Sâu răng sớm ở trẻ nhỏ

Nhiều ba mẹ lại quan niệm rằng hư răng sữa thôi mà, không sao, mai mốt mọc răng vĩnh viễn thay thế rồi. Nhưng vấn đề không đơn giản như thế. Chúng ta hãy tìm hiểu tại sao, cũng như cách chăm sóc con trẻ đúng cách để có thể tránh vấn đề này cho trẻ nhé!

Nhiều ba mẹ lại quan niệm rằng hư răng sữa thôi mà, không sao, mai mốt mọc răng vĩnh viễn thay thế rồi. Nhưng vấn đề không đơn giản như thế. Chúng ta hãy tìm hiểu tại sao, cũng như cách chăm sóc con trẻ đúng cách để có thể tránh vấn đề này cho trẻ nhé!

Ảnh minh họa

Hiện nay, không hiếm gặp những trẻ đến khám bệnh có bộ răng rất tội nghiệp. Cả hai hàm tiền đạo đều bị xỉn màu, và mòn đi trông thấy, trống hoác ngay chính giữa. Có trẻ chỉ mới 2-3 tuổi đã bị tình trạng này. Đây là những trường hợp sâu mòn răng nặng, và trẻ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể đến sự nhai, nếm thức ăn, và vì vậy, sẽ ảnh hưởng đến phát triển cơ hàm, cũng như sự ngon miệng cho trẻ - rất quan trọng cho sự phát triển đúng của trẻ. Đa số những trẻ này đều được bú bình thường xuyên, có lúc bú ngậm bình suốt đêm. Và vì con trẻ khó ăn, hay không ăn được do mòn răng nặng, ba mẹ lại cho con bú nhiều hơn. Đây là cách thực hành gây hại cho trẻ về lâu dài. 

Các yếu tố nguy cơ gây sâu răng sớm ở trẻ

Đầu tiên, chúng ta cần biết rằng, nguy cơ sâu răng bắt đầu ngay từ khi trẻ bắt đầu có cái răng đầu tiên mọc lên. Các vi khuẩn đặc biệt trong miệng sẽ được “nuôi” bằng các loại đường từ thức ăn và thức uống của trẻ. Những vi khuẩn này sẽ tiết ra acid làm tổn thương màng răng, và dần dần sẽ dẫn đến sâu răng ngày càng nặng, nếu không được phòng ngừa.

Một điều rất nên nhớ rằng, các vi khuẩn này thường không có sẵn ở trẻ, mà được “truyền” từ người chăm sóc trẻ bằng nhiều cách như: nếm thử thức ăn của trẻ xem có vừa miệng hay đủ nguội chưa trước khi cho trẻ ăn, nhai thức ăn trước khi bón cho trẻ, làm sạch núm vú giả của trẻ bằng miệng của mình, ăn uống chung chén, muỗng….. Nguy cơ truyền vi khuẩn này càng nhiều nếu người trông trẻ có răng sâu không điều trị. Vì vậy, người lớn chăm sóc trẻ cũng cần chăm sóc răng miệng của mình.

4 răng giữa, hàm trên của trẻ thường là răng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Sâu răng ở trẻ nhỏ trước đây còn được gọi là “hội chứng răng bú bình”, vì có bằng chứng cho thấy tình trạng này rất dễ xảy ra nếu trẻ được cho bú sữa/sữa công thức/nước uống có đường trong bình để ngủ. Khi được cho bú để ru ngủ như thế, sữa/nước ngọt sẽ đọng trong miệng, và các thể đường sẽ dễ dàng vỗ béo vi khuẩn gây sâu răng khi bé ngủ, trong khi đó, nước miếng lại không tiết ra nhiều khi ngủ, và vì vậy không bảo vệ răng được tốt như khi bé thức. 

Những thức uống có đường, như nước trái cây, nước ngọt… khi cho trẻ nhỏ uống thường xuyên cũng có thể gây sâu răng.

Tại sao sâu răng sớm ở trẻ nhỏ lại quan trọng?

Nghiên cứu cho thấy, nếu trẻ bị sâu răng sữa sớm, sẽ dễ bị sâu răng vĩnh viễn khi trẻ trưởng thành. Đồng thời, răng sâu và xấu làm cho trẻ mất tự tin vì không có nụ cười đẹp. Những trẻ có hàm răng khỏe mạnh, nụ cười tươi có thể giúp trẻ tự tin hơn. 

Răng sâu cũng gây đau, khó chịu cho trẻ khi tiêu thụ thức ăn. Vì vậy, trẻ sâu răng nhiều có thể trở thành trẻ lười ăn hoặc khó ăn, và trẻ có thể không lấy đủ năng lượng, vitamine và các khoáng chất theo nhu cầu phát triển của cơ thể. 

Khi răng sâu bị rụng sớm, các răng gần đó có thể lấn sang chỗ trống này, và gây ảnh hưởng đến việc mọc răng vĩnh viễn, làm hàm răng vĩnh viễn bị biến dạng, không theo hàng lối, và khó vệ sinh hơn. Chưa kể nhu cầu cần chỉnh răng/niềng răng về sau.

Phương pháp phòng ngừa sâu răng ở trẻ nhỏ

  • Khi trẻ nhỏ bú sữa xong, cho trẻ rời vú mẹ hoặc lấy bình ra khỏi miệng trẻ. Không cho trẻ bú bình để ngủ. 
  • Bắt đầu tập cho trẻ uống ly từ 6 tháng tuổi. Khi trẻ được 12 tháng, trẻ chỉ nên uống bằng ly (có nghĩa là nên cai bú bình luôn từ 12 tháng-18 tháng tuổi). 
  • Nước trái cây không cần thiết và không được khuyến cáo cho trẻ dưới 12 tháng tuổi vì chứa nhiều đường và nhiều acid. 
  • Không nên chấm núm vú giả vào đường/mứt/mật ong để làm trẻ dễ chịu. 
  • Đối với trẻ trên 12 tháng, nên cho trẻ uống sữa bò nguyên kem, và nước lọc là hai loại nước uống chính. 
  • Bắt đầu vệ sinh răng trẻ ngay từ khi răng đầu tiên mọc lên – sử dụng một khăn mềm ướt hoặc bàn chải dành cho trẻ nhỏ - chỉ sử dụng nước mà thôi. 
  • Từ lúc trẻ 18 tháng đến 6 tuổi, bắt đầu sử dụng kem đánh răng chứa ít fluoride vào bàn chải của trẻ - chỉ quét một vệt mỏng trên bề mặt bàn chải (từ 18 tháng đến 3 tuổi), hoặc xịt kem bằng kích thước hạt đậu phộng nhỏ (từ 3 tuổi đến 6 tuổi). 
  • Sau 6 tuổi, trẻ có thể sử dụng kem đánh răng chứa fluoride bình thường, như của người lớn. 
  • Vệ sinh răng và nướu răng 2 lần một ngày – một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ. 
  • Nên đánh răng cho trẻ cho đến khi trẻ tự làm được tốt, đàng hoàng (thường khoảng 8 tuổi)
  • Nên cho trẻ đi khám răng khi trẻ được 2 tuổi, hoặc sớm hơn khi có nghi ngờ sâu răng, để có thể được phát hiện dấu hiệu sâu răng sớm – có thể phòng ngừa và điều trị được. Đừng đợi đến khi quá trễ. 
  • Tránh những hành vi có thể truyền vi khuẩn sâu răng từ người lớn sang cho trẻ (như kể ở phần đầu).
  • Nghe có vẻ hơi phức tạp, nhưng thật ra nếu để ý, các bạn sẽ thấy khuyến cáo này rất giống như khuyến cáo về cách cho ăn ở trẻ nhỏ trong cách thực hành cho bú/ăn/uống và cách lựa chọn thức ăn, thức uống trong những bài viết trước.

Nguồn tham khảo: 
Tooth decay –young children; Better health channel – Victoria state government – Australia. 
Tooth decay in baby teeth – Patient education center – ADA – American Dentistry Academy – America
Policy on early childhood caries (ECC): Classifications, consequences, and preventive strategies – Collaboration between the American Academy of Pedodontics and the American academy of pediatrics - Oral health policies - 2014

Theo BS. Trần Thị Huyên Thảo

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan