Cẩn trọng với bệnh trĩ ở thai phụ

Bà bầu bệnh trĩ nên ngâm nước ấm 2 - 3 lần mỗi ngày, chăm đi bộ, uống nước đầy đủ, tránh ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu...

Trĩ là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh hậu môn trực tràng. Tỷ lệ bệnh nhân hiện khoảng 25 - 40% dân số, gặp nhiều cả nam và nữ, đặc biệt hơn 50% phụ nữ trong thai kỳ mắc bệnh.

Bệnh trĩ được tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ. Bệnh xuất hiện không rõ ràng, không xác định được thời gian bắt đầu vì là một trạng thái sinh lý bình thường. Chỉ khi xuất hiện các rối loạn không tự điều chỉnh được ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt và lao động thì người bệnh mới đi khám.

Vì sao thai phụ dễ mắc bệnh trĩ?

Nguyên nhân bệnh trĩ chưa được xác định rõ ràng và chắc chắn. Những yếu tố sau đây được coi là những điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh trên người mang thai:

- Táo bón kéo dài: Người mang thai do tử cung chèn ép trực tràng gây nên tình trạng táo bón, đi ngoài rặn nhiều. Khi rặn áp lực trong lòng ống hậu môn tăng lên gấp 10 lần. Táo bón lâu ngày làm xuất hiện các búi trĩ. Các búi trĩ dần to lên và khi to quá sẽ sa ra ngoài.

- Tăng áp lực ổ bụng: Mang thai làm tăng áp lực trong ổ bụng do tử cung to dần và lượng máu trong cơ thể của mẹ cũng tăng theo sự phát triển thai nhi, gây ra sự chèn ép các mạch máu vùng hậu môn trực tràng dễ dàng cho trĩ xuất hiện.

- Người mang thai thường có lối sống tĩnh tại, ít đi lại kèm theo nội tiết tố mang thai cũng gây ra sự lỏng lẻo chung của các mô, bao gồm cả các thành tĩnh mạch. Khi không còn vững chắc như thường ngày, các thành tĩnh mạch có xu hướng sưng lên và mở rộng.

Cấu tạo đám rối trĩ ở hậu môn. (Ảnh minh họa)

Triệu chứng bệnh trĩ ở thai phụ

- Chảy máu là triệu chứng sớm nhất và thường gặp nhất.

- Sa búi trĩ thường xảy ra trễ hơn sau một thời gian đi đại tiện có chảy máu. Lúc đầu người bệnh sau khi đại tiện thấy có khối nhỏ lồi ra ở lỗ hậu môn; về sau các búi trĩ sa nhiều nằm ngoài hậu môn kể cả không đi đại tiện.

- Cảm giác đau do tắc mạch xuất hiện trong búi trĩ, có thể nứt hậu môn đi kèm. Trĩ tắc mạch nếu để lâu 3 - 5 ngày có thể dẫn tới hoại tử.

- Sự khó chịu ở vùng hậu môn, xuất tiết, ngứa.

- Thiếu máu do chảy máu rỉ rả theo thời gian.

Chẩn đoán bệnh trĩ ở thai phụ

Dựa trên triệu chứng lâm sàng đại tiện có máu tươi, song triệu chứng này có thể gặp ở các bệnh khác như ung thư trực tràng, viêm loét đại trực tràng chảy máu, polyp đại trực tràng. Vì vậy khi nghi ngờ bị bệnh trĩ cần đi khám để loại trừ các bệnh lý nói trên. 

Nội soi đại trực tràng ống mềm có thể chẩn đoán chính xác bệnh trĩ và chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác ở trực tràng và đại tràng như ung thư trực tràng, ung thư ống hậu môn...

Điều trị bệnh trĩ ở thai phụ

Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh trĩ mà có các phương pháp điều trị khác nhau.

Điều trị nội khoa thường áp dụng trong thai kỳ. Đa số điều trị chỉ giúp giảm nhẹ các triệu chứng chứ không thể loại bỏ chúng hoàn toàn. Hầu hết phụ nữ rất khó chịu với các triệu chứng đó và chỉ cảm thấy thoải mái sau khi đã sinh con. Thậm chí có người mất vài tuần để tình trạng trĩ hoàn toàn mất đi.

- Điều chỉnh thói quen ăn uống: Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà. Tránh các thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu. Uống nước đầy đủ. Ăn nhiều chất xơ, hoa quả có tính mát, có thể dùng một ít thuốc nhuận trường.

- Vận động thể lực: Mang thai bị trĩ nên tập thể dục thường xuyên. Đơn giản là đi bộ mỗi ngày để tăng lưu thông máu và cải thiện tiêu hóa.

- Vệ sinh tại chỗ tốt bằng phương pháp ngâm nước ấm 2 - 3 lần một ngày, mỗi lần 15 phút.

- Vệ sinh vùng hậu môn cũng là một trong những việc làm vô cùng cần thiết cho những người bị trĩ. Càng nhịn đi tiêu, vệ sinh không sạch sẽ thì bệnh không có dấu hiệu giảm bớt đi mà lại càng trở nên nặng hơn.

- Thuốc uống: Gồm các thuốc có tác nhân trợ tĩnh mạch, giảm phù nề nhờ tác động kháng viêm tại chỗ, chống nhiễm trùng và chống tắc mạch.

- Thuốc tại chỗ: Gồm các loại thuốc mỡ và đạm bao gồm các tác nhân kháng viêm, vô cảm tại chỗ và dẫn xuất trợ tĩnh mạch.

Trong thời kỳ mang thai mẹ bầu cần kiêng rất nhiều loại thuốc kháng sinh vì nó rất nguy hiểm cho sức khỏe em bé. Không được tự ý mua thuốc chữa trị tại nhà mà phải tuyệt đối nghe theo sự hướng dẫn của bác sĩ cho từng mức độ nặng nhẹ. 

Điều trị bằng thủ thuật và phẫu thuật thường áp dụng sau khi bệnh nhân sinh xong mà vẫn còn trĩ. Tiêm xơ búi trĩ, thắt búi trĩ bằng vòng cao su, liệu pháp đông lạnh, quang học, đốt điện là những thủ thuật được áp dụng để loại trừ búi trĩ độ I, độ II. Nhiều phương pháp phẫu thuật đã được áp dụng, phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam là phẫu thuật cắt trĩ từng búi Saint Mark và phương pháp mổ bằng máy Longo. 

BS Nguyễn Phú Hữu 

Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM

- 20-11-2018 -

Bài viết liên quan