Viêm nhiễm đường hô hấp dưới

Bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp rất thường gặp, có thể xảy ra quanh năm nhưng thường vào thời điểm thời tiết giao mùa như mùa mưa của các tỉnh thành phía nam và mùa lạnh ở các tỉnh thành phía bắc. Diễn tiến bệnh thường nhẹ và có thể cải thiện khá nhanh

Viêm nhiễm đường hô hấp dưới là gì?

Bệnh viêm nhiễm đường hô hấp dưới
(Ảnh minh họa)

Viêm nhiễm đường hô hấp dưới thường được chia ra làm hai loại là:

  • Viêm phế quản cấp: Đây là một tình trạng nhiễm trùng các đường dẫn khí lớn ở phổi (cây phế quản). Bệnh khá thường gặp và nguyên nhân thường do nhiễm siêu vi (virus). Nguyên nhân do vi khuẩn cũng có nhưng thường ít gặp hơn.
  • Viêm phổi: Đây là một tình trạng viêm nghiêm trọng ở phổi, thường gây ra bởi vi khuẩn. Việc điều trị bằng thuốc kháng sinh là cần thiết.

Bệnh rất thường gặp, có thể xảy ra quanh năm nhưng thường vào thời điểm thời tiết giao mùa như mùa mưa của các tỉnh thành phía nam và mùa lạnh ở các tỉnh thành phía bắc. Bệnh thường xảy ra sau khi bị cảm lạnh hoặc cảm cúm. Bất kì ai cũng có thể bị bệnh nhưng thường gặp hơn ở những đối tượng sau:

  • Trẻ nhỏ và người già
  • Người hút thuốc lá
  • Người mắc các bệnh lý mạn tính ở phổi như bị hen phế quản.

Triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp dưới

Các triệu chứng chính là ho, khó thở và đau ngực. Bạn cũng có thể bị đau đầu và cảm giác nóng lạnh (sốt). Các triệu chứng của nhiễm trùng đường dẫn khí và nhiễm trùng phổi (viêm phổi) có thể tương tự nhau, tuy nhiên các triệu chứng của viêm phổi thường nặng nề hơn.

Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Nhiễm trùng đường dẫn khí ở phổi (viêm phế quản cấp) thường tự cải thiện, do đó thường không cần đi khám bác sĩ. Tuy nhiên, bạn đi khám bác sĩ hoặc Gọi thoại - Gọi video với bác sĩ chuyên khoa Nội hô hấp trên hệ thống khám từ xa Wellcare khi gặp các triệu chứng sau:

  • Nếu bị sốt, khò khè hoặc đau đầu nặng lên hoặc đau nhiều.
  • Thở nhanh, khó thở hoặc đau ngực.
  • Ho ra máu hoặc đàm trở nên sậm màu hoặc có màu rỉ sét.
  • Lơ mơ hoặc lú lẫn.
  • Ho kéo dài hơn 3 – 4 tuần.
  • Hay có những đợt viêm phế quản tái phát.
  • Xuất hiện bất kì triệu chứng nào khác khiến bạn lo lắng.

Các xét nghiệm cần thực hiện

Thông thường không có xét nghiệm nào là cần thiết nếu bạn bị viêm phế quản cấp và các triệu chứng nhẹ. Nếu các triệu chứng trở nặng và cần đến bệnh viện thì bạn cần làm các xét nghiệm sau:

  • X-quang phổi có thể được chụp để xác định mức độ nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm máu và đàm có thể được thực hiện để tìm tác nhân gây viêm phổi nặng. Điều này giúp quyết định loại kháng sinh nào tốt nhất cần sử dụng. Do đôi khi vi khuẩn gây viêm phổi đề kháng với loại kháng sinh ban đầu nên cần phải đổi sang một kháng sinh khác.

Điều trị nhiễm trùng đường hô hấp dưới

Hầu hết các bệnh viêm đường hô hấp dưới thường là nhẹ và tự cải thiện. Nhưng một số trường hợp có thể trở nặng, và thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Một đợt viêm phổi cấp thường khỏi sau 7 – 10 ngày mà không cần điều trị thuốc.
Nếu bị bệnh, bạn nên:

  • Nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Uống nhiều nước để tránh cơ thể bị mất nước và giúp loãng đàm và dễ ho khạc ra.
  • Xông hơi nước, có thể pha thêm tinh dầu bạc hà có thể hỗ trợ giúp làm sạch đàm nhầy khỏi ngực.
  • Nằm ngửa vào ban đêm có thể dễ gây ứ đọng đàm nhầy và khó thở hơn.
  • Uống thuốc paracetamol, ibuprofen hoặc aspirin để giảm sốt và giảm đau nhức và đau đầu. (Lưu ý: trẻ em dưới 16 tuổi không nên uống aspirin).
  • Nếu bạn hút thuốc, bạn nên cố gắng ngưng hút thuốc sẽ tốt hơn. Viêm phế quản, viêm phổi và các bệnh lý nghiêm trọng ở phổi thường gặp hơn ở người hút thuốc.
  • Nếu bạn bị đau họng do ho nhiều, bạn có thể giảm đau họng với nước ấm có chứa chanh và mật ong.

Uống kháng sinh

Kháng sinh là các thuốc dùng điều trị nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn và không hiệu quả trên siêu vi. Bởi vì viêm phế quản thường do virus, nên việc hồi phục hiếm khi liên quan đến uống kháng sinh. Sử dụng thuốc kháng sinh không cần thiết trong viêm phế quản có thể gây tác dụng phụ.
Viêm phổi, không như viêm phế quản, thường do vi khuẩn và có thể cần điều trị kháng sinh. Nếu bạn bị viêm phổi nhẹ, bạn có thể dùng kháng sinh tại nhà. Nếu viêm phổi nặng hơn, bạn cần được tiêm hoặc truyền thuốc kháng sinh tại bệnh viện.

Phòng ngừa viêm nhiễm đường hô hấp dưới

  • Che miệng khi ho hoặc hắt xì.
  • Rửa tay thường xuyên. 
  • Vứt khăn giấy đã sử dụng sau khi dùng xong.
  • Chủng ngừa phế cầu khuẩn (vi khuẩn) – tác nhân vi khuẩn thường gặp gây viêm phổi – và chủng ngừa virus cúm mùa nếu bạn có nguy cơ cao bị nhiễm các tác nhân này.
  • Ngưng hút thuốc. Hút thuốc lá làm phá hủy lớp niêm mạc lót đường dẫn khí và làm phổi dễ bị nhiễm trùng hơn.

Biên dịch - Hiệu đính:

Nguồn: Y học cộng đồng

- 27-08-2018 -

Bài viết liên quan

  • 26-09-2018

    Nuốt vướng là cảm giác mà bệnh nhân cảm thấy có vật gì trong cổ như hạt cát, sợi tóc, hạt đậu hay khối u (lành tính kyst đáy lưỡi, kyst rãnh lưỡi thanh thiệt, u ác tính như ung thư hạ họng, u thư thanh thiệt...).

  • 28-05-2018
    Vẩy nến là bệnh da mãn tính thường xuất hiện và sau đó tự hết. Những tế bào da tái tạo quá nhanh, tích tụ và tạo thành những vảy óng ánh như bạc trên bề mặt da. Bệnh có thể nhẹ, nhưng cũng có thể diễn tiến nghiêm trọng.
  • 28-05-2018
    Cận thị là do di truyền và thường được phát hiện ở trẻ em ở độ tuổi từ 8 đến 12 tuổi. Trong những năm thiếu niên, khi cơ thể phát triển nhanh chóng, cận thị có thể tăng nhiều hơn. Trong độ tuổi từ 20 đến 40, thường có rất ít thay đổi. Cận thị cũng có
  • 28-08-2018

    Niêm mạc vùng họng miệng, thanh quản thường có nấm candida sống hoại sinh. Khi sức đề kháng của cơ thể giảm sút hoặc vì một lý do nào đó như lạm dụng kháng sinh, xạ trị, hóa trị,.. làm cho môi trường trong họng thay đổi, tạo điều kiện để nấm phát sinh,

  • 04-07-2018

    Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus (siêu vi) gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh đặc trưng bởi loét miệng và nổi hồng ban trên bàn tay, bàn chân. Nguyên nhân thường gặp nhất là do nhiễm virus coxsackie.

  • 28-05-2018
    Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến, đứng thứ hai sau ung thư vú trong các ung thư ở nữ trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Trong khoảng ba thập kỷ qua, tỷ lệ mắc đã giảm đáng kể ở hầu hết các nước phát triển nhờ chương trình sàng lọc tốt.