Cứ hễ trẻ khó thở là bị suyễn?

Suyễn là bệnh đường hô hấp rất phổ biến ở trẻ em, phổ biến tới nỗi mà hễ có đứa nào mà tới khai bị khó thở một cách mơ hồ hay khi vận động thể lực hay bị gán cho cái mác SUYỄN.

Suyễn là bệnh đường hô hấp rất phổ biến ở trẻ em, phổ biến tới nỗi mà hễ có đứa nào mà tới khai bị khó thở một cách mơ hồ hay khi vận động thể lực hay bị gán cho cái mác SUYỄN. Rồi sau đó là xịt thuốc ào ào, dĩ nhiên là không hết, bác sĩ thì cứ tăng đô thuốc suyễn, mà bệnh nhân thì khó thở vẫn hoàn khó thở.

Ca thứ 1: 

Bé trai 10 tuổi tới khám vì những cơn khó thở, đã được khám nhiều lần với chẩn đoán suyễn và cho thuốc dãn phế quản nhưng không hết. Bệnh sử với mô tả cơn khó thở hay vào buổi tối, nhưng không thấy ghi nhận khò khè trên những lần khám lâm sàng hay từ y tá ở trường. Không tiền sử suyễn lúc nhỏ (hiếm có đứa nào tới 10 tuổi mới bắt đầu suyễn). Khám để ý thằng nhỏ hơi buồn buồn, bèn kêu ba nó ra ngoài, hỏi nó vài câu thì nó bắt đầu tức tưởi khóc, thì ra là nó bị ăn hiếp ở trường (bully) bởi mấy đứa trai cùng lớp, và những cơn khó thở đó thực ra là những cơn sợ hãi (panic attack or anxiety attack). Câu chuyện xoay sang vấn đề khác. 

Ca thứ 2: 

Bé gái 12 tuổi với những cơn khó thở khi vận động thể lực ở trường, được chẩn đoán suyễn và cho thuốc suyễn mà ngày càng nặng. Bệnh sử ghi nhận khó thở kỳ hít vào, thở rít có kèm khò khè, giọng nói thay đổi âm sắc cao, xuất hiện sau khi chạy khoảng 5-10 phút, tự hết sau khi nghỉ ngơi. Cho đi nội soi, xác định là rối loạn dây thanh (Paradoxical vocal cord dysfunction).

Ngực lõm do dị dạng xương ức (Ảnh minh họa)

Ca thứ 3:

Ca này làm tui nhức đầu, khám tới mấy lần mới ra. Cậu trai 17 tuổi, rất khoẻ mạnh, chơi đá banh gần như mỗi ngày, không có bệnh gì. Mấy tháng nay bắt đầu khó thở sau khi chạy khoảng 30-45 phút, không ghi nhận khò khè từ y tá ở trường hay từ bệnh nhân, không thở rít hay thay đổi giọng nói. Khó thở tự hết sau khi nghỉ ngơi. Đã được chuẩn đoán suyễn do vận động thể lực (exercise-induced asthma), cho xịt hai thứ thuốc mà không bớt. Cái chẩn đoán này tui không phục vì không có ai tự nhiên tới 17 tuổi mà phát bệnh suyễn, bệnh sử không phù hợp, khám lâm sàng thì bình thường. Cho chụp XR, làm phế dung ký thì bình thường, tui bối rối không biết bệnh gì, chỉ kêu nó tái khám một tháng. Tháng sau tới khám thì phổi bình thường, nhưng khám tới ngực thì chú ý xương ức lõm rất nhẹ. Hỏi kĩ lại thì bệnh nhân ghi nhận xương ức thay đổi khoảng 6 tháng nay. Sau đó có tìm được một tấm hình khoảng 1 năm trước thì đúng là ngực lõm nhẹ so với năm ngoái. Thì ra là cậu ta bị ngực lõm nhẹ do dị dạng xương ức (Pectus excavatum). Bệnh này gây hạn chế dãn nở lồng ngực làm hạn chế thể tích tối đa của phổi, nên bình thường không có chuyện gì, chỉ khi vận động thể lực cường độ cao thì phổi không đáp ứng được nhu cầu thông khí nên gây khó thở chứ phổi cậu rất khoẻ. Tôi gửi cậu đi phẫu thuật lồng ngực hy vọng là sửa chữa được, nhưng tôi có nói là cậu có thể sẽ không theo đuổi được giấc mơ cầu thủ chuyên nghiệp của mình, cậu trai khóc. Tội nghiệp.

Tóm lại, không phải hễ con nít khó thở là suyễn.

Bs Trương Hoàng Hưng

(Phòng khám Nhi MD KIDS PEDIATRICS, TP Irving, Texas, Hoa Kỳ)

BS Trương Hoàng Hưng tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM năm 2000, sau đó làm nội trú Nhi khoa tại Đại học Y Dược TP HCM và Texas Tech University (TTU). Hiện đang hành nghề BS Nhi khoa và BS giảng dạy lâm sàng tại TTU, Texas, Hoa Kỳ.

- 05-03-2019 -

Bài viết liên quan