Một số loại thuốc trị cảm lạnh cho trẻ thường gặp

Cảm lạnh là bệnh khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, nhất là trong thời tiết giao mùa. Trẻ có thể mắc bệnh trong một vài tuần khá dai dẳng với các triệu chứng ho, sổ mũi, viêm họng... Một số loại thuốc điều trị cảm lạnh thường thấy như thuốc ho, thuốc hạ sốt, thuốc trị nghẹt mũi, Antihistamines...

Cảm lạnh rất hay gặp ở trẻ em, tuy nhiên bệnh này làm cả nhà lo lắng mãi không thôi. Ba mẹ nên lưu ý khi sử dụng thuốc cho bé.

lam-sao-khi-be-bi-cam-lanh-1

Bệnh cảm lạnh ở trẻ. (Ảnh minh họa)

Các loại thuốc trị cảm lạnh thường gặp

Thuốc ho

Khi bé ho, đặc biệt là ho vào ban đêm làm bé không ngủ được, khiến ba mẹ sẽ vô cùng lo lắng. Nhưng ho lại là phản xạ tốt cho thấy cơ thể đang bảo vệ đường hô hấp bằng cách tống vi trùng/siêu vi ra khỏi cơ thể. Đa phần thuốc ho được nghiên cứu ở người lớn. Một số ít thuốc có nghiên cứu ở trẻ em, nhưng lại không kết luận được là sẽ có hiệu quả cho bé. 

Thuốc trị nghẹt mũi

Trong thành phần thường có adrenalin (một hormone có tác dụng co mạch máu), giúp làm giảm sưng, phù nề niêm mạc mũi. Thuốc có thể làm bé dễ chịu hơn, nhưng không trị được tận gốc vấn đề và có thể gây ra tim đập nhanh, không yên, khó ngủ hay những biến chứng nặng nề hơn.

Antihistamines

Thường được dùng để làm khô dịch mũi (trong trường hợp bé chảy mũi nhiều), giảm hắt hơi do dị ứng. Thuốc sẽ có tác dụng khi bé bị ngứa do côn trùng đốt, thủy đậu, nhưng không có ích trong cảm lạnh. Tác dụng phụ là gây buồn ngủ. 

Nước muối nhỏ mũi hay xịt mũi

NaCl 0.9% có thể được sử dụng để làm mềm dịch nhầy trong mũi, giúp bé dễ thở hơn. Không dùng nước xịt mũi có chứa thuốc hay nước muối ưu trương 3% nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Thuốc giảm đau hạ sốt

Bé có thể sử dụng Acetaminophen hay Ibuprofen để làm giảm triệu chứng đau hay khó chịu khi sốt. Tuyệt đối không sử dụng Aspirin, vì có thể gây ra hội chứng Reye làm tổn thương não và gan. Thành phần giảm đau, hạ sốt này có thể cũng có trong một số loại thuốc ho, do đó cần đọc kỹ thành phần thuốc trước khi sử dụng để tránh quá liều. 

Các sản phẩm “thiên nhiên”, “thảo dược”

“Thiên nhiên” không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với an toàn. Các sản phẩm thảo dược, thiên nhiên vẫn có thể hại sức khỏe, dị ứng hay có tác dụng phụ nếu bạn sử dụng quá nhiều. Sản phẩm thiên nhiên vẫn có thể tương tác với các thuốc khác, kể cả thuốc bán không cần đơn bác sĩ. Một điều nữa cần lưu ý là mặc dù có thể sản phẩm an toàn cho người lớn nhưng cũng chưa hẳn an toàn cho trẻ em.

Ba mẹ cần làm gì khi bé bị cảm lạnh?

Cần cho bé uống nhiều nước và nghỉ ngơi. Cảm do siêu vi gây ra, nên không có thuốc đặc trị. Cần có thời gian để bé hồi phục dần. Tuy nhiên, một số ít trường hợp có thể có biến chứng nặng hơn. Hãy luôn để ý bé của bạn và đưa bé gặp bác sĩ nếu: 

  • Bé dưới 6 tháng tuổi có sốt
  • Sốt kéo dài hơn 72 giờ
  • Ho không giảm sau 1 tuần, hoặc ho nặng hơn, ho gây ra ói, sặc
  • Đau tai
  • Thở nhanh, khó thở
  • Ngủ quá nhiều 
  • Không thích đồ chơi, sách… hay bất cứ thứ gì
  • Không ngừng khóc, hay rất gây gổ khó chịu 
  • Tiểu ít...

Tài liệu tham khảo:

1. Using over-the-counter drugs to treat cold symptoms  https://www.caringforkids.cps.ca/han…/over_the_counter_drugs
2. OTC cough meds vs home remedies for kids https://www.webmd.com/…/cold-f…/kids-colds-otc-home-remedies
3. Kids’ cold medicine: Guildlines https://www.webmd.com/…/cold-guide/kids-cold-medicines-new-…

>>> Những bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ

BS Lưu Hồng Vân

Chuyên khoa Nhi - Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan