Những bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ

Đã bao giờ bạn thắc mắc rằng tại sao bé yêu của mình lại bị bệnh quanh năm suốt tháng? Lí do là bé bắt đầu tiếp xúc với nhiều chủng siêu vi hay vi trùng mà hệ miễn dịch chưa đủ mạnh để vượt qua được. Bé có trung bình 8 - 10 đợt cảm hay nhiều hơn trong một năm...

Đã bao giờ bạn thắc mắc rằng tại sao bé yêu của mình lại bị bệnh quanh năm suốt tháng? Lí do là bé bắt đầu tiếp xúc với nhiều chủng siêu vi hay vi trùng mà hệ miễn dịch chưa đủ mạnh để vượt qua được. Bé có trung bình 8 - 10 đợt cảm hay nhiều hơn trong một năm. Đa phần các đợt cảm này đều nhẹ và dường như không kéo dài lắm. Khi bé lớn dần lên, số lần bệnh sẽ giảm lại.

Những bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ. (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân gây bệnh nhiễm trùng ở trẻ

Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua các dịch tiết ở mắt, mũi, họng, phân hay da.
Tiếp xúc gián tiếp với người bệnh bằng cách chơi chung đồ chơi, dùng chung tay nắm cửa… Một số loại siêu vi/ vi trùng có thể tồn tại trên bề mặt các vật dụng này trong nhiều giờ ở nhiệt độ thường. Sau khi bé có tiếp xúc, nguồn bệnh từ tay lên mắt, mũi, miệng và có khả năng truyền bệnh cho bé. 
Người lớn có thể lây bệnh cho bé mà không nhận ra được điều đó. Ví dụ, bạn thay tã hay giúp bé đi vệ sinh, giúp bé lau mũi, bạn đã tiếp xúc với nguồn bệnh. Nếu sau đó bạn không rửa tay kỹ, vi khuẩn đã theo bạn và truyền qua cho bé khác.

Chăm sóc trẻ bị bệnh nhiễm trùng

Ông bà, ba mẹ luôn muốn bé yêu khỏe lại nhanh nhất có thể. Do đó bé thường được cho uống thuốc trị ho, cảm. Thực tế là không có bằng chứng nào chứng minh những thuốc này sẽ có hiệu quả, ngược lại có tác dụng phụ làm bé khó chịu hơn. Do đó không nên cho bé dưới 6 tuổi sử dụng bất cứ thuốc trị ho, sổ mũi, long đàm nào. Ngoại lệ duy nhất là bạn có thể cho bé sử dụng thuốc hạ sốt nếu cần (Acetaminophen hay Ibuprofen). Hãy đưa bé đến gặp bác sĩ nếu bé nhỏ hơn 6 tháng tuổi bị sốt.

Cần đọc kỹ thành phần thuốc trước khi cho bé dùng để tránh nguy cơ con uống một thành phần thuốc quá nhiều. Ví dụ như Acetaminophen có mặt trong thuốc hạ sốt, đồng thời có thể có trong một số loại thuốc ho. Do đó, bé có thể sử dụng quá liều Acetaminophen nếu uống đồng thời thuốc hạ sốt và thuốc ho.

Khi nào cần cho bé đến gặp bác sĩ?

Đưa bé đi khám bác sĩ trong những trường hợp sau:

  • Bé dưới 6 tháng tuổi có sốt
  • Sốt kéo dài hơn 72 giờ
  • Ho không giảm sau 1 tuần, hoặc ho nặng hơn, ho gây ra ói, sặc
  • Đau tai
  • Ngủ quá nhiều 
  • Không thích đồ chơi, sách… hay bất cứ thứ gì
  • Không ngừng khóc, hay rất gây gổ khó chịu
  • Thở nhanh, khó thở
  • Bé dưới 6 tháng tuổi có tiêu chảy
  • Phân máu, hay phân đen
  • Ói liên tục hơn 4 giờ
  • Có dấu hiệu mất nước (môi khô, không có nước mắt, không tiểu hay ướt ít hơn 4 tã trong 24 giờ).

Cần bảo vệ bé như thế nào?

Rửa tay của bạn và tay bé là cách tốt nhất để phòng tránh lây nhiễm. Cần rửa tay sau khi:

  • Ho, hắt hơi vào tay mình, lau mũi
  • Sau khi đi vệ sinh hay giúp bé đi vệ sinh
  • Chăm sóc người bệnh
  • Lau dọn chất ói, phân của bé
  • Thay tã
  • Chế biến đồ ăn sống
  • Chăm sóc vật nuôi...

Rửa tay trước khi nấu ăn và trước khi ăn. Đồng thời dạy bé làm điều tương tự.
Khi bé đủ lớn, hãy chỉ bé rửa tay sau khi vệ sinh mũi hay đi toilet.
Nếu bé ho, hắt hơi, sổ mũi, hướng dẫn bé che miệng, mũi lại, sử dụng khăn giấy và bỏ vào thùng rác, rửa tay ngay sau đó. Tập cho bé dùng khuỷu tay che miệng, mũi nếu bé không có khăn giấy.
Nếu bé đi học, hãy mô tả bệnh của bé với cô giáo để xem cô có yêu cầu bé ở nhà để tránh lây lan không. 
Đảm bảo bé của bạn đã được chích ngừa đầy đủ theo lịch.

Nguồn tham khảo:
1. Common infections & your child https://www.caringforkids.cps.ca/…/common_infections_and_yo…
2. Children and colds https://www.healthychildren.org/…/P…/Children-and-Colds.aspx
3. Infection prevention: Precautions for preventing transmission of infectionhttps://www.uptodate.com/…/infection-prevention-precautions…

>>> Một số loại thuốc trị cảm lạnh cho trẻ thường gặp

BS Lưu Hồng Vân

Chuyên khoa Nhi - Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare

- 30-11-2018 -

Bài viết liên quan