Các tác dụng phụ của kháng sinh

Giống như nhiều loại thuốc khác, các thuốc kháng sinh cũng có khả năng ít nhiều gây ra những tác dụng phụ cho người bệnh. Có thể chia các tác dụng phụ này thành 3 loại chính: tác dụng phụ về mặt vi trùng học, phản ứng dị ứng, và tai biến do độc tính của kháng sinh.

Tác dụng phụ về mặt vi trùng học

Các rối loạn hệ vi khuẩn bình thường của người bệnh thường gặp sau khi dùng những kháng sinh phổ rộng, nhất là khi dùng qua đường uống(chloramphenicol). Các kháng sinh này tiêu huỷ hệ vi khuẩn bình thường của đường ruột bệnh nhân, làm cho hệ vi khuẩn bình thường này bị thay thế bởi những vi khuẩn kháng thuốc(tụ cầu khuẩn, enterobacter, trực khuẩn mủ xanh) và nấm.

Một số kháng sinh được thải qua mật, nên dù đã được dùng qua đường tiêm tĩnh mạch vẫn có thể gây ra rối loạn hệ vi khuẩn bình thường của đường ruột, ví dụ kháng sinh ceftriaxone, các kháng sinh nhóm lincosamid.

Sự thay thế hệ vi khuẩn bình thường của đường ruột bởi những vi khuẩn kháng thuốc và nấm có thể dẫn đến những hậu quả như: Tiêu chảy kéo dài, đôi khi rất nặng nếu do tụ cầu khuẩn gây viêm ruột dạng lỵ hay do clostridium difficile gây viêm đại tràng màng giả. Bệnh nấm candida đường ruột. Thiếu vitamin nhóm B, vitamin K…

Để đề phòng tác dụng phụ này thì có thể dùng thêm thuốc tái tạo hệ vi khuẩn bình thường của đường ruột như antibio,biosubtyl, enterogermina sau một đợt trị liệu kháng sinh.

Một tác dụng phụ khác do sự phóng thích một lượng lớn nội độc tố từ sự phân huỷ một lượng lớn vi khuẩn sau một liều kháng sinh cao. Điển hình là phản ứng Jarisch-Herxheimer (sốt, lạnh run, nhức đầu, nhịp tim nhanh, tụt huyết áp nhẹ) khi điều trị giang mai. Hay phản ứng truỵ mạch khi dùng một liều chloramphenicol cao để điều trị bệnh thương hàn.

Để đề phòng những tác dụng phụ này nên bắt đầu điều trị với liều kháng sinh thấp và tăng lên từ từ.

Phản ứng dị ứng

Chẳng hạn như nổi mẫn ở da, đôi khi ở cả màng nhầy, có thể đi từ dạng nhẹ như ban đỏ, mày đay cho đến dạng rất nặng như hội chứng Lyell (sốt cao, da nổi bọng nước, viêm loét giác mạc). Phản ứng sốt, thường lầm với sốt do nhiễm trùng gây ra.

Một số trường hợp có những phản ứng giống trong bệnh huyết thanh (sốt, nổi mẫn ớ da, đau khớp, nổi hạch, khó thở, tiểu ra máu). Sốc phản vệ (nổi mày đay, mạch nhanh, huyết áp tụt kẹp.. có thể dẫn đến tử vong). Tăng bạch cầu ưa toan trong máu…

Nguyên nhân là do sự mẫn cảm cao ở một số người bệnh. Sự xuất hiện các phản ứng này không phụ thuộc vào liều lượng kháng sinh được dùng. Các kháng sinh thường gây ra các phản ứng dị ứng là các penicillin, và các sulfamide.

Tai biến do độc tính của kháng sinh

Xuất hiện do kháng sinh tác động lên một số cấu trúc tế bào hoặc một số men của tế bào.Tần suất xuất hiện các tai biến do độc tính và mức độ nặng nhẹ phụ thuộc vào khoảng thời gian dùng kháng sinh và liều kháng sinh được dùng. Dùng kháng sinh liều cao và trong một khoảng thời gian dài thì khả năng xuất hiện tai biến cao và tai biến thường nặng.

Các tai biến này bao gồm: Tai biến thận (viêm thận, suy thận), hay gặp khi dùng sulfamide, aminoside, vancomycin. Tai biến ốc tai tiền đình (chóng mặt, giảm thính lực) do dùng aminoside, vancomycin. Tai biến huyết học, thiếu máu do chloramphenicol, giảm bạch cầu hạt (sốt liên tục, nhiễm trùng) do các sulfamide.

Tai biến gan (viêm gan, tăng men gan…) khi dùng rifampicine, và các sulfamide. Tai biến thần kinh(co giật) khi dùng penicillin liều cao, nhất là ở bệnh nhân suy thận.

Tai biến cho thai nhi, phụ nữ có thai dùng các kháng sinh có độc tính và có thể đi qua nhau thai được(aminoside, chloramphenicol, sulfamide) thì có nguy cơ làm hư hại các cơ quan của thai nhi. Tai biến cho trẻ sơ sinh, do nhiều chức năng của cơ thể còn chưa hoàn chỉnh nên sự chuyển hoá các thuốc nói chung cũng như kháng sinh nói riêng không giống như ở người lớn. Vì vậy phải tránh dùng một số kháng sinh cho trẻ em như sulfamide (nguy cơ vàng da), chloramphenicol (hội chứng gray), quinolon (nguy cơ toan máu).

Những thông tin này là chỉ giúp bạn đọc tham khảo thêm. Để tránh những tác dụng phụ của kháng sinh như vừa nêu trên, tốt nhất không nên tự ý dùng, mà phải dùng theo chỉ định của bác sĩ. 

- 28-05-2018 -