Cách sơ cứu cho người bị đuối nước

Đuối nước là một tai nạn hay xảy ra khi bơi lội, đi thuyền và các hoạt động khác trong môi trường nước. Những cái chết thương tâm từ đuối nước một phần là do nạn nhân thiếu kỹ năng, kiến thức về sự an toàn dưới nước nhưng phải kể đến cả tình trạng cứu người bị nạn đuối nước mà không có kiến thức trong việc sơ cấp cứu dẫn nên cũng bị nạn.

Cách sơ cứu cho người bị đuối nước. (Ảnh minh họa)

Khi nói đến đuối nước, người ta thường nghĩ đến do nạn nhân không biết bơi, nhưng thực tế kể cả những người bơi giỏi hoặc thợ lặn nhiều kinh nghiệm cũng có thể bị tai nạn. Trong huấn luyện bơi lội, diễn tập cũng có thể gặp đuối nước mặc dù công tác bảo đảm an toàn được chuẩn bị chu đáo.

Khi bị ngạt nước, nạn nhân bị ngừng thở, tim đập chậm lại do phản xạ. Tình trạng ngừng thở tiếp tục dẫn đến thiếu oxy máu, gây tăng nhịp tim, huyết áp.

Nếu ngừng thở tiếp tục kéo dài trong khoảng từ 20 giây đến 2 - 5 phút (tùy thuộc từng nạn nhân) thì đạt đến ngưỡng và nhịp thở lại xuất hiện khiến cho nước bị hít vào gây co thắt thanh quản tức thì, xuất hiện cơn ngừng thở lần 2, sau đó là các nhịp thở bắt buộc khiến cho nước, dị vật bị hít vào phổi. Hậu quả là nhịp tim chậm dần lại, rối loạn nhịp, ngừng tim và tử vong.

Để cứu sống nạn nhân ngạt nước phải ngăn chặn kịp thời các tiến trình trên, tốt nhất là ngay từ khi có cơn ngừng thở đầu tiên, tức là trong vòng 1 - 4 phút đầu tiên khi bị chìm trong nước, đồng thời xử lý tốt các chấn thương kèm theo (đặc biệt là chấn thương đầu cổ và cột sống).

Nguyên tắc cấp cứu là tại chỗ. Nguyên tắc này cần khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân.

Do vậy, việc cần làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước.

Khi nạn nhân đang vùng vẫy dưới nước

- Nhanh chóng kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người xung quanh nếu có người. Tìm kiếm thật nhanh những vật nổi như phao bơi mảnh gỗ, can nhựa…

- Nếu nạn nhân còn tỉnh, giãy giụa dưới nước, ném cho nạn nhân một cái phao, một khúc gỗ, cây sào dài, hoặc một sợi dây (tốt nhất là dây thừng) và quăng ra để giúp họ bám vào. Có thể buộc một vật gì đó vào đầu dây thì quăng sẽ chính xác hơn.

- Trường hợp nạn nhân ở quá tầm ném, có thể buộc dây quanh eo người cứu hộ, chừa một đoạn ngắn ném cho nạn nhân khi người cứu hộ bơi ra tới gần nạn nhân. Đầu dây còn lại sẽ do những người trên bờ kéo vào hoặc buộc vào vật cố định chắc chắn trên bờ để cho người cứu hộ có thể đu dần vào bờ.

- Nếu không có bất cứ vật gì có thể tận dụng được như trên, hãy huy động mọi người xung quanh cởi quần áo cột lại tạo thành sợi dây dài rồi nhanh chóng quăng cho nạn nhân.

- Không nên nhảy xuống nước nếu không biết bơi, hoặc không được huấn luyện cách đưa người đuối nước còn tỉnh lên bờ. Vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn.

- Nếu nạn nhân ôm bám quá chặt, người cứu hộ cần bình tĩnh luồn ra khỏi nạn nhân bằng cách tát mạnh hoặc lặn sâu xuống cho nạn nhân buông ra, sau đó tìm cách kéo nạn nhân vào bờ bằng các kỹ thuật cứu hộ như kéo tóc, đẩy chân, hoặc bơi ngửa phía sau một tay đỡ nạn nhân phía trước…

- Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.

- Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước (chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi). Nếu không thì gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu.

- Đối với thợ lặn thì phải nhanh chóng tháo bỏ máy lặn.

Xử trí khi đưa nạn nhân lên bờ

- Ngay sau khi đưa được nạn nhân vào bờ, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ.

- Việc hồi sức cơ bản sau khi đưa nạn nhân lên mặt đất là đặt nạn nhân nằm ngửa, đầu bằng (nếu người ngạt còn ý thức thì nên đặt đầu hơi cao hơn người).

- Nếu nạn nhân ngưng thở thì ngay lập tức phải hô hấp bằng miệng để hỗ trợ oxy.

- Nôn là hiện tượng xuất hiện ở khoảng 65% trường hợp chính, vì thế trong quá trình hồi sức, nạn nhân có thể hít thêm dịch nôn làm cản trở động tác hồi sức miệng.

- Nếu thấy có nôn, nên xoay miệng nạn nhân sang một bên, móc chất nôn bằng ngón tay.

- Nếu bệnh nhân tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ tim thấy ngừng đập, sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ép tim ngoài lồng ngực.

- Dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.

- Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ép tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ép tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 - 30 lần ép tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt.

- Nếu có hai người cấp cứu thì một người ép tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.               

- Khi kíp cấp cứu đã đến:

  • Có thể thay hô hấp miệng - miệng bằng bóng Ambu sau khi đặt canun Guedel hay Mayo và hút đờm dãi, hút nước ở dạ dày.
  • Nếu tình trạng thiếu oxy đã bớt, và nếu người cấp cứu có kinh nghiệm, thì có thể đặt ống nội khí quản, bóp bóng và cho thở oxy.

- Vấn đề vận chuyển:

  • Vấn để vận chuyển đến một đơn vị hồi sức có trang bị đầy đủ được đặt ra khi bệnh nhân đã thở lại, giãy giụa, kêu la.
  • Nếu bệnh nhân vẫn hôn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở mà điều kiện vận chuyển khó khăn, đơn vị hồi sức ở xa, nên chích máu, đặt ống nội khí quản, bóp bóng trước khi vận chuyển. Trong lúc vận chuyển vẫn phải tiếp tục hồi sức.

Gọi thoại - Gọi video khám từ xa với bác sĩ Phan văn Mạnh

Bác sĩ Phan Văn Mạnh hiện đang làm việc tại Trung tâm xét nghiệm công nghệ cao - Học viện Quân y. Bác sĩ chuyên khám và tư vấn về: 

  • Sơ cấp cứu ban đầu đối với các tai nạn nghiêm trọng như bỏng (nhiệt, hóa chất, điện); vũ khí lạnh (dao, kiếm...); vũ khí nóng (súng, chất nổ...).
  • Bệnh lý nghề nghiệp, đặc biệt là nhóm bệnh lý thuộc chuyên ngành Y học Hàng không (Aviation Medicine), Y học dưới nước (Underwater Medicine) trên các đối tượng: phi công, nhân viên công tác sân bay, thủy thủ chuyên nghiệp, thợ lặn nghiệp dư. Các đối tượng tiếp xúc với các yếu tố bất lợi của môi trường sống như: Tiếng ồn, rung xóc, trường điện từ siêu cao tần...

Hướng dẫn cách gọi thoại - gọi video khám với bác sĩ Phan Văn Mạnh

  • Bước 1: Chọn giờ còn trống
  • Bước 2: Đăng nhập Sổ khám Online (để xác định SĐT sẽ dùng gọi bác sĩ)
  • Bước 3: Thanh toán trước phí khám (thẻ ATM, thẻ tín dụng, thẻ cào, chuyển khoản, tại cửa hàng tiện lợi gần nhà)
  • Bước 4: Kiểm tra tin nhắn & nhận đường link bệnh án điện tử; cập nhật lý do khám và tải ảnh hoặc video clip (vết thương, đơn thuốc, x-quang…) từ bệnh án điện tử
  • Bước 5: Đúng giờ hẹn, nhấp nút gọi màu cam trên bệnh án điện tử để gặp bác sĩ Mạnh; Xem dặn dò, kê toa sau khi tư vấn xong

>>> Tổng đài hỗ trợ: (028) 3622 6822.

ThS. BS. Phan Văn Mạnh

Học viện Quân y

- 20-06-2018 -