Ung thư da

Ung thư da là một bệnh ác tính, có thể khởi phát từ lớp ngoài cùng bao gồm các tế bào sừng, hoặc từ lớp bên trong có các tế bào đáy và tế bào hắc tố (melanocyte). Bình thường các tế bào da phát triển theo một trình tự tổ chức rất chặt chẽ. Những tế bào

Ung thư da là gì?

Ung thư da là một bệnh ác tính, có thể khởi phát từ lớp ngoài cùng bao gồm các tế bào sừng, hoặc từ lớp bên trong có các tế bào đáy và tế bào hắc tố (melanocyte).

Bình thường các tế bào da phát triển theo một trình tự tổ chức rất chặt chẽ. Những tế bào mới còn non đẩy những tế bào trưởng thành lên bề mặt da. Khi các tế bào lên đến lớp trên cùng, chúng chết đi và bị tróc ra.

Ung thư da là kết quả của sự phát triển bất thường của các tế bào da. Nguyên nhân chính là do da bị tổn thương bởi tia cực tím. Tia cực tím có thể xuyên qua da và làm tổn thương các tế bào, chịu trách nhiệm cho phần lớn các trường hợp ung thư da cũng như các vết nhăn và nốt tàn nhang do tuổi.

Ung thư da gồm 3 loại thường gặp là ung thư tế bào đáy, tế bào sừng và tế bào hắc tố, trong đó phổ biến nhất là ung thư tế bào đáy và tế bào sừng. Cả hai loại này đều ở bề mặt, tốc độ phát triển chậm và khả năng chữa lành cao, nhất là khi được phát hiện sớm. Loại ung thư tế bào hắc tố nặng hơn, ảnh hưởng đến các lớp sâu hơn của da và có nguy cơ di căn đến các mô khác cao nhất trong 3 loại.

Ung thư da có nguy hiểm?

Ung thư da là một trong những dạng ung thư hay gặp, song nếu phát hiện sớm có thể điều trị được. Ung thư da không nguy hiểm như các loại ung thư khác, do vậy tỷ lệ tử vong ung da thấp. Tuy nhiên, nếu bạn xem nhẹ bệnh này và không chữa trị sớm, kịp thời thì nguy cơ tử vong sẽ xảy ra.

Ung thư da giai đoạn đầu thường xuất hiện những ban đỏ hoặc nốt sần lên trên bề mặt da giống như bị tổn thương da, bề mặt thường kèm theo bong vẩy hoặc hình thành sự đóng vảy, triệu chứng cũng giống với các bệnh lành tính như vẩy nến, viêm da, eczema…

Khi bệnh phát triển hơn nữa sẽ có những triệu chứng đặc trưng hơn như nốt sần sáng, hơi trong suốt có kèm các nốt nhỏ, bề mặt rỉ máu và mao mạch chân lông giãn nở. Hoặc bề mặt nhẵn bóng, kết thành mảng giống như sẹo, không nhìn rõ mao mạch chân lông giãn nở, vết loét và sưng.

Ngoài ra, có bệnh nhân còn xuất hiện vết sần cứng hoặc hiện tượng xơ hóa trên da, thường thấy nhiều ở vùng cổ, chủ yếu mảng bám cứng màu vàng nhạt hoặc màu trắng-vàng, hơi sưng, ranh giới xung quanh vết sần không rõ ràng, có thể nguyên vẹn trong thời gian khá lâu, nhưng đến giai đoạn cuối sẽ loét ra.

Triệu chứng của bệnh ung thư da

Triệu chứng của bệnh ung thư da

Đa số ung thư da có biểu hiện là các nốt ruồi có màu sắc hỗn hợp nâu, đen, đỏ, trắng, xanh không đều nhau.

Nốt ruồi, bớt hoặc đốm trên da thay đổi về kết cấu, trở nên dày hơn, to hơn, có đường viền bất thường, xuất hiện sau tuổi 21 hoặc lớn hơn cục tẩy ở đầu bút chì.

Bề mặt nốt ruồi thô nhám, có dạng vảy, đôi khi có hiện tượng chảy máu hoặc mủ.

Vùng da xung quanh có thể bị phù nề, hoặc mất độ sáng da ban đầu, hoặc chuyển sang màu trắng, màu xám.

Có cảm giác ngứa, rát hoặc đau cục bộ.

Khi có một trong các triệu chứng trên, người bệnh cần kịp thời đến bệnh viện có uy tín để kiểm tra, chẩn đoán, tránh tình trạng phát hiện bệnh quá muộn.

Nguyên nhân gây ung thư da

Nguyên nhân gây ung thư da

Ung thư da là kết quả của sự phát triển bất thường của các tế bào da. Nguyên nhân chính là do da bị tổn thương bởi tia cực tím.

Tia cực tím gây tổn thương da có thể xuất phát từ ánh sáng mặt trời và hoặc từ nguồn nhân tạo thường được sử dụng trong các kỹ thuật nhuộm màu da (giường tắm nắng nhân tạo,…). Tia cực tím có thể xuyên qua da và làm tổn thương các tế bào, chịu trách nhiệm cho phần lớn các trường hợp ung thư da cũng như các vết nhăn và nốt tàn nhang do tuổi tác.

Có 2 loại tia cực tím là tia cực tím A (UVA) và tia cực tím B (UVB). Tia UVA xuyên qua da sâu hơn tia UVB, do vậy sau một thời gian phơi nhiễm tia này, khả năng chống ung thư của da sẽ bị suy yếu. Tia UVB, do xuyên qua da kém hơn, nên thường gây bỏng nắng và chịu trách nhiệm cho các ung thư lớp nông – ung thư tế bào sừng hoặc tế bào đáy.

Ung thư tế bào hắc tố cũng có liên quan với tia cực tím. Các chuyên gia nhận thấy rằng, những người thỉnh thoảng tiếp xúc với ánh nắng gắt trong một khoảng thời gian ngắn (như những người làm việc trong văn phòng thỉnh thoảng đi tắm nắng trên bãi biển vào những ngày nghỉ) có nguy cơ bị ung thư tế bào hắc tố rất cao so với các nông dân, công nhân làm đường hoặc những người thường xuyên làm việc dưới ánh nắng mặt trời nhiều giờ mỗi ngày.

Tuy nhiên, sự phơi nhiễm với ánh sáng mặt trời thường xuyên không giải thích được một số trường hợp ung thư các vùng da ít tiếp xúc với ánh sáng, như lòng bàn chân chẳng hạn.

Di truyền và gia đình cũng đóng một vai trò không nhỏ.

Ngoài ra, đôi khi ung thư da còn do tiếp xúc quá thường xuyên với độc chất hoặc tia xạ. Hiện nay các trường hợp này cơ chế còn chưa được hiểu rõ.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư da

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư da

Ung thư da thường thấy nhiều ở người cao tuổi, độ tuổi mắc bệnh cao nhất là từ 51 – 60 tuổi, tỷ lệ mắc ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới.

Những trường hợp sau dễ có nguy cơ mắc các bệnh ung thư da, bao gồm:

Người da trắng và mắt sáng màu.

Người có rất nhiều nốt ruồi hình dạng bất thường và kích cỡ lớn.

Người trong gia đình có tiền sử mắc ung thư da.

Người từng cháy nắng.

Người luôn phải làm việc trong môi trường nhiệt độ cao và ngoài trời trong thời gian dài.

Người từng phải điều trị tia xạ.

Chẩn đoán bệnh ung thư da

Chẩn đoán bệnh ung thư da

Ung thư da thương được chia thành 2 giai đoạn: khu trú (chỉ ảnh hưởng đến da) hoặc di căn (lan ra bên ngoài da). Do ung thư da hiếm khi lan nên sinh thiết thường là xét nghiệm duy nhất cần thiết để xác định giai đoạn của bệnh. Trong những trường hợp mụn rất to hoặc đã tồn tại trong một thời gian dài, bác sĩ sẽ phải cẩn thận kiểm tra các hạch bạch huyết.

Bên cạnh đó, người bệnh có thể cần làm thêm các xét nghiệm bổ sung như chụp Xquang đặc biệt để xác định ung thư đã lan tới các bộ phận khác chưa. Biết được giai đoạn của bệnh sẽ giúp bác sĩ lập kế hoạch điều trị phù hợp nhất.

Điều trị ung thư da

Điều trị ung thư da

Có nhiều biện pháp điều trị được áp dụng như phẫu thuật cắt bỏ rộng thương tổn, phẫu thuật cắt bỏ thương tổn có kiểm soát bằng giải phẫu bệnh (phẫu thuật Mohs), phẫu thuật lạnh, đốt bỏ thương tổn, xạ trị, hóa chất, liệu pháp sinh học hay miễn dịch liệu pháp, quang động học liệu pháp…

Trên thế giới, một số loại thuốc mới được áp dụng điều trị ung thư da, bao gồm:

1. Ung thư tế bào hắc tố

Thuốc Yervoy (ipilimumab) được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ FDA phê chuẩn ngày 25/3/2011 và thuốc Zelboraf (vemurafenib) được FDA phê chuẩn ngày 17/8/2011 cho phép sử dụng để điều trị ung thư tế bào hắc tố giai đoạn cuối hay ở những trường hợp ung thư tế bào hắc tố không thể phẫu thuật được.

Yervoy dạng tiêm tĩnh mạch, là một kháng thể đơn dòng có tác dụng ức chế phân tử CTLA-4, một phân tử đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn khả năng chống lại tế bào ung thư của cơ thể. Yervoy giúp hệ miễn dịch của cơ thể nhận ra, nhắm đúng mục tiêu và tấn công loại bỏ các tế bào trong khối u hắc tố.

Zelboraf (vemurafenib) dạng thuốc viên uống, chỉ có tác động lên các khối u hắc tố ác tính có gen lỗi BRAF V600E là gen đột biến tích cực gây di căn. Zelboraf có thể giúp kéo dài cuộc sống thêm 6 - 8 tháng cho 84% bệnh nhân bị ung thư tế bào hắc tố giai đoạn cuối.

2. Ung thư biểu mô tế bào đáy

Ngày 30/1/2012, Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ FDA phê chuẩn việc sử dụng thuốc Erivedge (vismodegib) để điều trị bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào đáy, loại ung thư da phổ biến nhất hiện nay.

Thuốc được dùng cho những bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào đáy tiến triển tại chỗ, không có chỉ định phẫu thuật hay xạ trị và cho những bệnh nhân ung thư da đã di căn đến những bộ phận khác của cơ thể.

Erivedge là loại thuốc uống điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy di căn đầu tiên được FDA phê chuẩn.

Độ an toàn và hiệu quả của Erivedge được đánh giá trong một nghiên cứu điều trị cho 96 bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào đáy tiến triển tại chỗ hoặc di căn. Kết quả có 30% bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào đáy di căn có tổn thương co lại từng phần đáp ứng với thuốc Erivedge và 43% bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào đáy tiến triển tại chỗ có đáp ứng một phần hoặc hoàn toàn.

Erivedge có dạng thuốc viên, uống 1 lần mỗi ngày, hoạt động bằng cách ức chế lộ trình phân tử hoạt động Hedgehog của các tế bào đáy ung thư, chỉ còn chừa lại một ít mô bình thường như nang lông chẳng hạn. Đây là một phương pháp điều trị hiệu quả với ít khả năng gây tác dụng phụ.

Các tác dụng phụ phổ biến nhất ở những bệnh nhân được điều trị với Erivedge là: co thắt cơ, rụng tóc, giảm cân, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, chán ăn, táo bón, rối loạn vị giác.

Erivedge (Vismodegib) được FDA phê duyệt với cảnh báo về nguy cơ tiềm năng gây các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng hoặc tử vong cho bào thai. Do đó, tình trạng mang thai phải được xác định trước khi bắt đầu dùng Erivedge. Bệnh nhân, cả nam và nữ, phải được cảnh báo về những rủi ro và sự cần thiết phải kiểm soát sinh sản khi dùng thuốc.

Nguy cơ mắc bệnh ung thư da xảy ra ở tất cả những người mà da không thường xuyên được bảo vệ khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, với các nguồn hóa chất, các sản phẩm nhựa, than đá, thạch tín; các vết sẹo bỏng cũ lâu ngày do vôi, xăng, acid; các vết loét hay ổ viêm nhiễm mạn tính và cũng có thể do hóa chất làm đẹp không an toàn. 95% trường hợp ung thư da xảy ra ở vùng da hở; trong đó, vùng mặt chiếm trên 80%.

Phòng ngừa bệnh ung thư da

Phòng ngừa bệnh ung thư da

Một số biện pháp phòng ngừa ung thư da bao gồm:

Tránh làm việc và tiếp xúc ánh nắng mặt trời quá lâu. Tranh khoảng thời gian tia cực tím thường phát mạnh nhất là từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều mỗi ngày.

Nên dùng kem chống nắng trước khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Các loại kem chống nắng hiện nay chứa các chất ngăn chặn tác hại của tia UVA và UVB. Dùng kem chống nắng cho tất cả những vùng phơi sáng, kể cả môi, 30 phút trước khi ra nắng, rồi thoa lại sau vài giờ. Bạn cần dùng kem chống nắng cho các em nhỏ cũng như hướng dẫn các bé lớn cách sử dụng.

Không nên tắm nắng.

Kiểm tra sức khỏe da thường xuyên, ít nhất 3 tháng/lần, phát hiện sớm những vùng da phát triển bất thường, các nốt ruồi thay đổi kích thước, tính chất...

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Não và tuỷ sống của con người được bao bọc bởi những lớp màng bảo vệ gọi là màng não. Khi mắc bệnh tụ máu dưới màng cứng (hay còn gọi là xuất huyết dưới màng cứng), máu hoặc các sản phẩm của máu sẽ bị tích tụ giữa hai lớp màng nhện và màng cứng bên trong
  • 28-05-2018
    Có hai nhóm nguyên nhân lớn của bệnh gout là gout nguyên phát và gout thứ phát: Gout nguyên phát là thể bệnh gặp nhiều nhất, có tính chất di truyền và mang tính gia đình. Gout thứ phát có nguyên nhân do tăng acid uric máu thứ phát,
  • 28-05-2018
    Nguyên nhân do các dị nguyên glycoprotein. Các glycoprotein này tan được trong nước, có khả năng bền vững với nhiệt (khi chế biến) với acid, không bị phân hủy bởi protease. Thức ăn hay gây dị ứng là sữa bò, trứng, lạc, vừng, đậu nành, lúa mỳ, hạt quả
  • 18-09-2018

    U não do di căn là những khối u ở não có nguồn gốc từ các mô hoặc cơ quan bên ngoài não. Khối u “gốc” được gọi là ung thư nguyên phát, và khối u đã lan (di căn) đến não được gọi là ung thư thứ phát. Di căn não là biến chứng thường gặp của ung thư toàn

  • 28-05-2018
    Polyp túi mật còn gọi là u nhú niêm mạc tuyến mật, là một tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật. Đây là một bệnh khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc giữa nam và nữ.