Trầm cảm là một bệnh thường gặp và rất nguy hiểm, nó ảnh hưởng tới đời sống hàng ngày và gây đau khổ cho cả bạn và những người quan tâm đến bạn.

Trầm cảm là một bệnh thường gặp và rất nguy hiểm, nó ảnh hưởng tới đời sống hàng ngày và gây đau khổ cho cả bạn và những người quan tâm đến bạn.

Trầm cảm

Trầm cảm. (Hình minh họa)

Trầm cảm là gì?

Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm trạng, gây ra một cảm giác buồn và mất hứng thú kéo dài dai dẳng. Chứng trầm cảm sẽ ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận, suy nghĩ, hành xử và có thể dẫn đến những vấn đề đa dạng về tinh thần và thể chất.

Có nhiều dạng rối loạn trầm cảm:

Trầm cảm nặng

Những triệu chứng nghiêm trọng ảnh hưởng tới khả năng làm việc, ăn ngủ, học tập và hưởng thụ cuộc sống. Một cơn kịch phát có thể chỉ xảy ra một lần trong đời người, nhưng thường xuyên hơn, một người cũng có thể có nhiều cơn kịch phát.

Rối loạn trầm cảm kéo dài

Thường thì tâm trạng chán nản sẽ kéo dài ít nhất 2 năm. Người được chẩn đoán rối loạn trầm cảm kéo dài có thể có những cơn trầm cảm nặng xen kẽ những thời kỳ với triệu chứng nhẹ hơn, nhưng triệu chứng phải kéo dài 2 năm.

Có một số dạng trầm cảm hơi khác nhau đôi chút, hoặc có thể diễn tiến trong những hoàn cảnh đặc biệt. Những dạng trầm cảm đó gồm:

  • Trầm cảm loạn thần: xảy ra khi một người bị trầm cảm nặng kèm theo một dạng loạn thần nào đó, ví dụ như tin tưởng mù quáng hoặc xa rời thực tế (ảo tưởng), hoặc nghe hoặc nhìn thấy những điều khó chịu mà người khác không nghe hoặc nhìn thấy (ảo giác).
  • Trầm cảm hậu sản: nghiêm trọng hơn “tình trạng xuống tinh thần sau khi sinh” (baby blues) mà nhiều phụ nữ mắc phải sau khi sinh, khi những thay đổi về nội tiết tố và thể chất cũng như trách nhiệm mới cho chăm sóc đứa bé có thể quá sức. Ước tính rằng 10 - 15% phụ nữ mắc phải trầm cảm hậu sản sau khi sinh con.
  • Trầm cảm theo mùa (Seasonal affective disorder – SAD), đặc trưng bởi sự khởi phát trầm cảm trong những tháng mùa đông, khi ánh sáng mặt trời ít đi. Bệnh trầm cảm thường chấm dứt vào mùa xuân và mùa hè. SAD có thể điều trị hiệu quả bằng liệu pháp ánh sáng, nhưng gần một nửa những người mắc SAD không cải thiện bệnh với liệu pháp ánh sáng đơn độc. Thuốc chống trầm cảm và liệu pháp tâm lý có thể giảm các triệu chứng SAD, hoặc đơn trị liệu hoặc phối hợp với liệu pháp ánh sáng.

Rối loạn lưỡng cực

Hay còn gọi là bệnh hưng cảm – trầm cảm, không phổ biến như trầm cảm nặng hoặc rối loạn trầm cảm kéo dài. Rối loạn lưỡng cực có đặc trưng là những thay đổi tính tình theo chu kỳ  từ cực kỳ cao (tức hưng phấn) đến cực kỳ thấp (tức trầm cảm).

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm

Nhiều khả năng bệnh trầm cảm là do sự kết hợp của các yếu tố di truyền, sinh học, môi trường và tâm lý.

Bệnh trầm cảm là rối loạn của não bộ. Những kỹ thuật chụp hình ảnh não như chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy não của người bị trầm cảm khác với não của người bình thường. Những vùng não liên quan tới tính tình, suy nghĩ, ngủ, sự thèm ăn và hành vi có sự khác biệt.  

Một số dạng trầm cảm có khuynh hướng di truyền trong gia đình. Tuy nhiên, trầm cảm cũng có thể xảy ra ở những người không có tiền sử gia đình mắc bệnh trầm cảm.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu một số gen nhất định có thể khiến người ta dễ bị trầm cảm. Một số nghiên cứu về gen gợi ý rằng nguy cơ trầm cảm là do ảnh hưởng của vài loại gen cùng tương tác với những yếu tố môi trường bối cảnh hoặc những yếu tố khác.

Ngoài ra, chấn thương, mất người thân, mối quan hệ khó khăn, hoặc hoàn cảnh căng thẳng có thể thúc đẩy một cơn trầm cảm. Những cơn trầm cảm khác có thể xảy ra khi có hoặc không có một nguyên nhân thúc đẩy rõ ràng.

Triệu chứng của bệnh trầm cảm

Ở những trường hợp mắc bệnh trầm cảm, không phải ai cũng triệu chứng như nhau. Mức độ, tần xuất và thời gian xảy ra triệu chứng cũng khác nhau tùy từng người và bệnh cụ thể của họ. Dấu hiệu và triệu chứng gồm:

  • Buồn chán, lo âu, hoặc cảm giác “trống rỗng” kéo dài
  • Cảm thấy vô vọng hoặc bi quan
  • Cảm thấy tội lỗi, vô dụng, hoặc bất lực
  • Dễ cáu kỉnh, bồn chồn
  • Không còn hứng thú đối với những hoạt động hoặc sở thích trước đây, kể cả sinh hoạt tình dục
  • Mệt mỏi, và giảm năng lượng
  • Khó khăn trong việc tập trung, nhớ các chi tiết, và đưa ra quyết định
  • Mất ngủ, tỉnh giấc sớm, hoặc ngủ quá nhiều
  • Ăn quá nhiều, hoặc chán ăn
  • Nghĩ đến chuyện tự tử, hoặc định tự tử
  • Đau nhức, đau đầu, chuột rút, hoặc các vấn đề về tiêu hóa không đỡ dù được điều trị.

Khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên, hãy đi khám bác sĩ hoặc Gọi thoại - Gọi video với bác sĩ chuyên khoa Tâm lý hoặc Tâm thần học trên Hệ thống khám từ xa Wellcare để nhận được chẩn đoán chính xác cũng như sự can thiệp phù hợp nhất do tình trạng và triệu chứng khác nhau với từng người. 

Những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm

Rối loạn trầm cảm nặng là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất tại Mỹ. Hàng năm khoảng 6.7% người Mỹ trưởng thành mắc bệnh này. Thêm vào đó, 3.3% thanh thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi trải qua một rối loạn trầm cảm suy nhược nghiêm trọng.

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh trầm cảm bao gồm:

  • Phụ nữ có khả năng bị bệnh trầm cảm hơn so với nam giới.
  • Người da đen ít bị trầm cảm hơn so với người da trắng.
  • Độ tuổi trung bình khi khởi bệnh là 32 tuổi.

Chẩn đoán bệnh trầm cảm

Bước đầu tiên để đạt được điều trị thích hợp là khám bệnh với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tinh thần. Một số loại thuốc và một số tình trạng bệnh như nhiễm vi-rút hoặc rối loạn tuyến giáp, có thể gây ra những triệu chứng tương tự trầm cảm. Bác sĩ có thể loại trừ những khả năng này bằng việc thăm khám, hỏi bệnh, và các xét nghiệm cận lâm sàng. Nếu bác sĩ thấy không có tình trạng bệnh tật có thể dẫn đến trầm cảm, bước tiếp theo là đánh giá tâm lý.

Bác sĩ có thể sẽ giới thiệu bạn tới một chuyên gia sức khỏe tinh thần, họ sẽ hỏi bạn về tiền sử gia đình mắc bệnh trầm cảm hay rối loạn tâm thần khác và khai thác một bệnh sử đầy đủ về các triệu chứng của bạn.

Điều trị bệnh trầm cảm

Người mắc bệnh trầm cảm có thể được điều trị theo nhiều phương pháp. Biện pháp điều trị thường gặp nhất là thuốc và tâm lý trị liệu.

Điều trị bằng thuốc

Chủ yếu có tác dụng trên những hóa chất do não tiết ra được gọi là chất dẫn truyền thần kinh, đặc biệt là serotonin và norepinephrine. Các thuốc chống trầm cảm khác có tác dụng trên chất dẫn truyền dopamine. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những hóa chất đặc biệt này có liên quan tới việc điều chỉnh tâm trạng, nhưng họ không chắc chắn được về cơ chế tác động chính xác của những hóa chất này. Thông tin mới nhất về thuốc điều trị trầm cảm được đăng tải trên trang web của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Thuốc chống trầm cảm mới phổ biến

Một số thuốc chống trầm cảm mới nhất và phổ biến nhất được gọi là chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (selective serotonin reuptake inhibitors – SSRI). Fluoxetine (Prozac), sertraline (Zoloft), escitalopram (Lexapro), paroxetine (Paxil), và citalopram (Celexa) là một số trong các SSRIs thường được kê toa nhất cho trầm cảm. Hầu hết là có phiên bản generic. Chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI) cũng tương tự như SSRI và gồm venlafaxine (Effexor) và duloxetine (Cymbalta).

SSRI và SNRI thường có ít tác dụng phụ hơn các thuốc chống trầm cảm thế hệ cũ, nhưng đôi khi cũng gây đau đầu, buồn nôn, bồn chồn, hoặc mất ngủ khi mới bắt đầu dùng thuốc. Những triệu chứng này thường dần mất đi. Một số người cũng gặp phải vấn đề trong quan hệ tình dục khi sử dụng SSRI và SNRI và có thể giải quyết bằng cách điều chỉnh liều hoặc chuyển sang thuốc khác.

Một loại thuốc chống trầm cảm phổ biến có tác dụng trên dopamine là bupropion (Wellbutrin). Bupropion thường có tác dụng phụ tương tự như SSRI và SNRI, nhưng ít gây ra tác dụng phụ về tình dục. Tuy nhiên, thuốc này có thể tăng nguy cơ co giật.

Tricyclics

Tricyclics (thuốc chống trầm cảm ba vòng) là thuốc chống trầm cảm đời cũ. Tricyclics rất mạnh, nhưng ngày nay không được sử dụng nhiều vì các tác dụng phụ tiềm năng nghiêm trọng. Thuốc này có thể ảnh hưởng trên tim ở người bị bệnh tim. Đôi khi thuốc gây ra cảm giác chóng mặt, đặc biệt ở người cao tuổi. Thuốc cũng có thể gây cảm giác buồn ngủ, khô miệng, và tăng cân. Những tác dụng phụ này thường chấm dứt khi thay đổi liều lượng hoặc chuyển sang thuốc khác. Tuy nhiên, tricyclics có thể đặc biệt nguy hiểm nếu dùng quá liều. Trong tricyclics có chất imipramine và nortriptyline.

MAOI

Thuốc ức chế monoamine oxidase (Monoamine oxidase inhibitors – MAOI) là thế hệ thuốc chống trầm cảm cũ nhất. Thuốc này đặc biệt có tác dụng đối với những trường hợp trầm cảm “không điển hình”, ví dụ như khi một người thèm ăn và ngủ nhiều hơn chứ không phải chán ăn và mất ngủ. Thuốc này cũng có tác dụng với cảm giác lo lắng hoặc sợ hãi và những triệu chứng đặc trưng khác.

Tuy nhiên, người dùng MAOI phải kiêng một số thức ăn và đồ uống nhất định (bao gồm pho-mát và rượu vang đỏ) có chứa một chất gọi là tyramine. Trong khi dùng MAOI cũng cần phải tránh một số loại thuốc, bao gồm các thuốc ngừa thai, thuốc giảm đau (loại được kê đơn), thuốc trị cảm lạnh và dị ứng, và thực phẩm chức năng làm từ thảo mộc. Những chất này có thể tương tác với MAOI làm tăng huyết áp mạnh. MAOI dạng dán trên da có thể giúp làm giảm những nguy cơ này. Nếu bạn sử dụng MAOI, bác sĩ điều trị nên đưa cho bạn một danh sách đầy đủ các loại thực phẩm, dược phẩm, và các chất cần tránh. MAOI cũng có thể phản ứng với SSRI gây ra một tình trạng nghiêm trọng gọi là “hội chứng serotonin”, có thể gây lú lẫn, ảo giác, ra nhiều mồ hôi, cứng cơ, co giật, thay đổi huyết áp hoặc nhịp tim, và những tình trạng có khả năng đe dọa tính mạng khác. MAOI không nên dùng chung với SSRI.

Nên uống thuốc như thế nào?

Tất cả thuốc chống trầm cảm chỉ có tác dụng đầy đủ sau khi uống ít nhất 4 đến 6 tuần. Bạn nên tiếp tục uống thuốc, cả khi bạn cảm thấy tốt hơn, để tránh trầm cảm tái phát. Thuốc chỉ nên ngừng uống khi có chỉ định của bác sĩ. Một số thuốc cần giảm liều từ từ để cơ thể có thời gian thích nghi. Mặc dù thuốc chống trầm cảm không gây nghiện, việc ngưng uống đột ngột có thể gây ra các triệu chứng cai thuốc hoặc dẫn tới tình trạng trầm cảm tái phát. Một số cá thể, như người bị trầm cảm kinh niên hoặc tái phát, có thể cần dùng thuốc vĩnh viễn. Ngoài ra, nếu một loại thuốc không có tác dụng, bạn nên cân nhắc chuyển sang thuốc khác.

Nghiên cứu do NIMH tài trợ cho thấy rằng người không cải thiện sau khi dùng một thuốc ban đầu sẽ tăng khả năng khỏi bệnh sau khi họ chuyển sang một loại thuốc khác hoặc uống kèm thuốc khác với thuốc đang dùng. Đôi khi thuốc kích thích, thuốc chống lo âu, hoặc các loại thuốc khác được dùng chung với thuốc chống trầm cảm, đặc biệt là nếu bệnh nhân có bệnh đồng mắc. Tuy nhiên, cả thuốc chống lo âu và chất kích thích đều không có hiệu quả chống trầm cảm khi dùng riêng rẽ, và cả hai loại thuốc này chỉ nên dùng dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Hãy báo bất kỳ tác dụng phụ bất thường cho bác sĩ ngay lập tức.

Sống cùng bệnh trầm cảm

Làm thể nào để giúp cho người thân mắc bệnh trầm cảm?

Nếu bạn có một người thânmắc bệnh trầm cảm, nó cũng có thể ảnh hưởng đến bạn. Điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm là giúp bạn bè hoặc người thân được chẩn đoán và điều trị. Bạn có thể cần liên hệ để hẹn ngày khám và đi cùng với họ đến gặp bác sĩ. Hãy động viên họ tuân thủ điều trị, hoặc tìm cách điều trị khác nếu không có cải thiện sau 6 đến 8 tuần.

Để giúp bạn bè hoặc người thân vượt qua bệnh trầm cảm, bạn có thể:

  • Hỗ trợ về mặt tình cảm, thông cảm, kiên nhẫn, và khích lệ.
  • Trò chuyện với họ, và lắng nghe.
  • Không bao giờ phủ nhận các cảm xúc, nhưng chỉ ra đâu là hiện thực và chia sẻ hy vọng.
  • Không bao giờ bỏ qua các lời nói về tự tử, và báo cho nhà trị liệu hoặc bác sĩ của họ.
  • Rủ họ ra ngoài để đi dạo, đi chơi và các hoạt động khác.
  • Cố gắng tiếp tục cả khi họ từ chối, nhưng đừng quá ép buộc họ hay quá vội vàng.
  • Trợ giúp trong việc liên hệ hẹn ngày khám với bác sĩ.
  • Nhắc họ rằng theo thời gian và điều trị, bệnh trầm cảm sẽ khỏi.

Làm thể nào để giúp cho bản thân khi mắc bệnh trầm cảm?

Nếu bị trầm cảm, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, bất lực, và tuyệt vọng. Nhưng khi bắt đầu điều trị, bạn sẽ dần  cảm thấy tốt hơn. Hãy tham khảo một số gợi ý dưới đây để tự giúp bản thân vượt qua bệnh trầm cảm:

  • Đừng để quá lâu mới đi đánh giá hay điều trị.
  • Có nghiên cứu cho thấy để càng lâu, tổn thương càng nhiều về sau.
  • Cố gắng gặp một chuyên gia càng sớm càng tốt. 
  • Cố gắng sống tích cực và tập thể dục.
  • Đi xem phim, chơi bóng, hoặc một sự kiện hay hoạt động khác mà trước kia bạn thích.
  • Đặt ra những mục tiêu thực tế cho bản thân.
  • Chia những công việc lớn thành những việc nhỏ, đề ra một số ưu tiên và thực hiện những việc bạn có thể làm trong khả năng của mình.
  • Cố gắng dành thời gian tiếp xúc với người khác và tâm sự bạn thân hoặc người thân.
  • Cố gắng không để cô lập bản thân, và để người khác giúp bạn.
  • Biết rằng tình trạng của bạn sẽ cải thiện dần dần, không thể ngay lập tức. Đừng mong đợi bệnh sẽ khỏi “trong chớp mắt”. Thông thường khi điều trị trầm cảm, việc ăn ngủ sẽ bắt đầu cải thiện trước tâm trạng chán nản.
  • Hoãn lại các quyết định quan trọng, như kết hôn hoặc ly hôn hoặc thay đổi công việc, cho đến khi bạn cảm thấy khá hơn. Thảo luận về các quyết định với những người hiểu bạn và có cách nhìn khách quan hơn về hoàn cảnh của bạn.
  • Hãy nhớ rằng rằng suy nghĩ tích cực sẽ thay thế những suy nghĩ tiêu cực khi bệnh trầm cảm của bạn đáp ứng với điều trị.
  • Tiếp tục giáo dục bản thân về bệnh trầm cảm.

- 22-03-2021 -

Bài viết liên quan

  • Rối loạn ăn uống là một nhóm các vấn đề nghiêm trọng, trong đó mối bận tâm thường tập trung vào thực phẩm và cân nặng. Rối loạn ăn uống có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng về thể chất và thậm chí có thể đe dọa tính mạng.

  • Tự kỷ là một tập hợp các rối loạn phát triển lan tỏa ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, có khởi phát sớm từ khi trẻ trước 3 tuổi và diễn biến kéo dài. Biểu hiện chung của tự kỷ bao gồm những khiếm khuyết trong 3 lĩnh vực là kém tương tác xã hội, kém giao tiếp và hành vi bất thường. Bên cạnh đó trẻ thường có rối loạn cảm giác, nhiều trẻ có kèm theo tăng động và chậm trí tuệ.

  • Khi đã bị bệnh thần kinh, trở nên bị ám ảnh với ý nghĩ rằng có một căn bệnh nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng mà không được chẩn đoán. Điều này gây ra sự lo lắng đáng kể vào trong nhiều tháng hoặc lâu hơn, ngay cả khi không có bằng chứng y khoa rõ ràng rằng có một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bệnh thần kinh cũng được gọi là hypochondriasis.

  • Thời gian gần đây, nhiều vụ bạo hành học sinh xảy ra gây ảnh hưởng xấu đến chuẩn mực đạo đức nhà giáo và khiến dư luận bất bình, phụ huynh hoang mang. Những vụ bạo lực học đường, sự vô trách nhiệm của giáo viên đặt ra yêu cầu phải tăng cường giám sát xã hội đối với môi trường giáo dục.

  • Technology has transformed modern life, and now it is changing the mental health landscape, transforming the way social workers, counselors, therapists, and clinical psychologists provide mental health services.

  • Mỗi người trầm cảm theo nhiều cách khác nhau, mức độ và triệu chứng thay đổi theo cá nhân và thời gian. Bạn có thể gọi bác sĩ chuyên khoa Tâm lý để khám trực tuyến, tư vấn từ xa: https://khamtuxa.vn/bac-si/khoa/tam-ly