hóa học có trong não có tên là acetylcholine. Acetylcholine được cho là rất quan trọng đối với khả năng ghi nhớ, suy nghĩ và lý luận và thường bị phá hủy, suy giảm nặng nề trong bệnh Alzheimer.

Donepezil (Aricept) có dưới dạng viên uống hàng ngày, do vậy rất thuận tiện cho bệnh nhân uống và bác sỹ có thể điều chỉnh liều thuốc. Ban đầu có thể uống với liều 5mg/ngày, sau vài tuần có thể tăng lên 10mg. Phản ứng phụ của loại thuốc này bao gồm các vấn đề về tiêu hóa, ví dụ như buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa. Các phản ứng phụ khác có thể xảy ra bao gồm co rút cơ, mệt mỏi và sụt cân.

Hiểu thêm về các phương pháp điều trị Alzheimer

Rivastigmine (Exelon)

Rivastigmine là loại thuốc cùng nhóm với donepezil và galantamine (loại thuốc sẽ được nói đến dưới đây). Thuốc sẽ làm giảm các triệu chứng mất trí bằng cách bảo vệ acetylcholine có trong não, thường được uống 2 lần/ngày dưới dạng viên nang hoặc dung dịch uống. 

Đây cũng là loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer duy nhất có dạng miếng dán ngoài da nên sẽ là lựa chọn tốt cho những người có các triệu chứng nặng về tiêu hóa hoặc có tiền sử chảy máu các vết loét tiêu hòa và không thể dung nạp các thuốc thuộc nhóm này bằng đường uống.

Galantamine (Razadyne)

Galantamine hoạt động bằng cách tăng lượng acetylcholine trong não, giúp các tế bào não kết nối với nhau một cách tốt hơn. Thuốc được uống 2 lần/ngày, dưới dạng dung dịch uống hoặc viên uống. Liều khởi đầu là 8mg/ngày (4mg/lần, 2 lần/ngày) khi mới bắt đầu và có thể tăng dần lên 16 hoặc 24mg/ngày.

Cũng giống như các thuốc các cùng nhóm này, galantamine có thể gây ra các triệu chứng về đường tiêu hóa.

Galantamine là loại thuốc duy nhất thuộc nhóm này có dạng viên nang giải phóng chậm. Dạng thuốc này có thể sẽ có ích khi dùng để điều trị Alzheimer ở những người bị bệnh dạ dày nặng hoặc mắc các vấn đề về đường ruột.

Memantine (Namenda)

Memantine là loại thuốc đầu tiên có tác dụng điều chỉnh lượng glutamate – một chất hóa học rất quan trọng cho việc ghi nhớ và học hỏi. Quá nhiều glutamate được cho là có thể gây độc đối với não bộ. Memantine tồn tại dưới dạng viên nén, dung dịch uống và viên nang giải phóng chậm. Phản ứng phụ của thuốc bao gồm táo bón, đau đầu và chóng mặt.

Mặc dù được chấp nhận để điều trị bệnh Alzheimer ở mức độ trung bình và nặng, nhưng rất nhiều bệnh nhân Alzheimer nhẹ cũng có thể được kê đơn memantine. Memantine thường được thêm vào sau khi người bệnh đã tăng liều khuyến nghị của onepezil (Aricept), rivastigmine (Exelon) hoặc galantamine (Razadyne). Nhưng nếu bệnh nhân có tiền sử mắc phải các vấn đề về dạ dày, thì có thể họ sẽ được kê đơn sử dụng memantine trước. 

Memantine giải phóng chậm và donepezil (Namzaric)

Phương pháp này phối hợp 2 loại thuốc điều trị Alzheimer là memantine và donepezil trong một viên thuốc uống 1 lần/ngày. Cũng như nhiều loại thuốc khác được chấp nhận dùng để điều trị Alzheimer, Namzaric không thể dự phòng được bệnh cũng không thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Thuốc chỉ có thể có tác dụng cải thiện các chức năng não bộ của người bệnh. Phản ứng phụ thường gặp của loại thuốc này bao gồm đau đầu, tiêu chảy, chóng mặt, không muốn ăn và bầm tím.

Hiểu thêm về các phương pháp điều trị Alzheimer

Luyện tập thể thao

Các hoạt động thể thao tốt cho tim mạch cũng sẽ tốt cho sức khỏe nói chung. Và, những hoạt động này cũng sẽ tốt cho cả não bộ nữa. Một nghiên cứu được giới thiệu tại Hội thảo quốc tế các Hiệp hội bệnh Alzheimer năm 2015 nhấn mạnh tầm quan trọng và lợi ích của việc luyện tập thể thao với người bệnh Alzheimer. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Wake Forest đã lựa chọn ngẫu nhiên những người trưởng thành bị mất trí trong giai đoạn sớm và yêu cầu họ luyên tập aerobic (với cường độ bằng 70-80% nhịp tim tối đa của họ) hoặc yêu cầu họ luyện tập các bài tập kéo giãn cơ. Những người tham gia sẽ luyện tập 45-60 phút/ngày, 4 lần/tuần trong vòng 6 tháng. Những người luyện tập aerobic không chỉ cải thiện được lưu lượng máu chảy tới những phần quan trọng của não mà mức độ protein tau – một loại protein có liên quan đến bệnh Alzheimer cũng giảm đáng kể, so với nhóm đối chứng.

Trong một nghiên cứu tại Đan Mạch, người bệnh bị Alzheimer mức độ nhẹ hoặc vừa được lựa chọn ngẫu nhiên vào nhóm luyện tập aerobic hoặc nhóm đối chứng. Sau 16 tuần, các nhà nghiên cứu thấy rằng không có sự khác biệt giữa 2 nhóm về chức năng não bộ. Nhưng nhóm luyện tập thể thao xuất hiện ít triệu chứng bệnh hơn (ví dụ như tình trạng lo âu, dễ bị kích thích và trầm cảm). Vậy lời khuyên ở đây là gì? Hãy đặt mục tiêu luyện tập từ 20-30 phút/ngày, 3 ngày/tuần, kể cả nếu bạn chỉ có thể luyện tập bằng việc đi bộ nhẹ nhàng.

Tham gia các hoạt động xã hội

Tham gia vào các hoạt động xã hội và các hoạt động cần sử dụng đầu óc là 2 trong số 10 cách mà Hiệp hội bệnh Alzheimer gợi ý. Những hoạt động này sẽ không giúp làm hồi phục những tổn thương do bệnh gây ra nhưng có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức sống của não bộ, đặc biệt là khi được phối hợp cùng với các hoạt động thể dục thể thao và một chế độ dinh dưỡng lành mạnh.

Ngoài ra, kết nối với mọi người cũng có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm ở người bệnh Alzheimer. Những hoạt động dạng này có thể kể đến như việc tham gia một câu lạc bộ sở thích, tham gia một vở kịch, giải trò chơi Sudoku hoặc đan len…

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Nạp năng lượng cho não cũng không khác so với việc nạp năng lượng cho cơ thể là mấy. Người bệnh Alzheimer có thể đặt mục tiêu thực hiện chế độ ăn cân bằng, ít chất béo bão hòa từ thịt và các sản phẩm động vật. Ngoài ra, giảm lượng muối và đường tiêu thụ, tăng lượng rau xanh và trái cây, thịt gia cầm, cá ,các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám và chất béo có lợi cho sức khỏe.

Các nghiên cứu về mối liên quan giữa chế độ ăn và bệnh Alzheimer còn rất hạn chế. Một số bằng chứng chỉ ra rằng, chế độ ăn DASH (tốt cho trái tim) và chế độ ăn Địa Trung Hải có thể sẽ giúp ích, nhưng không nhiều. Và bạn sẽ chẳng mất gì khi thực hiện những chế độ ăn này cả. Vậy tại sao bạn lại không thử?

Hiểu thêm về các phương pháp điều trị Alzheimer

Tăng cường chuyển hóa

Một nghiên cứu nhỏ trên tạp chí Aging nhấn mạnh rằng, cách tiếp cận chế độ chuyển hóa một cách cá nhân có thể giúp hỗ trợ điều trị chứng mất trí. Các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu lão khoa tại đại học California’s Buck đã theo dõi 10 người bệnh bị suy giảm nhận thức (giai đoạn sớm của bệnh Alzheimer). Mỗi người sẽ được theo dõi chế độ ăn, luyện tập, kích thích não bộ, giấc ngủ, việc dùng thuốc và vitamin (được gọi chung lại là theo dõi MEND - Metabolic Enhancement for Neurodegeneration: Tăng cường trao đổi chất cho người bị thoái hóa thần kinh). Kết quả nghiên cứu này được báo cáo theo từng trường hợp. Một số người có thể sẽ quay trở về làm việc, một số người sẽ học được vài kỹ năng mới. Một trường hợp không bị quên nhiều như trước nữa.

Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh rằng, cải thiện một số cơ chế sinh học, bao gồm cải thiện tình trạng viêm, cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị Alzheimer. Mặc dù đây không phảo là một thử nghiệm lâm sàng và cách tiếp cận này cũng khó có thể được kiểm chứng trên một nghiên cứu quy mô lớn, nhưng đã gợi ý rằng, việc cải thiện sức khỏe nói chung cũng có thể có một lợi ích nhất định với người bệnh Alzheimer.

Trị liệu không dùng thuốc cho những người dễ bị kích động và dễ nổi cáu

Khi các vấn đề về trí nhớ trôi qua, thì người bệnh có thể sẽ cảm thấy lo lắng và dễ bị kích động. Vào giai đoạn muộn của bệnh Alzheimer, người bệnh có thể bị kích động về mặt thể chất hoặc sử dụng ngôn từ kích động. Trong trường hợp này, dùng thuốc sẽ không còn hiệu quả nữa. Lúc này, người thân hoặc người chăm sóc nên tới gặp một chuyên gia trị liệu hành vi để học cách có thể giao tiếp với người bệnh. Bằng những việc làm đơn giản như lắng nghe người bệnh, cho người bệnh cảm giác an toàn và cùng tham gia các hoạt động với họ, thì người thân và người chăm sóc có thể sẽ giúp người bệnh cảm thấy bình tĩnh hơn.

Dùng thuốc cho người dễ bị kích động

Chưa có loại thuốc nào được FDA công nhận có thể điều trị được các triệu chứng về hành vi của người bị bệnh Alzheimer. Đó là lý do vì sao một số bác sỹ thường kê các loại thuốc ngoài hướng dẫn (off – label) để điều trị các triệu chứng này.

Một trong số các thuốc ngoài hướng dẫn thường được kê để điều trị các triệu chứng về hành vi của người bệnh Alzheimer là citalopram (Celexa) – một loại thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc. Một loại thuốc khác là Nuedexta. Đây là loại thuốc được chấp nhận để điều trị các ảnh hưởng của hành não, những người mắc rối loạn thần kinh này đôi khi thường cười và khóc không kiểm soát được. Loại thuốc này thường có dưới dạng viên nang, phối hợp với các loại thuốc ho và thuốc tim mạch, như dextromethorphan và quinidine.

Các thuốc chống loạn thần cũng là một lựa chọn, và thường chỉ được kê khi các triệu chứng bệnh Alzheimer đã rất nặng.

Thuốc chống trầm cảm

Điều trị tình trạng trầm cảm ở người bệnh Alzheimer cần phối hợp nhiều loại thuốc và nhiều loại hình tư vấn trị liệu khác nhau. Bác sỹ có thể sẽ kê đơn thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), như citalopram (Celexa) và sertraline (Zoloft) để chống lại các triệu chứng trầm cảm.

Những thuốc này sẽ làm tăng lượng serotonin trong não, serotonin lại rất quan trọng với việc truyền tín hiệu trong não bộ. Một số loại thuốc chống trầm cảm không điển hình cũng có thể hỗ trợ tăng cường chức năng các chất hóa học trong não bộ, và cũng có thể là một lựa chọn điều trị khác. Những thuốc thuộc nhóm này bao gồm mirtazapine (Remeron) và trazodone (Desyrel). Những phản ứng phụ có thể gặp phải bao gồm buồn ngủ, chóng mặt và khô miệng.

- 28-05-2018 -