Tên kỹ thuật y tế: Sinh thiết vú

Bộ phận cơ thể/Mẫu thử:

Tìm hiểu chung

Sinh thiết vú là gì?

Sinh thiết vú là kỹ thuật lấy mô tế bào vú và xem dưới kính viển vi để tìm ra ung thư vú. Sinh thiết vú thường được thực hiện để kiểm tra khối u khi khối u này được phát hiện trong quá trình khám vú, hoặc khi các phương pháp chụp nhũ ảnh, siêu âm hay chụp cộng hưởng từ cho kết quả nghi ngờ ung thư vú.

Có nhiều phương pháp để thực hiện sinh thiết vú. Bao gồm:

  • Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ. Bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim nhỏ đâm vào khối u và lấy ra một mẫu tế bào hoặc chất dịch để kiểm tra.
  • Sinh thiết lõi kim. Bác sĩ sẽ sử dụng kim có lõi rỗng để lấy ra một mẫu mô tế bào vú có kích thước khoảng bằng hạt gạo.
  • Sinh thiết nhờ chân không. Phương pháp này được tiến hành với một đầu dò có sử dụng máy hút nhẹ để lấy ra một mẫu nhỏ của các mô vú. Cách này sẽ để lại vết sẹo rất nhỏ.
  • Sinh thiết qua mổ hở. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trên da và các mô vú để lấy đi một phần hoặc toàn bộ khối u. Đây thường là bước đầu tiên để xét nghiệm khối u nếu phương pháp sinh thiết bằng kim không thể cung cấp đủ thông tin để chẩn đoán.

Bác sĩ có thể chỉ định siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để lựa chọn phương pháp sinh thiết phù hợp hoặc xác định chính xác vị trí cần lấy mẫu sinh thiết thông qua chụp nhũ ảnh (theo hai tư thế gồm chụp thẳng trước mặt và chụp nghiêng). Ngoài ra, kỹ thuật định vị dây kim loại (dùng dây kim loại, kẹp hoặc chất đánh dấu để xác định vị trí cần sinh thiết) cũng có thể được sử dụng.

Khi nào bạn nên thực hiện sinh thiết vú?

Dựa vào tình trạng sức khỏe và bệnh lý, bác sĩ sẽ quyết định xem bạn có nên thực hiện sinh thiết hay không. Thông thường, bạn sẽ cần thực hiện sinh thiết vú nếu kết quả chụp nhũ ảnh, siêu âm vú hoặc khám lâm sàng cho thấy có những bất thường ở vú.

Để kết luận ung thư vú, bác sĩ cần phải chỉ định sinh thiết vú. Các mô và chất dịch ở khu vực phát hiện bất thường sẽ được lấy mẫu và kiểm tra dưới kính hiển vi.

Điều cần thận trọng

Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện sinh thiết vú?

Phần lớn các khối u ở vú không phải là khối u ung thư. Nhưng sau mãn kinh, nguy cơ ung thư vú có thể tăng cao. Các mô sợi bọc tuyến vú thi thoảng có thể nhấp nhô khi bạn sờ vào, đặc biệt là ngay trước chu kỳ kinh nguyệt. Tình trạng thay đổi sợi bọc tuyến vú là rất phổ biến, vì vậy nhiều bác sĩ cho rằng đây là hiện tượng bình thường. Những thay đổi này thường không còn xuất hiện sau mãn kinh. Tuy nhiên, một số phụ nữ sử dụng các liệu pháp hormone sau mãn kinh vẫn có thể trải qua tình trạng này.

Quy trình thực hiện

Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện sinh thiết vú?

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý và thực hiện kiểm tra lâm sàng.

Bạn cần phải ký giấy chấp nhận thực hiện xét nghiệm sinh thiết vú. Nếu phải gây mê, không nên ăn hay uống bất cứ thứ gì trong vòng 8 – 12 giờ trước khi thực hiện thủ thuật.

Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào (đặc biệt là aspirin hoặc các loại thảo dược), hãy hỏi bác sĩ liệu bạn có nên ngừng thuốc trước khi thực hiện sinh thiết hay không.

Hãy báo với bác sĩ nếu bạn nghi ngờ mình đang mang thai.

Không thoa kem dưỡng da (lotion), nước hoa, phấn thơm hoặc chất khử mùi vào vùng dưới cánh tay hoặc vú trước khi thực hiện sinh thiết.

Quy trình thực hiện sinh thiết vú như thế nào?

Trước khi thực hiện sinh thiết, bạn sẽ được yêu cầu cởi áo ở và mặc áo choàng hở phần mặt trước.

Bạn sẽ nằm trên giường, bác sĩ sẽ làm sạch và sát trùng vùng vú và tiêm thuốc tê cho bạn. Bạn không bị gây mê trong quá trình sinh thiết.

Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trên vú, tại vị trí cần thực hiện sinh thiết. Sau đó, sử dụng máy siêu âm để hướng dẫn đưa kim đến vùng cần lấy mẫu mô. Tiếp theo, một vài mẫu mô và tế bào sẽ được lấy ra. Một cây kim nhỏ có thể được đặt ở khu vực cần lấy sinh thiết ở vú để đánh dấu nếu cần thiết.

Thông thường, các phương pháp sinh thiết bao gồm:

  • Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ;
  • Sinh thiết lõi kim;
  • Sinh thiết nhờ chân không;
  • Sinh thiết lõi kim và sinh thiết nhờ chân không.

Khi đã lấy được mẫu mô cần thiết, bác sĩ sẽ rút kim ra và băng ép vị trí sinh thiết để cầm máu. Bạn không cần phải may vết sinh thiết lại.

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện sinh thiết vú?

Ngoại trừ sinh thiết mổ hở, với các phương pháp sinh thiết còn lại, bạn có thể được về nhà trong ngày và sinh hoạt bình thường trở lại. Tuy nhiên hãy luôn thật nhẹ nhàng để tránh gây áp lực lên vị trí sinh thiết. Bầm tím là tình trạng thường xảy ra nhất khi thực hiện phương pháp sinh thiết lõi kim. Bạn có thể dùng thuốc giảm đau không chứa aspirin như paracetamol và chườm miếng dán lạnh để giảm sưng.

Nếu bạn thực hiện sinh thiết qua mổ hở, bác sĩ có thể chỉ định may vị trí sinh thiết, đồng thời hướng dẫn bạn cách chăm sóc vết may sau sinh thiết.

Hướng dẫn đọc kết quả

Kết quả của bạn có ý nghĩa gì?

Có thể bạn sẽ có vài thắc mắc sau khi nhận được kết quả sinh thiết. Dưới đây là một vài giải thích cho kết luận của bạn:

Kết quả bình thường:

Không có tế bào bất thường hay ung thư nào được tìm thấy.

Kết quả bất thường:

Có những thay đổi ở vú nhưng không phải ung thư, bao gồm:

  • Vôi hóa trong mô vú;
  • U nang – dạng khối u chứa chất lỏng;
  • Tiểu thùy vú;
  • Phì đại tiểu thùy vú – đây là các khối u tròn nhỏ, có thể cảm nhận được khi sờ bằng tay;
  • Hoại tử mỡ – là những khối u tròn, cứng xuất hiện do các mô mỡ bị tổn thương gây ra;
  • U sợi và u tuyến trong vú.

Có những thay đổi ở vú, không phải ung thư, nhưng có thể gây tăng nguy cơ ung thư, bao gồm:

  • Tăng sản tuyến vú (ống dẫn sữa) không điển hình (gọi tắt là ADH);
  • Tăng sản tiểu thùy không điển hình (gọi tắt là ALH);
  • Có nhiều tế bào bất thường ở tiểu thùy vú (Carcinom tiểu thùy tại chỗ hay còn được gọi tắt là LCIS).

Phát hiện tế bào ung thư. Có hai dạng ung thư chính, bao gồm:

  • Ung thư hình thành ở các ống dẫn sữa từ vú tới đầu vú. Đây là loại ung thư vú phổ biến nhất;
  • Ung thư tiểu thùy hình thành ở các tiểu thùy ở vú – nơi sản xuất ra sữa.

Dựa vào kết quả sinh thiết, bạn có thể được chỉ định phẫu thuật hoặc phương pháp điều trị thích hợp. Bác sĩ sẽ giải thích cho bạn chi tiết về kết quả sinh thiết.

Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.

Tác giả: Ban biên tập HelloBACSI - Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư.
Nguồn: Hello Bác sĩ

- 20-02-2019 -

Bài viết liên quan