Chứng cứ và những ứng dụng lâm sàng của men vi sinh Probiotic

Men vi sinh, còn gọi là probiotic - là chế phẩm vi sinh chứa các loại vi khuẩn có lợi, được đưa vào ruột để bù đắp, lập lại sự cân bằng vi khuẩn đường ruột. Men vi sinh được chỉ định cho các trường hợp loạn khuẩn ruột như đi ngoài phân sống, tiêu chảy, khó tiêu, trướng bụng, rối loạn tiêu hóa. 

Men vi sinh (còn gọi là probiotic ) là chế phẩm vi sinh chứa các loại vi khuẩn có lợi, được đưa vào ruột để bù đắp, lập lại sự cân bằng vi khuẩn đường ruột. Men vi sinh được chỉ định cho các trường hợp loạn khuẩn ruột như đi ngoài phân sống, tiêu chảy, khó tiêu, trướng bụng, rối loạn tiêu hóa.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Các bằng chứng chứng minh ứng dụng lâm sàng của men vi sinh Probiotic:

1. Một số chủng vi sinh vật làm men vi sinh có khả năng làm giảm độ nặng và thời gian tiêu chảy cấp do nhiễm trùng 1 ngày so với nhóm không dùng (mức độ bằng chứng 1a. khuyến cáo của Hiệp hội Tiêu hóa – Gan mật Dinh dưỡng Châu Âu và Bắc Mĩ). Hai loại vi sinh đó là Lactobacillus Rhamnosus GG VÀ Saccharomyces boulardii.

2. Trong tiêu chảy liên quan tới kháng sinh: có bằng chứng mạnh mẽ về hiệu quả của Lactobacillus Rhamnosus GG VÀ Saccharomyces boulardii đối với trẻ con và người lớn phải dùng liệu pháp kháng sinh. Một nghiên cứu cho thấy Lactobacillus Casei DN 114001 có hiệu quả trong ngăn ngừa tiêu chảy do Clostridium liên quan tới kháng sinh ở đối tượng người lớn nằm viện (WGO 2011).

3. Tiêu chảy do xạ trị: không có đủ bằng chứng cho thấy probiotic có thể điều trị được tình trạng này (WGO 2011).

4. Probiotic trong tiệt trừ HP: Một vài chủng Lactobacillus và Bifidobacterial, cũng như là Bacillus clausii có khả năng làm giảm các tác dụng phụ của liệu pháp kháng sinh và cải thiện sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Vài chủng có hiệu quả giảm tác dụng phụ nhưng không có hiệu quả làm tăng tỉ lệ tiệt trừ HP. Một phân tích Meta từ 14 thử nghiệm ngẫu nhiễn gợi ý rằng việc cung cấp phác đồ kháng sinh diệt HP kết hợp với Probiotic có thể cũng có hiệu quả trong việc gia tăng tỉ lệ diệt trừ HP và có thể cân nhắc hỗ trợ cho những bệnh nhân thất bại tiệt trừ HP. Cho tới hiện tại, không có đủ bằng chứng ủng hộ việc dùng Probiotic một mình mà không kèm với kháng sinh diệt HP. Trong các báo cáo, các dữ liệu đều gợi ý rằng có thể hữu ích khi kết hợp liệu pháp Probiotic cùng với kháng sinh trong diệt trừ HP.

5. Probiotic trong các bệnh dị ứng: vai trò chắc chắn của probiotic với các tình trạng dị ứng không được ủng hộ, mặc dù vậy, một vài nghiên cứu về tác dụng của probiotic trong bệnh chàm da cơ địa ở trẻ cho kết quả khá hứa hẹn (cập nhật năm 2015).

6. Bệnh não gan: những nghiên cứu ban đầu cho thấy Probiotic cải thiện được bệnh não gan, tuy nhiên một phân tích Meta lớn đã không chứng minh được lợi ích này (cập nhật năm 2015).

7. Phản ứng miễn dịch: có bằng chứng gợi ý rằng, một vài chủng Probiotic và Oligofructose (prebiotic ) có tác dụng tăng cường phản ứng miễn dịch (WGO 2011).

8. Viêm túi hồi tràng: các dữ liệu từ các thử nghiệm có kiểm soát cho thấy lợi ích của hỗn hợp VSL#3 trong phòng ngừa tiên phát và thứ phát viêm túi hồi tràng. Do đó Probiotic có thể là một lựa chọn thêm vào trong phác đồ điều trị chuẩn. Lợi ích dài hạn thì cần nghiên cứu thêm (cập nhật năm 2015).

9. Viêm loét đại tràng và bệnh Crohn’s: lợi ích của probiotic trong bệnh viêm loét đại tràng chưa được chứng minh. Nhưng chủng Ecoli Nissle 1917 cho thấy có thể duy trì sự thuyên giảm bệnh và có thể là một lựa chọn thay thế khi bệnh nhân kháng 5-ASA. Trong bệnh Crohn’s thì lợi ích của Probiotic không được chứng minh (cập nhật năm 2015).

10. Hội chứng ruột kích thích (IBS): một vài nghiên cứu đã chứng minh rằng probiotic có lợi ích hơn so với giả dược, nó làm giảm được chướng bụng, đầy hơi, đau bụng: chủng B.infantis 36524 (WGO 2011).

11. Không dung nạp Lactose: lợi ích của Probiotic trong bất dung nạp Lactose chưa được chứng minh, một nghiên cứu tổng quan với 10 thử nghiệm có kiểm soát cho thấy các kết quả không đồng nhất và cần phải nghiên cứu sâu thêm nữa (cập nhật năm 2015).

12. Thử nghiệm lâm sàng cho thấy việc cung cấp Probiotic sẽ giảm được nguy cơ viêm ruột hoại tử ở trẻ sinh non. Một system review từ các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát cho thấy Probiotic giảm được nguy cơ và tỉ lệ tử vong ở nhóm được điều trị so với nhóm không được điều trị (WGO 2011).

13. Gan nhiễm mỡ không do rượu và phòng ngừa các nhiễm trùng toàn thân: Vai trò của Probiotic chưa được chứng minh (WGO 2011).

14. Táo bón: một vài thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát nhỏ cho thấy Probiotic có thể cải thiện được tần suất và tính chất phân ở bệnh nhân táo bón mạn tính, tuy nhiên cần thêm những nghiên cứu lớn hơn trước khi đưa Probiotic vào điều trị thường qui táo bón (cập nhật năm 2015).

15. Colic: không gợi ý dùng Probiotic một cách thường qui cho trẻ bị Colic bú mẹ và sữa công thức. Các bằng chứng về lợi ích của Probiotic thì không đầy đủ. Mặc dù các nghiên cứu về Probiotic tỏ ra tốt hơn so với nhóm dùng các can thiệp khác. Có bằng chứng cho thấy một số chủng Probiotic đặc biệt có thể liên quan tới việc làm giảm được thời gian khóc của trẻ. Cần thêm các nghiên cứu trước khi Probiotic được khuyến cáo thường quy trong Colic. Thêm vào đó, việc phân tích DNA của các chủng vi sinh trong các sản phẩm thường không trùng khớp với chủng họ đề tên bên ngoài bao bì (cập nhật năm 2015).

16. Đau bụng chức năng: Probiotic phối hợp với các biện pháp quản lí chung trong đau bụng chức năng có thể giúp ích cho bệnh nhân bị đau bụng. Tuy nhiên cơ chế thì chưa rõ ràng. Chủng nào tốt nhất, liều lượng thời gian ra sao thì cũng không được biết. Tuy nhiên Probiotic thì an toàn, do đó quyết định có dùng hay không phụ thuộc vào kinh tế, lợi ích, kết quả thảo luận cùng bệnh nhân. Nên chọn những chủng vi sinh mà đã chứng minh được là có lợi trên hệ tiêu hóa người như: L.rhamnosus GG, Saccharomyces boulardii... nên cho Probiotic 4 - 6 tuần trước khi đánh giá lại triệu chứng đau bụng hay sự cải thiện nhu động ruột (WGO 2011).

BS Trần Văn Công

Phòng khám Victoria Healthcare 

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan