Những vấn đề về kinh nguyệt mà bạn gái không nên bỏ qua

Các bạn nữ nên chú ý đến những vấn đề về kinh nguyệt dưới đây

Có rất nhiều phụ nữ sẽ bị đau và gặp phải những bất tiện khi đến kỳ mỗi tháng, nhưng, một chu kỳ kinh nguyệt bình thường cũng là một thước đo quan trọng về sức khỏe của nữ giới. Bất cứ điều gì không như mong đợi xảy ra với chu kỳ kinh nguyệt của bạn cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn nên tới khám phụ khoa.

Chu kỳ kinh nguyệt của bạn rất đều hàng tháng và bỗng nhiên trở nên bất thường.

Đặc điểm của chu kỳ kinh nguyệt sẽ khác nhau giữa mỗi phụ nữ, nhưng trung bình, một chu kỳ kinh nguyệt điển hình sẽ kéo dài từ 25-30 ngày với số ngày có kinh rơi vào khoảng từ 3-7 ngày. Nếu bạn nhận thấy có bất kỳ thay đổi nào về chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng của mình, hoặc nếu chu kỳ của bạn dài hơn 35 ngày hay ngắn hơn 21 ngày, bạn nên trao đổi với bác sỹ sản phụ khoa để biết được nguyên nhân của vấn đề. Các vấn đề về sức khỏe như hội chứng buồng trứng đa nang, các vấn đề về tuyến giáp hoặc các vấn đề khác có thể sẽ là nguyên nhân của những bất thường về chu kỳ kinh nguyệt.

Bạn không có bất cứ kỳ kinh nào trong vòng 90 ngày

Có rất nhiều lý do tại sao chu kỳ kinh nguyệt của bạn lại không tới, bao gồm cả việc mang thai hoặc tiền mãn kinh, nếu bạn đang trong độ tuổi 40 hoặc 50. Khi bạn ở độ tuổi này, việc sản xuất estrogen trong buồng trứng sẽ bắt đầu giảm đi và chu kỳ kinh nguyệt của bạn sẽ xuất hiện thưa dần, ngắn hơn cho đến khi hoàn toàn dừng lại. Nếu bạn không mang thai và trẻ hơn tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ (51 tuổi), thì có thể bạn đang bị mãn kinh sớm. Còn nếu bạn rất trẻ, và không mang thai, thì nguyên nhân khiến chu kỳ kinh nguyệt không xuất hiện có thể là các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tăng hoặc giảm cân, các vấn đề về hormone hoặc thậm chí là do bạn luyện tập thể thao quá nhiều.

Những vấn đề về kinh nguyệt mà bạn gái không nên bỏ qua

Hội chứng tiền kinh nguyệt ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là hội chứng thường xảy ra từ 5-7 ngày trước khi chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện và thường sẽ biến mất khi bạn thực sự có kinh. Dấu hiệu của hội chứng tiền kinh nguyệt không chỉ là đau bụng kinh và cảm giác khó chịu khi bạn sắp đến kỳ, mà còn là cảm giác trầm cảm, thay đổi cảm xúc, và không thể tập trung được, đi kèm với đó cà các triệu chứng đau đầu, chướng bụng và mệt mỏi. Theo thống kê, có khoảng 30-40% số phụ nữ sẽ trải qua các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt và gây ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của họ. Có khoảng 3-8% tổng số phụ nữ sẽ trải qua rối loạn bồn chồn tiền kinh nguyệt, một tình trạng nghiêm trọng hơn, có thể tăng cao ngay trước khi chu kỳ kinh nguyệt diễn ra.

Bạn xuất hiện các đốm xuất huyết giữa các chu kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi mãn kinh.

Xuất huyết vào bất cứ thời điểm nào, ngoài chu kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi mãn kinh cũng có thể là triệu chứng của u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung hay thậm chí là ung thư nội mạc tử cung.

Lượng máu kinh của bạn rất nhiều và chu kỳ kinh nguyệt của bạn kéo dài hơn 7 ngày.

Có thể bạn sẽ cảm thấy rằng, lượng máu của mình đã là rất nhiều rồi, nhưng trung bình, lượng máu kinh tiết ra trong suốt chu kỳ kinh nguyệt chỉ tương đương với khoảng 2-3 thìa canh. Nếu bạn nhận thấy rằng, mình bị mất máu nhiều hơn bình thường, và cần phải thay băng vệ sinh hoặc tampon mỗi tiếng hoặc thường xuyên hơn, hãy trao đổi với bác sỹ. Một số nguyên nhân khiến chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hoặc chu kỳ kinh nguyệt nặng hơn bình thường (rong kinh) bao gồm thay đổi hormone, polyp hoặc u xơ tử cung, sảy thai, có vấn đề với vòng tránh thai hoặc các vấn đề khác về sức khỏe. Rong kinh kéo dài cũng có thể dẫn đến tình trạng mất rất nhiều sắt và thậm chí là thiếu máu.

Những vấn đề về kinh nguyệt mà bạn gái không nên bỏ qua

Bạn cảm thấy suy nhược, chóng mặt, nôn mửa, bị tiêu chảy hoặc sốt cao, hay xuất hiện các mảng mẩn đỏ như bị cháy nắng khi sử dụng tampon.

Đây là những triệu chứng của hội chứng sốc nhiễm độc, một hội chứng hiếm gặp nhưng là một tình trạng nguy hiểm chết người, có thể phát triển nếu bạn để tampon quá lâu. Để làm giảm nguy cơ mắc hội chứng sốc nhiễm độc, bạn nên hạn chế thời gian sử dụng tampon đến mức tối thiểu, thay tampon ít nhất mỗi 4-8 giờ một lần, hoặc chuyển sang sử dụng băng vệ sinh thông thường.

Bạn bị đau bụng dữ dội khiến bạn không thể thực hiện các hoạt động thường ngày và không giảm đi khi dùng thuốc giảm đau.

Đau bụng kinh dữ dội là một dấu hiệu khác cho thấy có điều gì đó không ổn đã xảy ra với bạn. Trong trường hợp này, cơn đau có thể có nguyên nhân là do những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, ví dụ như u xơ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung.

Bạn 16 tuổi và chưa có kinh

Tuổi trung bình mà một bé gái bắt đầu có chu kỳ kinh nguyệt lần đầu tiên sẽ rơi vào khoảng từ 8-15 tuổi, nhưng nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn chưa đến khi mà bạn đã ở độ tuổi teen, thì có điều gì đó không ổn đã xảy ra. Vô kinh nguyên phát, thường có nguyên nhân là do các vấn đề về hormone của hệ nội tiết, sẽ dẫn đến việc không xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt. Đây là tình trạng thường được chẩn đoán ở nữ giới trẻ tuổi, chưa có chu kỳ kinh nguyệt khi đến tuổi 16.

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan