Cách chăm sóc và điều trị cho trẻ bị hăm tã

Hầu hết các trường hợp hăm tã đều do da trẻ nhạy cảm khi tiếp xúc với tã hoặc các tác nhân gây kích ứng khác như nước tiểu, phân hay bột giặt ngấm trong tã dẫn đến sự hình thành những mảng đỏ ở vị trị tiếp xúc với tã trong khi vùng da ở những nơi khác hoàn toàn bình thường.

Mỗi người đều trải qua ít nhất một lần bị hăm tã trong ba năm đầu đời. Hăm tã là trình trạng viêm da thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt trong khoảng thời gian trẻ từ 9-12 tháng tuổi

Dấu hiệu hăm tã ở trẻ
Dấu hiệu hăm tã ở trẻ (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân gây hăm tã ở trẻ

Hầu hết các trường hợp hăm tã đều do da trẻ nhạy cảm khi tiếp xúc với tã hoặc các tác nhân gây kích ứng khác như nước tiểu, phân hay bột giặt ngấm trong tã dẫn đến sự hình thành những mảng đỏ ở vị trị tiếp xúc với tã trong khi vùng da ở những nơi khác hoàn toàn bình thường. Đôi khi nấm hay một số vi sinh vật gây bệnh khác cũng là nguyên nhân gây hăm tã. Hăm tã do nấm thường xảy ra khi sức đề kháng của trẻ suy giảm hay sau một đợt dùng kháng sinh kéo dài.

Chăm sóc khi trẻ bị hăm tã

Chăm sóc da thích hợp là biện pháp hữu hiệu để điều trị và phòng ngừa hăm tã. Khi bé bị hăm cần giữ da luôn khô thoáng, sạch sẽ bằng cách tắm cho trẻ bằng xà bông có tính sát khuẩn nhẹ, tránh chà xát trên vùng da bị tổn thương, dùng khăn mềm lau khô người trước khi quấn tã cho trẻ. 
Cần lưu ý chọn tã có kích thước phù hợp với độ tuổi bé, tránh quấn tã quá chặt vì sẽ làm trẻ không thoải mái và cản trở sự thoát hơi. Để da trẻ luôn thông thoáng, cần cố gắng hạn chế cho trẻ mặc tã, chỉ sử dụng tã khi thật sự cần thiết (khi bé ngủ vào ban đêm, đưa bé ra ngoài hay đi chơi xa…)
Nếu tình trạng hăm tã xuất hiện khi sử dụng một loại tã mới hay dùng xà bông và bột giặt mới để tắm và giặt tã cho trẻ, bạn cần phải lựa chọn tã, xà bông và bột giặt khác.
Dùng nước trà xanh để tắm cho bé hay thoa một số loại kem có chứa kẽm, steroids và chất kháng nấm sẽ cải thiện đáng kể tình trạng hăm tã của trẻ.
Nếu trẻ bị hăm nhiều và có dấu hiệu nhiễm trùng, bên cạnh những thuốc thoa, trẻ cần được uống kháng sinh và một số thuốc đặc trị khác. Tuy vậy, không nên lạm dụng những loại thuốc này. Chỉ cho trẻ dùng thuốc khi thật sự cần thiết và sau khi đã hỏi ý kiến của bác sĩ.

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện

Mặc dù hăm tã hầu như không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ và hiếm khi trẻ phải đến bệnh viện để điều trị. Tuy nhiên nên chụp hình gửi cho bác sĩ và gọi bác sĩ tư vấn nếu nghi ngờ trẻ bị dị ứng, nổi mẫn đỏ không do hăm tã hay trong các trường hợp:
• Tình trạng da không cải thiện sau 5- 7 ngày chăm sóc và điều trị thích hợp
• Vùng da viêm có khuynh hướng lan rộng hoặc xuất hiện ở những vị trí khác trên cơ thể.
• Vùng da viêm có dấu hiệu nhiễm trùng với những triệu chứng như đóng vẩy, rĩ dịch vàng hay có mủ.
• Trẻ bị nổi mẫn đỏ ở da có kèm sốt hoặc tiêu chảy kéo dài hơn 48 giờ.

ThS. BS Phạm Đình Nguyên

- 19-03-2019 -

Bài viết liên quan