Bệnh sởi ở trẻ em

Sởi là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính gây ra do siêu vi sởi, bệnh rất dễ lây lan từ người sang người. Đây là bệnh chỉ xảy ra ở người mà chưa thấy ở các loài vật khác. Siêu vi sởi lây từ hạt nước bọt hay nước mũi bắn ra do ho hay hắt hơi và nó có thể tồn tại trong môi trường đến 2 giờ...

Dịch sởi đang lan rộng là mối lo hàng đầu của các phụ huynh có con nhỏ hiện nay. Hàng ngày, những tin nóng trên báo chí và truyền hình đã đưa ra những con số tử vong và mắc sởi, khiến cho các phụ huynh không dám cho con mình đến những nơi đông người và họ cũng nháo nhào đi kiểm tra xem con mình đã được chích ngừa chưa và có cần chích nhắc lại không. Ngoài ra, nhiều cách điều trị dân gian được lan truyền với tốc độ chóng mặt nhờ sự giúp đỡ của internet, khiến cho các phụ huynh đua nhau thực hiện và giá của những sản phẩm được cho là giúp mau khỏi bệnh tăng lên cũng chóng mặt không kém.

Sởi là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính gây ra do siêu vi sởi rất dễ lây lan từ người sang người. Đây là bệnh chỉ xảy ra ở người mà chưa thấy ở các loài vật khác. Siêu vi sởi lây từ hạt nước bọt hay nước mũi bắn ra do ho hay hắt hơi và nó có thể tồn tại trong môi trường đến 2 giờ. Giai đoạn người bệnh có thể lây cho người khác là khoảng 4 ngày trước khi bắt đầu phát ban và 4 ngày sau phát ban.

Triệu chứng của bệnh sởi ở trẻ

Biểu hiện của bệnh sởi khởi đầu giống như các bệnh do siêu vi hô hấp khác, với các triệu chứng sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, đỏ mắt và ghèn mắt. Khoảng 2 - 3 ngày sau, bệnh nhân sẽ xuất hiện những ban màu hồng bắt đầu từ sau tai lan đến trán rồi xuống thân mình, tay và cuối cùng lan xuống chân.

Image result for bệnh sởi ở trẻ

Bệnh sởi ở trẻ biến chứng nặng có thể gây ra tử vong. (Ảnh minh họa)

Biến chứng bệnh sởi

Đa số các ca bệnh sởi sẽ diễn tiến lành tính và bệnh nhân sẽ khỏi hoàn toàn mà không để lại bất kỳ di chứng gì cả. Chỉ một số ít trường hợp có thể bị biến chứng (có thể biến chứng nặng) do sởi. Những biến chứng thường gặp nhất do bệnh sởi là tiêu chảy (có thể dẫn đến mất nước do tiêu chảy), nhiễm trùng tai (viêm tai giữa). Một số ít bệnh nhân có thể biến chứng viêm phổi, viêm não, tổn thương mắt do thiếu Vitamin A. Những người dễ bị biến chứng nặng do sởi là những trẻ nhỏ, nhất là những trẻ suy dinh dưỡng, hay những người có bệnh lý nền sẵn như suy giảm miễn dịch (ví dụ nhiễm HIV), bệnh lý tim bẩm sinh, hay những phụ nữ đang mang thai mà chưa có miễn dịch với sởi. Phụ nữ mang thai bị sởi có thể dễ bị sảy thai hơn.

Đối tượng dễ mắc bệnh sởi

Những người chưa được chích ngừa sởi, chưa từng mắc bệnh sởi hoặc đã được chích ngừa nhưng không đáp ứng hay đáp ứng miễn dịch không đầy đủ là đối tượng dễ mắc bệnh.

Điều trị và chăm sóc người bệnh sởi

Vì sởi là bệnh do siêu vi nên không có thuốc gì điều trị đặc hiệu cả. Chủ yếu vẫn là những biện pháp điều trị triệu chứng:

  • Nếu bé sốt và khó chịu vì sốt thì uống thuốc hạ sốt (có thể uống paracetamol hoặc ibuprofen, tuyệt đối không uống aspirin để giảm sốt).
  • Nếu bé sổ mũi hay nghẹt mũi thì nhỏ mũi nước muối sinh lý hay xịt nước biển sâu.
  • Nếu bé ho thì nên khuyến khích uống nước đầy đủ (nước gì cũng được, có thể sữa mẹ, sữa bò, nước trái cây, nước lọc, có điều chú ý đừng cho bé uống rượu hay bia).
  • Chú ý không cho bé uống bất cứ loại thuốc giảm ho hay thuốc sổ mũi nào, vì ho và sổ mũi giúp bé bảo vệ cho phổi (bảo vệ bé không bị viêm phổi).
  • Những thuốc giảm ho loại thảo dược có lẽ chủ yếu chỉ để yên tâm ba mẹ của bé, và may mắn là chúng không giảm được ho gì cho bé.
  • Tuyệt đối không cho bé tiếp xúc khói thuốc lá, vì khói thuốc lá làm tăng nguy cơ biến chứng viêm tai giữa hay viêm phổi. Không ai được hút thuốc lá gần bé, nếu hút thuốc bên ngoài thì khi về nhà phải thay đồ, tắm rửa và súc miệng trước khi tiếp xúc bé, vì những chất độc của khói thuốc lá có thể vẫn còn trên người của người hút và bé có thể hít phải.
  • Nếu bé bị tiêu chảy, có thể cho bé uống bù nước bằng dung dịch Oresol hay uống nước dừa tươi.
  • Tuyệt đối không được uống thuốc cầm tiêu chảy.
  • Bé nhỏ 6 tháng đến 2 tuổi có thể uống vitamin A liều cao; bổ sung vitamin A liều cao có thể giảm độ nặng của bệnh, giảm biến chứng.
  • Khi bé có những biến chứng như viêm tai giữa hay viêm phổi, có thể sử dụng kháng sinh để điều trị.

Những truyền thuyết về chăm sóc cho trẻ bị bệnh sởi

Trước đây có nhiều truyền thuyết về chăm sóc cho trẻ bị sởi như kiêng ăn, ủ ấm, kiêng nước, kiêng gió, kiêng uống nước khi bị tiêu chảy, uống tiêu ban lộ hay đi cắt lễ cho ra ban hết. Những cách chăm sóc phản khoa học đó làm cho bé bị bệnh nặng hơn và có nguy cơ tử vong. Những bé kiêng ăn khi bị sởi sẽ bị suy dinh dưỡng và dễ dẫn đến biến chứng mù mắt do thiếu vitamin A hay viêm phổi. Những bé kiêng nước hay gió sẽ làm người bị dơ và ngứa ngáy, bé gãi nhiều sẽ gây ra trầy xước và nhiễm trùng da (tôi đã từng chứng kiến có bé bị cắt lễ đầy trên người và người thì dơ bẩn vì kiêng tắm, bé đó bị nhiễm trùng da nặng và nhiễm trùng máu). Kiêng uống nước khi bị tiêu chảy sẽ làm bé bị mất nước và có thể tử vong. Khi bé bị sởi, bé vẫn phải tắm sạch sẽ, ăn uống bình thường, ra gió thoải mái, ăn mặc thoáng mát và nằm máy lạnh 20 - 24 độ C (như vậy mới đủ mát và dễ chịu cho bé). Hiện nay đang rộ lên việc thoa hay tắm nước hạt mùi để ban sởi ra nhanh hơn. Hậu quả là giá của hạt mùi tăng lên một cách chóng mặt và đắt hơn giá của thịt bò Úc chính hiệu. Hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học gì về hiệu quả của hạt mùi trong bệnh sởi, cả hiệu quả chữa bệnh, rút ngắn thời gian bệnh lẫn phòng bệnh sởi. Đây có thể xem là một truyền thuyết mới trong chăm sóc bệnh nhân sởi.

Đa số các bệnh nhân sởi đều có thể được chăm sóc và theo dõi tại nhà bằng những biện pháp trên. Chỉ những bệnh nhân nặng cần phải thở oxy, truyền dịch hay thở máy mới phải nhập viện theo dõi. Việc người dân hoang mang đổ xô vào những bệnh viện tuyến trên và nhập viện nằm la liệt trong bệnh viện sẽ làm hao tổn nguồn nhân lực và vật chất của bệnh viện một cách không thật cần thiết, hậu quả là bác sĩ và điều dưỡng đều mệt nhoài, không còn đủ thể lực và trí lực để tập trung chăm sóc cho những bệnh nhân nặng cần theo dõi sát sao từng giây phút (họ cũng là con người mà) và những bệnh nhân nhập viện một cách không cần thiết đó có thể bị lây chéo các bệnh khác nguy hiểm hơn.

Cách phòng ngừa bệnh sởi

Chích ngừa vaccine sởi

Mối quan tâm hàng đầu của các phụ huynh có con nhỏ hiện nay là làm sao phòng ngừa được bệnh sởi. Cách phòng ngừa hữu hiệu nhất bệnh sởi là chích ngừa sởi. Hiện đang có nhiều thắc mắc xung quanh lịch chích ngừa sởi: chích 1 mũi hay 2 mũi, chích lúc mấy tháng tuổi thì được, lúc nào chích nhắc lại mũi 2...

Hướng dẫn chích ngừa vaccine sởi cho trẻ

Vaccine sởi (cũng như quai bị, Rubella hay trái rạ) là vaccine sống giảm độc lực, có nghĩa là đó là virus sởi sống nhưng đã làm yếu đi để không gây ra bệnh thực sự.

Thường ở những nước đang phát triển như Việt Nam, chương trình tiêm chủng mở rộng chích mũi sởi đầu tiên cho bé 9 tháng tuổi. Trước sanh, bé nhận kháng thể của mẹ truyền qua nhau thai, trong đó có thể có kháng thể chống lại sởi, kháng thể này sẽ được sử dụng dần và thường hết lúc khoảng 1 tuổi. Vì vậy, nếu bé chích vaccine sởi trước 1 tuổi, kháng thể còn trong máu sẽ tiêu diệt một phần vaccine sởi đó (tiêu hủy bao nhiêu không biết được), cơ thể chỉ đáp ứng tạo kháng thể đối với phần vaccine còn lại thôi, có thể là chỉ còn 50% hay 60% vaccine chích vào. Hiện tượng này gọi là đáp ứng miễn dịch không hoàn toàn. Vì vậy, nếu bé được chích mũi vaccine sống như sởi trước 1 tuổi thì liều vaccine đó không được tính là 1 mũi chích đầu tiên và từ 1 tuổi trở lên phải chích lại (thường chích mũi sởi - quai bị - Rubella) và lúc đó mới tính là mũi chích đầu tiên (mũi 1).

Nếu bé chích vaccine sởi đầu tiên vào lúc 1 tuổi trở lên thì đáp ứng miễn dịch được xem là hoàn toàn và lượng kháng thể tạo ra đủ sử dụng trong vài năm, do đó bé sẽ được chích nhắc lại 1 mũi vaccine sởi (hay sởi - quai bị - Rubella) (mũi 2) lúc 4 - 6 tuổi (không nhất thiết phải tiêm nhắc lại sớm hơn, tuy nhiên muốn tiêm nhắc sớm hơn cũng được, miễn là phải cách mũi vaccine sống tối thiểu 4 tuần lễ).

Nếu chích liều đầu tiên sau 1 tuổi thì hiệu quả bảo vệ của vaccine sởi là hơn 97%. Do đó, có những bé được chích sởi liều đầu tiên trước 1 tuổi, đến sau 1 tuổi thì kháng thể giảm nhiều do đáp ứng miễn dịch không hoàn toàn như đã nêu trên, nếu bé không được chích nhắc lại mũi vaccine sởi thì bé vẫn có nguy cơ mắc bệnh sởi. Tuy nhiên, những bé đã chích ngừa sởi rồi và đã có đáp ứng miễn dịch, nếu bé bị sởi thì thường sẽ bị nhẹ hơn những bé chưa được chích ngừa sởi bao giờ. Nếu con bạn đã được chích ngừa sởi rồi và đã chích theo lịch đầy đủ thì bạn không phải lo lắng quá mức như bao nhiêu phụ huynh đang bị những thông tin trên các phương tiện đại chúng “bủa vây” như hiện nay.

Dẫu cho vaccine sởi tiêm trước 1 tuổi không có đáp ứng miễn dịch hoàn toàn, nhưng nó vẫn có hiệu quả bảo vệ tạm thời. Do đó, nếu như đang có dịch sởi như hiện nay, bé từ 6 tháng - 11 tháng vẫn có thể chích 1 mũi sởi để bảo vệ tạm thời. Tuy nhiên, đến sau 1 tuổi bé vẫn phải được chích sởi (hay sởi - quai bị - Rubella) mũi 1. Nếu bé tiếp xúc với bệnh nhân bị sởi và chưa được chích ngừa sởi, việc chích ngừa sởi trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc cũng có thể giảm nguy cơ bị bệnh sởi hay giảm nguy cơ bị sởi nặng.

Việc chích ngừa sởi kịp thời và đủ là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh sởi.

Nguy cơ bùng phát dịch sởi do cha mẹ không chích ngừa vaccine sởi cho trẻ

Hiện tượng dịch sởi quay lại gần đây có lẽ một phần do các phụ huynh đã không cho các bé đi chích ngừa đầy đủ do lo ngại những phản ứng phụ của chích ngừa (do những thông tin có phần phiến diện của truyền thông về những phản ứng sau chích ngừa). Kinh nghiệm của thế giới cho thấy rõ điều này.

Năm 2012-2013 tại Anh và Wales xảy ra một dịch sởi gây bệnh cho khoảng 3000 bệnh nhân, hầu hết khoảng 10 - 18 tuổi. Nguyên nhân của vụ dịch sởi đó là do một nghiên cứu của BS Andrew Wakefield công bố vào năm 1998, cho rằng vaccine MMR (sởi - quai bị - Rubella) có liên quan đến bệnh tự kỷ ở trẻ em. Vì vậy, các phụ huynh từ chối chích ngừa cho con của mình vì những thông tin đó. Kết quả là những trẻ không được chích ngừa sởi đầy đủ lúc đó đã không có đủ miễn dịch bảo vệ với sởi nên mới bị mắc bệnh sởi trong trận dịch đó.

Trở lại kinh nghiệm của Việt Nam. Vào năm 2006 có một vụ tai biến sau khi chích vaccine MMR tại một số trường ở quận 5, khiến một bé tử vong và khoảng 5 - 6 bé khác bị nhiễm trùng huyết, khiến cho các phụ huynh không ai dám cho con chích ngừa MMR. Thực chất, tai biến đó không liên quan đến bản thân vaccine MMR, mà là do vi khuẩn tụ cầu lây vào một số bé được chích và gây nhiễm trùng huyết (nguồn gốc của vi khuẩn đó có lẽ từ hầu họng của một nhân viên chích ngừa). Sau đó một thời gian, bệnh sởi đã quay lại. Thời gian gần đây, cũng do một số thông tin báo chí đăng tải các vụ xảy ra sau khi chích ngừa (mà đa số các vụ đó nguyên nhân tử vong không liên quan đến vaccine) mà phụ huynh không cho con chích ngừa kịp thời và đầy đủ, khiến một số bệnh quay lại như sởi và thủy đậu.

Vậy để chích ngừa kịp thời và đầy đủ, có một số biện pháp hiệu quả và đơn giản. Khi bé đi khám định kỳ, lúc đó có thể chích được bao nhiêu mũi vaccine thì hãy cho bé chích cùng một lúc (tất cả các vaccine đều có thể chích cùng một lúc được), như vậy sẽ đỡ mắc công đi nhiều lần, bé được bảo vệ kịp thời và đỡ bị tình trạng thiếu hụt vaccine  do nhiều nguyên nhân (nếu mỗi lần đi chích ngừa mà chỉ chích 1 mũi rồi để lần khác chích 1 mũi khác thì có khi vaccine lần sau bị hết).

Nếu bé đi khám bệnh vì bệnh lý gì đó mà không có sốt, bé vẫn có thể chích ngừa được, ví dụ bé đang ho, sổ mũi, ói, tiêu chảy vẫn có thể chích ngừa được nếu bé không sốt và vẫn chơi (kinh nghiệm là khi phụ huynh dẫn bé đi khám bệnh, nên đem theo sổ chích ngừa để bác sĩ biết bé còn cần chích vaccine nào nữa). Trong tình hình thiếu nhiều loại vaccine như hiện nay (vaccine sởi - quai bị - Rubella cũng đang thiếu), bé vẫn nên đi chích ngừa các loại bệnh khác, đặc biệt là chích ngừa cúm cho trẻ nhỏ vì chúng vẫn có thể bị lây cúm và bị biến chứng nặng do cúm (viêm phổi, thậm chí tử vong).

Tác dụng phụ của vaccine sởi

Như mọi loại vaccine khác, vaccine sởi cũng có thể có một số tác dụng phụ. Có khoảng 10% bé có thể sốt và phát ban sau khi tiêm vaccine sởi khoảng 1 - 2 tuần, tuy nhiên tình trạng này nhẹ và tự khỏi hoàn toàn. Vaccine sởi là vaccine sống nên trên nguyên tắc không được tiêm cho phụ nữ đang mang thai hay người đang suy giảm miễn dịch. Đương nhiên, người dị ứng nặng với thành phần trong vaccine sởi (ví dụ dị ứng với kháng sinh Neomycine) cũng không tiêm vaccine này được. Vaccine sởi vẫn có thể tiêm cho phụ nữ đang cho con bú.

Các biện pháp khác

Ngoài biện pháp chích ngừa để phòng bệnh, cũng có một số biện pháp khác có hiệu quả (tuy không cao bằng tiêm ngừa). Virus sởi cũng lây giống những virus đường hô hấp khác, do đó che miệng khi ho hay hắt hơi hay rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sát khuẩn cũng là cách rất tốt để ngừa bệnh sởi lây lan. Thói quen của người lớn ở Việt Nam là hay hôn hít con nít nhỏ, đó là cách thể hiện tình thương, tuy nhiên hành động này cũng có thể lây những bệnh lý đường hô hấp cho bé nhỏ. Do đó, nếu có thấy đứa bé dễ thương, các bạn có thể hôn ... chân nó, hoặc hôn gió.

Các bạn có thể tham khảo thêm tài liệu tiếng Anh về bệnh sởi ở link sau:
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/measles/basics/definition/con-20019675.

* Nguồn tham khảo: Bài viết trên trang Facebook cá nhân của bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, Trưởng khoa Nhi - Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare ngày 22/04/2014.

Wellcare tổng hợp

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan