Trào ngược dạ dày thực quản acid ở trẻ em

Trào ngược acid, cũng được gọi là TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN hay gọi đơn giản là TRÀO NGƯỢC, là khi acid bình thường ở trong dạ dày nhưng lại trào ngược lên thực quản. Thực quản là một cái ống dẫn thức ăn từ miệng xuống dạ dày . Những đứa trẻ khỏe mạnh

1. Trào ngược acid nghĩa là gì?

Trào ngược acid, cũng được gọi là TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN hay gọi đơn giản là TRÀO NGƯỢC, là khi acid bình thường ở trong dạ dày nhưng lại trào ngược lên thực quản. Thực quản là một cái ống dẫn thức ăn từ miệng xuống dạ dày .
Những đứa trẻ khỏe mạnh cũng thường có trào ngược và ói ra sữa hay thức ăn sau bữa ăn. Điều này không phải lúc nào cũng gây đau cho trẻ, hầu hết trẻ con sẽ trải qua tình trạng đó và không cần điều trị gì. Nhưng ở một số trẻ, hiện tượng trào ngược này nghiêm trọng hơn được gọi là BỆNH TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN (GERD).

2. Con tôi liệu có nguy cơ bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) không ?

Một số đứa bé có nguy cơ cao mắc bệnh này, bao gồm:
  • Sanh non (3 hay hơn 3 tuần so với dự sinh)
  • Xung quanh có người hút thuốc lá.
  • Có những vấn đề về sức khỏe như bị hội chứng Down, bại não, một số vấn đề về tủy sống hay não bộ khác.
trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ
(Ảnh minh họa)

3. Khi nào con tôi được coi là bị bệnh trào ngược acid (GERD)?

Nếu con bạn bị ói nhiều nhưng vẫn có vẻ vui vẻ và khỏe mạnh, thì có lẽ đó chỉ là tình trạng ‘’trào ngược không biến chứng‘’. Tình trạng này rất phổ biến. Cho con bạn ợ hơi thường xuyên, giữ bé ở tư thế thẳng, nhẹ nhàng và bình tĩnh sau mỗi bữa ăn.
Nếu con bạn bị trào ngược dạ dày thực quản bệnh lí, các triệu chứng bao gồm :
  • Từ chối ăn
  • Khóc và ưỡn ngực ra trước (nếu bị đau )
  • Nghẹt thở khi nôn
  • Nôn mạnh
  • Không tăng cân một cách bình thường.

4. Tôi có cần đưa con đi gặp bác sĩ không?

Nếu con bạn bị nôn nhiều và có bất kì triệu chứng nào đã nêu ở trên, hãy gọi cho bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ khám và quyết định một số thử nghiệm để kiểm tra xem liệu bé của bạn có triệu chứng của trào ngược acid hay bất cứ lí do nào khác.
Dạng trào ngược không biến chứng sẽ không gây đau và thường là không cần điều trị gì. Nếu con bạn khóc rất nhiều và có vấn đề rắc rối với giấc ngủ, bác sĩ sẽ xác định hiện tượng này là bình thường hay gây ra do chứng trào ngược acid hay do bệnh lí nào khác hay không. Tất cả trẻ con đều có một số hiện tượng có vẻ lạ nhưng không phải tất cả đều là bệnh.
cách xử lý trào ngược axit ở trẻ
(Ảnh minh họa)

5. Có cách nào có thể làm cho con tôi cảm thấy tốt hơn không?

  • Giữ thẳng con bạn sau bữa ăn, con bạn có thể nôn trớ ít hơn nếu bạn bế vác bé lên vai trong vòng 20-30 phút sau khi ăn thay vì đặt bé ở tư thế nằm hay ngồi. Việc đặt trẻ vào một chiếc ghế ngồi riêng dành cho trẻ nhỏ (cũng như việc ngồi ghế xe hơi) ở tư thế thẳng đứng thì cũng không giúp ích được gì với chứng trào ngược, thậm chí có thể làm cho tình trạng tệ hơn. Tượng tự, đừng cố gắng ép trẻ ăn nếu trẻ không thích. Luôn cho con bạn ngủ ở tư thế nằm ngửa, không nằm nghiêng hay sấp dù con bạn có bị chứng trào ngược hay không.
  • Tránh khói thuốc lá: nếu trẻ hít phải khói thuốc lá, điều này sẽ tồi tệ hơn.
  • Chế độ ăn không có sữa bò hay sữa đậu nành: một số trẻ có rắc rối về vấn đề tiêu hóa sữa bò hoặc các sản phẩm làm từ đậu nành. Bác sĩ có thể gợi ý bạn thử ngưng sữa bò và các sản phẩm từ đậu nành trong chế độ ăn của con bạn. Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn, bạn nên loại bỏ tất cả sữa và chế phẩm của sữa (sữa bò, sữa đậu nành) trong khẩu phần ăn của mình. Nếu triệu chứng trào ngược của con bạn được cải thiện sau vài tuần và con bạn vốn uống sữa công thức thì bạn chuyển cho con uống một số loại sữa đặc biệt mà không có đạm bò hay đạm đậu nành trong đó. Còn nếu con bạn bú mẹ hoàn toàn thì bạn phải kiêng ăn, uống sữa và các chế phẩm từ sữa bò, đậu nành luôn. Hầu hết trẻ em có vấn đề với sữa bò hay sữa đậu nành thì vấn đề cũng sẽ được giải quyết ở thời điểm sau 1 tuổi .
  • Làm đặc thức ăn: thêm bột ngũ cốc vào trong sữa của trẻ để làm sữa đặc hơn. Bột yến mạch có thể là một lựa chọn tốt. Ngoài ra có một số sữa công thức đã làm đăc sẵn, hoặc cũng có một vài loại bột chuyên để làm đặc sữa cho bé, nhưng có vẻ không được an toàn .

6. Điều trị trào ngược acid như thế nào ?

Hầu hết trẻ em bị trào ngược acid không cần thuốc gì. Thêm vào đó các thuốc không phải luôn luôn cải thiện được tình trạng trào ngược. Nhưng nếu khi bạn đã cố gắng thử hết các biện pháp đã nêu ở trên mà con bạn vẫn còn gặp rắc rối với trào ngược. Bác sĩ sẽ thử điều trị với thuốc. Có rất nhiều thuốc có thể dùng điều trị trào ngược cho người lớn nhưng không phải chúng đều an toàn ở trẻ con.
Nếu tình trạng trào ngược của con bạn là nghiêm trọng, bác sĩ có thể dùng :
+ Thuốc ức chế bơm proton – những thuốc này có tác dụng ngăn dạ dày tiết ra acid. Có thể dùng omeprazole hoặc lansoprazole, esomeprazole. Nhưng bác sĩ thường ngưng thuốc nếu tình trạng không cải thiện sau vài tuần.
+ Một số thuốc khác như: ranitidine , famotidine cũng là những thuốc ức chế dạ dày tiết acid có thể được bác sĩ kê, nhưng cũng chỉ dùng vài tuần mà thôi. Các thuốc kháng acid không hữu ích trong điều trị trào ngược vì chúng không làm dạ dày giảm tiết acid được. Bên cạnh đó nó cũng không an toàn cho trẻ.
Hãy nói cho bác sĩ biết bạn đã đưa bất kì thuốc gì cho trẻ trước đó để điều trị trào ngược chưa.

Biên dịch - Hiệu đính: TS. Nguyễn Hồ Minh

Trang Ts.BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Nguồn: Y học cộng đồng

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan