Truyền thuyết "uống nước lạnh gây viêm họng"

Viêm họng hay cảm ho là do bị lây siêu vi từ người sang người, lây qua ho, hắt hơi hay qua bàn tay. Viêm họng không do uống nước lạnh, trừ khi trong nước lạnh đó có chứa siêu vi gây viêm họng. Gọi bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn để được khám, tư vấn từ xa cho bé.

Viêm họng là bệnh phổ biến ở nước ta, vì vậy với điều kiện môi trường và khí hậu như hiện nay số lượng người mắc bệnh viêm họng không ngừng tăng lên ở mọi lứa tuổi khác nhau, đặc biệt là trẻ nhỏ. 

Hiện nay, có khá nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề viêm họng có nên uống nước đá cho nhanh khỏi hay không? Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, Trưởng khoa Nhi - Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare đã có những chia sẻ trên trang Facebook cá nhân ngày 28/05/2013.

Trẻ bị viêm họng. (Ảnh minh họa)

"Ở Việt Nam, có quá nhiều truyền thuyết đến độ tôi không biết phải viết tiếp truyền thuyết nào kế tiếp sau khi viết xong (hay gần xong) một truyền thuyết nào đó. Gần đây, có một số người đề nghị viết về truyền thuyết 'uống nước lạnh gây viêm họng', nên tôi nghĩ sẽ viết ngăn ngắn về truyền thuyết này.

Cứ mỗi lần tư vấn về một trường hợp bị cảm ho hay viêm họng hay đau họng gì đó mà tôi khuyên các ba mẹ bệnh nhi cho bé uống nước lạnh (hay ăn kem) là gần như hơn 99% sẽ tròn xoe con mắt nghi ngờ rằng cái ông bác sĩ này đang nói đùa, và hỏi lại rằng "Bác sĩ nói thiệt không? Uống nước lạnh bị viêm họng sao bác sĩ?". Khi đó, tôi phải nói thêm một câu "Tôi nói hoàn toàn thật tình và không có một ý nghĩ đùa nào trong lời khuyên này hết". Có một điều lạ (hay không lạ ta) là khi tôi nói câu này với một bà mẹ hay ông bố Việt Nam nào từ nước ngoài về thì hầu như họ hiểu ngay tức khắc (họ tự suy luận được ngay). Điều đó chứng tỏ rằng khi bạn đã quá quen nghe một điều nào đó rồi thì mặc nhiên bạn đã có thể xem điều đó là đúng mà gần như hiếm bao giờ bạn thắc mắc 'tại sao' hay 'như thế nào'. Mà suy cho cùng, những điều bác sĩ nói là phải đúng rồi, thắc mắc tại sao nhiều khi còn bị bẻ lại "ở đây tôi là bác sĩ hay chị là bác sĩ?".

Nếu ai đã từng học y khoa thì đều biết rằng hiện tượng viêm bao gồm những triệu chứng 'sưng, nóng, đỏ và đau'. Còn nếu ai chưa học y khoa thì cứ nhìn cái nhọt trên người sẽ biết ngay hiện tượng viêm là như thế nào. Cái nhọt đó bị sưng lên, sờ thấy nóng hơn da xung quanh, nhìn đỏ hơn và chắc chắn là đau rồi. Những biểu hiện đó là do máu đổ dồn đến chỗ viêm (mạch máu đến đổ nở to ra để đưa máu đến), làm cho sưng lên, nóng lên, đỏ lên và đau.  

Để làm giảm những triệu chứng đó, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc kháng viêm để làm giảm sưng và giảm đau. Vậy có bao giờ bạn thử nhúng bàn tay mình vào nước lạnh một lúc rồi lấy tay ra xem nó ra sao không? Khi đó bạn sẽ thấy bàn tay mình ... trắng bệt, sờ vào thì gần như không còn cảm giác nữa, vì nó ... tê tê rồi. Bàn tay nhúng vào nước lạnh sẽ làm cho mạch máu nuôi bàn tay co lại, bớt máu đến đó và làm cho nó trắng bệt như vậy. Vậy thì đến đây bạn có thể suy luận tiếp rồi đó: nếu đắp nước lạnh (hay túi nước đá) lên chỗ bị viêm (bị sưng lên hay đỏ lên do máu dồn đến nhiều) thì sẽ làm mạch máu nuôi nơi đó bị co lại, có nghĩa là sẽ làm bớt máu dồn đến đó, có nghĩa là làm cho chỗ đó bớt sưng, bớt đỏ, bớt nóng và bớt đau (do bị tê), có nghĩa là ... bớt viêm.

Có bạn nào từng xem đá banh chưa? Có bạn nào để ý khi cầu thủ bị chấn thương sưng chân thì người chăm sóc đắp cái gì lên đó không? Họ đắp lên một túi đá lạnh để làm giảm đau và giảm sưng. Vậy thì khi bị viêm họng (họng bị sưng, đỏ, đau và có thể loét) thì mình sẽ 'đắp' cái gì lên? Chắc là phải đắp nước (đá) lạnh lên rồi, tức là uống nước lạnh đó. Ăn kem càng tốt nữa, vì mấy đứa bé khoái món này. Hoặc là khi bé bị ho, cho bé uống nước lạnh sẽ làm cho cổ họng bớt đau rát, làm tê cổ họng hay nói cách khác là làm giảm cảm giác kích thích ở cổ họng, tức là sẽ làm bớt ho (dù chỉ là tạm thời).

Có bạn thắc mắc là "cứ mỗi lần uống nước lạnh là bị viêm họng". Viêm họng hay cảm ho là do bị lây siêu vi từ người sang người, lây qua ho, hắt hơi, hay qua bàn tay (không biết có lây qua ... hôn không nhỉ? he he). Viêm họng không do uống nước lạnh, trừ khi trong nước lạnh đó có chứa siêu vi gây viêm họng. Nhiều khi các ông đi nhậu, cái ly uống bia (lạnh) chưa chắc đã sạch sẽ. Nếu trước đó có ai đó kê miệng uống và người đó bị cảm thì có nguy cơ ông nào uống sau đó sẽ bị lây bệnh. Tương tự, viêm họng không bị gây ra do nằm máy lạnh hay gió lùa, viêm phổi không bị gây ra do tắm nước lạnh hay mồ hôi thấm ngược vào người như nhiều bạn đang tưởng.

Nếu biết được những bệnh như viêm họng, cảm siêu vi, tay chân miệng... gây ra do bàn tay bị nhiễm phải những siêu vi đó, thì biện pháp phòng ngừa tốt nhất phải là rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hay nước sát khuẩn nhanh. Thú thật với các bạn, tôi rửa tay bằng nước sát khuẩn và xà phòng ít nhất 100 lần mỗi ngày: trước và sau khi tôi đụng bệnh nhân, sau khi tôi đụng bàn phím, đụng vào những nơi mà ... tay người khác đụng vào nắm cửa, bấm vân tay, nút bấm thang máy, sau khi đi vệ sinh...

PS: Nói là viết ngăn ngắn mà giờ đã viết quá dài rồi, tôi nghĩ kết thúc ở đây là được rồi, còn để cho mọi người tha hồ tranh luận."

Wellcare tổng hợp

Nguồn: Facebook BS Nguyễn Trí Đoàn

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018

    Táo bón là tình trạng đi tiêu không thường xuyên (< 3 lần/ tuần) và đi tiêu đau, khó khăn, có thể gây khó chịu và căng thẳng cho bệnh nhi và gia đình. Lưu ý phân bón là phân cứng.

  • 28-05-2018

    Trẻ em bị sốt cao co giật thì gia tăng nguy cơ tái phát chứng sốt giật về sau cũng như là co giật mà không kèm sốt, điều này gợi ý vai trò trong viêc điều trị phòng ngừa bằng các thuốc chống có giật mạn tính. Tuy nhiên, với tính chất tự nhiên và lành tính của của sốt cao co giật, có những đồng thuận chung rằng các nguy cơ của thuốc thì vượt trội so với tiềm năng lợi ích của chúng ở hầu hết các bệnh nhân.

  • 07-06-2018

    Từ tuần này trở đi, bé bắt đầu nhớ các thông tin cụ thể hơn, ví dụ như nơi bạn để đồ chơi của bé. Bé cũng bắt chước những hành động mà bé thấy khoảng 1 tuần trước đó. Những dấu hiệu này cho thấy bé đã có khả năng hồi tưởng - có thể nhớ những chi tiết nhỏ và những trải nghiệm...

  • 28-05-2018
    - Tuổi thai (24+0): Thai 24 tuổi. - Tuổi thai (24+1): Thai 24 tuần một ngày. - Tuổi thai (24+2): Thai 24 tuần hai ngày. - BPD: Đường kính lưỡng đỉnh (Đơn vị: mm) - FL: Chiều dài xương đùi (Đơn vị: mm) - AC: Chu vi bụng (Đơn vị: mm) - HC: Chu vi đầu (Đơn