Làm gì khi trẻ kén ăn?

Trẻ tự có khả năng tự nhận biết được lượng dinh dưỡng mà trẻ cần để phát triển khỏe mạnh, và trẻ cũng là người sẽ quyết định xem mình sẽ ăn gì. Điều tốt nhất mà bạn có thể làm được là chuẩn bị những bữa ăn giàu chất dinh dưỡng với nhiều loại

Nếu bạn đã từng cho con ăn hàng ngày, bạn sẽ nhớ mãi cảm giác khi bé ngúng nguẩy, quay mặt đi hoặc thậm chí là nôn trớ toàn bộ thức ăn bạn mất bao công sức chuẩn bị cho bé. Bạn sẽ tự hỏi liệu mình đã làm gì sai? Hãy thư giãn! viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ giúp bạn một số mẹo nhỏ dưới đây.

Hoàn toàn là bình thường khi trẻ nhỏ không thích hình dạng, màu sắc hay là cách trình bày của một món ăn nào đó, hoặc bỗng nhiên ghét tất cả mọi thứ, bao gồm cả những loại đồ ăn mà trẻ vốn ưa thích. Cũng là bình thường khi mà trẻ khăng khăng chỉ ăn một vài loại thực phẩm giống nhau trong mọi bữa ăn.

'' Đó là chứng sợ những cái mới'', bà Nancy Hudson, bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng của Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ, cho biết. '' Chúng tôi cho rằng đây là một trong những đặc tính mà con người hầu như ai cũng sẽ xây dựng để bảo vệ chính họ khi xã hội tiến hóa. Bạn từ chối đón nhận những thứ mới mẻ vì bạn không chắc rằng liệu nó có an toàn hay không''.

Nỗi sợ hãi trước những thứ mới mẻ thường sẽ dần dần mất đi khi trẻ lên 4 hoặc 5, nhưng cũng có một số trẻ duy trì đến khi lớn. Nhiều khi đó chỉ là cảm giác nhỏ nhặt như là hình dạng của miếng bánh sanchwich bơ lạc mà trẻ thích, hay mầu sắc, mùi vị món sữa dâu thân quen... nhưng trẻ luôn muốn mọi thứ phải thân thuộc và an toàn. Trẻ có thể sẽ không tình nguyện ăn đồ ăn mới cho đến khi trẻ trở nên thân thuộc với nó.

Kén ăn cũng có thể là cách trẻ mà thể hiện sự độc lập của mình, như là'' mẹ không thể bắt con ăn cái này cái kia''. Bị ép ăn quá mức hoặc ép ăn những thứ bé không thích, đang sợ hoặc những thức ăn mới, bé sẽ phản ứng bằng những cách đơn giản là ngậm chặt miệng, quay mặt đi, hất bỏ thức ăn hoặc nôn ra thức ăn khi bạn cố đưa vào miệng bé. Trong trường hợp này, thay vì thay đổi thực đơn để kích thích trẻ thèm ăn, bạn nên bình tĩnh xem xét lại quyền hạn của mình và cố gắng giảm bớt thật nhiều sự kiểm soát của bạn đối với trẻ.

Bên cạnh đó, trẻ nhỏ thường hiếu động, nhiều lúc trẻ sẽ không ngồi yên một chỗ để ăn hết bữa ăn. Những lúc như thế, bạn có thể thử làm cho trẻ tập trung hơn bằng việc không cho trẻ chơi đồ chơi, xem phim hay chơi với thú cưng trong giờ cơm.

Mẹo nhỏ để giúp trẻ kén ăn làm quen với đồ ăn mới

Trẻ tự có khả năng tự nhận biết được lượng dinh dưỡng mà trẻ cần để phát triển khỏe mạnh, và trẻ cũng là người sẽ quyết định xem mình sẽ ăn gì. Điều tốt nhất mà bạn có thể làm được là chuẩn bị những bữa ăn giàu chất dinh dưỡng với nhiều loại thực phẩm khác nhau và tạo không khí thoái mái vui vẻ trong giờ ăn để kích thích trẻ ăn cơm. Dưới đây là một số mẹo nhỏ mách bạn để đối phó với trẻ kén ăn:

1. Chuẩn bị để mọi bữa ăn của trẻ đều phong phú đa dạng

Hãy kiên nhẫn, có thể bạn sẽ phải chuẩn bị đi chuẩn bị lại một món ăn rất nhiều lần trước khi trẻ chịu ăn. Khi bạn nấu món mới, đừng coi đó là việc to tát, hãy tỏ ra như bình thường và chỉ cần đặt nó trên bàn cùng với những món ăn khác.

Bạn hãy chủ động ăn món ăn đó trước chứ đừng chỉ ép riêng trẻ ăn. Việc gắp liền cho trẻ ngay khi bạn có món mới có thể làm cho trẻ sợ hãi hoặc làm cho trẻ có tâm lí chống đối. Dần dần, sau vài lần trẻ thấy bạn ăn nó, có thể trẻ sẽ sẵn sàng hơn để thử.

2. Cho trẻ nhỏ ăn suất nhỏ

Suất ăn của trẻ nhỏ khoảng bằng nửa suất của người lớn. Với nhiều loại thực phẩm, suất ăn phù hợp với trẻ có thể chỉ bằng kích thước lòng bàn tay của trẻ mà thôi.Ví dụ của một phần ăn của trẻ là nửa chén ngũ cốc hoặc sữa chua, 50 gam thịt, 4 thìa rau và một lát bánh mì. Đừng cố gắng cho trẻ ăn quá nhiều chỉ vì bạn nghĩ trẻ cần ăn nhiều như thế để khỏe mạnh, bụ bẫm hơn.

3. Đừng cho trẻ quá nhiều lựa chọn

Nếu bạn hỏi trẻ: 'con muốn ăn gì vào bữa tối?', thì trẻ chắc chắn sẽ nói muốn ăn những thứ mà trẻ thường ăn, và dân dần sẽ trở nên kén ăn. Một cách đơn giản là bạn mang đến cho trẻ bữa tối và nói: 'bữa tối của con đây', trẻ sẽ ngoãn ngoãn chịu ăn những thứ mà bạn đã chuẩn bị.

Tất nhiên, trong một bữa ăn của trẻ, bạn sẽ không chuẩn bị toàn những món mới lạ nếu không muốn trẻ không ăn bất cứ thứ gì trong đó. Thay vào đó, bên cạnh 1 vài thứ đồ ăn mới, luôn luôn chuẩn bị ít nhất một loại đồ ăn mà bạn biết rằng trẻ sẽ thích.

4. Với đồ ăn mới, chỉ cho trẻ ăn từng ít một

Khi trẻ đã sẵn sàng nếm thử đồ ăn mới, chỉ cho trẻ một ít đủ để nếm, và hãy để trẻ tự yêu cầu được ăn thêm. Bằng cách này trẻ sẽ thấy mình độc lập hơn và bạn cũng sẽ không cảm thấy rằng mình lãng phí thực phẩm khi gắp cho trẻ mà trẻ không ăn hết. Khi có thể, hãy cho trẻ ăn đồ ăn mới khi trẻ đói, ví dụ như một lát xoài vào bữa phụ chiều chẳng hạn.

5. Luôn luôn nhớ rằng ý thích ăn uống của trẻ rất dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau

Nhiều đứa trẻ có khi chỉ đơn giản là không thích cách trang trí, màu sắc hoặc vị của một vài thành phần trong món ăn mà ấn định rằng ghét món ăn đó ngay cả khi chưa thử qua. Tương tự như thế, một số trẻ có thể nói không với một số thực phẩm vì chúng làm trẻ nhớ lại những lần trẻ bị ốm, hoặc có mối liên quan tiêu cực nào đó giữa đồ ăn và trẻ mà bạn không biết.

Nếu trẻ nói rằng một loại thực phẩm nào đó làm cho trẻ khó chịu, hãy dừng việc làm cho trẻ những đồ ăn đó. Bạn có thể thử lại sau khi mà trẻ lớn hơn chút nữa hoặc thay đổi hình dạng, cách nấu nướng món ăn đó cho trẻ.

Làm gì khi trẻ kén ăn?
(Ảnh minh họa)

6. Khi có thời gian, hãy cho trẻ tham gia vào quá trình nấu nướng cùng bạn, bao gồm việc đi chợ và làm cơm. Nếu trẻ có thể giúp bạn chăm sóc rau trong vườn, thì sẽ càng có lợi hơn nữa. Việc này đem lại cho trẻ cảm giác được làm chủ đồ ăn của mình. Và nhiều khả năng trẻ sẽ thích ăn những loại thực phẩm mà trẻ đã chọn hoặc chuẩn bị. Tốt nhất bạn nên để trẻ chọn ra những loại thực phẩm mà trẻ muốn ăn từ những đồ ăn mà bạn đã chọn sẵn. Hãy cùng trẻ chuẩn bị những đồ ăn vừa có lợi cho sức khỏe vừa vui mắt, như sữa chua với chuối hay nho khô phủ cần tây bơ lạc chẳng hạn. Bạn hãy chỉ cho bé cách làm, cho bé làm những việc bé có thể làm được và nhớ khen ngợi trẻ về những cố gắng đó. Khi món săn đã nấu nướng xong, hãy cùng ăn với trẻ và bày tỏ niềm vui thích, sự ngon miệng mà món ăn đó mang lại. Đây sẽ là điều kích thích trẻ hứng thú thử món ăn mới đó.

7. Tìm cách tăng giá trị dinh dưỡng của những loại thực phẩm mà trẻ thích ăn

Điểm thêm dăm bông hoặc cá ngừ lên bánh pho mát, hay thêm thịt hoặc đậu phụ và sốt cà chua trước khi cho trẻ ăn là một trong những cách hay ho mà bạn có thể áp dụng.

8. Dạy cho trẻ về những loại đồ ăn có lợi cho sức khỏe, nhưng đừng làm kiểu diễn thuyết, hãy tỏ vẻ như bạn vô tình để lộ cho trẻ biết rằng ăn yến mạch sẽ làm trẻ chạy nhảy nhanh hơn trong suốt buổi sáng.

Dán bảng các loại thực phẩm được tô bằng màu trẻ thích trong nhà bếp, và trẻ sẽ xem chúng hằng ngày. Làm như vô tình chỉ cho trẻ biết các loại thức ăn đó và chúng tốt như thế nào. Hãy coi như đó là phát hiện của cả bạn và trẻ. Đảm bảo rằng trẻ sẽ hứng thú hơn và thậm chí có thể 'rủ' bạn làm món ăn mới đó.

9. Hãy là tấm gương để trẻ noi theo bằng cách ăn những loại thực phẩm mà bạn muốn trẻ ăn. Cả nhà cùng ăn là cách tuyệt vời để kết nối và cùng chia sẽ những loại đồ ăn bổ dưỡng và ngon miệng với nhau.

10. Đừng nuông chiều sự kén ăn của trẻ: với trẻ 1 đến 2 tuổi thì có thể chấp nhận được việc bạn chiều theo sở thích của trẻ như bánh phải cắt hình trăng hoặc sao. Nhưng khi trẻ lớn hơn, khoảng 3, 4 tuổi, thay vì chiều theo mọi ý thích của trẻ về món ăn, bạn hãy khéo léo hướng trẻ sang những thích thú mới và an toàn hơn, như việc cho trẻ tự cắt miếng bánh hoặc tự lấy đồ ăn vào trong đĩa, bát của mình.

Tương tự như vậy, hãy dẫn dần ' thay đổi' khẩu vị và phạm vi những món trẻ muốn ăn. Hãy bổ sung các món ăn mới một cách từ từ, thêm một món mới, theo dõi phản ứng của trẻ, cách trẻ ăn và việc trẻ tiêu hóa thức ăn đó ra sao. Kho đã thấy trẻ tiếp nhận món này, bạn mới nên thay đổi sang món mới khác.

Khi trẻ đi học mẫu giáo, thế giới của trẻ được mở rộng, thì khẩu vị của trẻ cũng nới rộng theo. Việc trẻ dễ dàng đón nhận những đồ ăn mới ở trường hơn ở nhà là hoàn toàn bình thường.

Đem đến những sự lựa chọn khỏe mạnh cho trẻ kén ăn

Làm gì khi trẻ kén ăn?
(Ảnh minh họa)

Sẽ là không thực tế khi mà bắt trẻ 3, 4 tuổi ăn nhiều loại thực phẩm cùng lúc.Trong một thời gian dài, việc bạn thiết lập mục tiêu cho trẻ ăn và làm cho trẻ muốn ăn nhiều loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, cả khi ăn ở nhà hay ăn ở ngoài, là một trong những cách hữu hiệu nhất để dạy trẻ cách ăn uống hợp lí . Nhưng ở thời điểm hiện tại, việc trẻ chỉ chọn ăn một số loại thực phẩm chỉ đơn thuần là một lựa chọn mà thôi, điều quan trọng hơn là bạn phải để trẻ học cách tự quyết định và kiểm soát đồ ăn của mình.

Các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em cũng khuyên rằng ''Trẻ cần được tự kiểm soát đồ ăn của mình''. Nếu bạn cứ ép trẻ ăn những đồ ăn mà trẻ không thích, hoặc bắt trẻ ăn nhiều hơn lượng trẻ muốn, bạn có thể đang gây cho trẻ những rắc rối không lường trước được cả về tâm lý cũng như cơ thể về lâu về dài.

Những đứa trẻ không được tự quyết định về đồ ăn của mình (ví dụ như khi no vẫn bị bắt tiếp tục ăn) thì có nguy cơ cao hơn mắc rối loạn ăn uống và béo phì khi trẻ lớn lên. Hơn nữa, bắt trẻ ăn những đồ ăn mới mà trẻ không thích hay chưa quen hầu như là sẽ đem lại kết quả trái ngược vì nó chỉ làm cho trẻ trở nên bướng bỉnh khó bảo hơn và e ngại việc trải nghiệm những cái mới trong tương lai.

Nếu trẻ không chịu ăn gì cả ngày ngoài phomat và bánh quy chẳng hạn, đừng lo lắng vội. Hãy bắt đầu ghi lại những thứ mà trẻ ăn, bạn sẽ thấy rằng trẻ vẫn ăn đầy đủ những nhóm thực phẩm chính và được bổ sung đủ loại dinh dưỡng cần thiết hàng tuần.

Các nghiên cứu về dinh dưỡng và ăn uống cho thấy rằng trẻ em, thậm chí cả những trẻ mà bố mẹ chúng đánh giá là kén ăn, nói chung là ăn đủ các loại thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Nếu thực sự bạn không tin rằng trẻ đang được ăn uống đầy đủ, hãy hỏi ý kiến bác sĩ xem có cần bổ sung vitamin cho trẻ hay không,

Đừng sợ hãi nếu trẻ kén ăn không phát triển nhanh

Nếu có vẻ như trẻ lớn không đủ nhanh như những đứa trẻ khác, đừng vội hoang mang. Thường thì trẻ em không phát triển đồng đều, và sẽ có những khoảng thời gian mà bạn sẽ thấy rằng có vẻ như trẻ không hề tăng cân hay tăng chiều cao chút nào.

Cho trẻ đi khám nếu bạn thấy lo lắng, nhưng đừng để nỗi lo lắng của bạn truyền sang cho trẻ. Nếu bạn lúc nào cũng luẩn quẩn bên trẻ lúc trẻ ăn cơm, dỗ dành, phỉnh nịnh cho trẻ ăn hay kể cả đếm từng thìa cơm mà trẻ nuốt vào, trẻ sẽ càng chống đối việc ăn uống. Đồng thời hãy luôn nhớ rằng khẩu vị của trẻ sẽ thay đổi, tùy thuộc vào mức độ vận động và tốc độ tăng trưởng hiện tại của trẻ.

Hãy biến việc ăn uống của trẻ thành niềm vui và sự thích thú, điều đó sẽ giảm căng thẳng cả cho trẻ và chính bạn. Và bạn sẽ nhận thấy, trẻ sẽ nhanh chóng tiếp nhận món ăn mới cũng như đủ dinh dưỡng để phát triển lành mạnh. 

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan