Tự kỷ

Số trẻ em được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ dường như đang tăng lên, mặc dù vẫn chưa rõ là do sự cải thiện trong khả năng phát hiện và báo cáo các trường hợp mắc tự kỷ hay do sự gia tăng thực sự số trường hợp mắc rối loạn này hoặc do kết hợp cả hai nguyên

Tự kỷ là gì?

Tự kỷ là một rối loạn thuộc nhóm các rối loạn về phát triển nghiêm trọng còn được gọi là những rối loạn phổ tự kỷ, xuất hiện sớm trong thời thơ ấu, thường trước 3 tuổi. Mặc dù các triệu chứng và mức độ nặng của bệnh không cố định, nhưng tất cả các rối loạn phổ tự kỷ đều ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và tương tác của trẻ với những người xung quanh.
Số trẻ em được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ dường như đang tăng lên. Mặc dù vẫn chưa rõ là do sự cải thiện trong khả năng phát hiện và báo cáo các trường hợp mắc tự kỷ hay do sự gia tăng thực sự số trường hợp mắc rối loạn này hoặc do kết hợp cả hai nguyên nhân.
Hiện vẫn chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn rối loạn tự kỷ, nhưng điều trị sớm và tích cực có thể tạo nên sự thay đổi lớn trong cuộc sống của nhiều trẻ mắc rối loạn này.

tự kỷ

Triệu chứng của tự kỷ

Trẻ em mắc chứng tự kỷ thường có những vấn đề trong ba lĩnh vực quan trọng của sự phát triển bao gồm giao tiếp xã hội, ngôn ngữ và hành vi. Nhưng vì các triệu chứng của tự kỷ và mức độ nghiêm trọng của bệnh không hằng định, nên nếu hai trẻ em có cùng chẩn đoán mắc tự kỷ, có thể hành động khá khác nhau và có thể có những kỹ năng nổi bật khác nhau. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, trẻ mắc chứng tự kỷ nặng thường có biểu hiện đặc trưng với những khiếm khuyết hoặc mất hoàn toàn khả năng giao tiếp hoặc tương tác với những người khác.
Một số trẻ có dấu hiệu của rối loạn tự kỷ ngay từ giai đoạn nhũ nhi. Một số trẻ khác có thể phát triển bình thường trong những tháng đầu tiên hoặc những năm đầu tiên của cuộc sống, nhưng sau đó đột nhiên trở nên thu mình hoặc hung dữ, hoặc mất các kỹ năng ngôn ngữ mà chúng đã đạt được.
Mặc dù mỗi đứa trẻ mắc tự kỷ có thể có những kiểu hành vi đặc trưng riêng, nhưng một số triệu chứng phổ biến của chứng tự kỷ bao gồm:

Kỹ năng xã hội

  • Không phản ứng khi có người khác gọi tên mình
  • Giao tiếp bằng mắt kém
  • Đôi khi dường như không nghe thấy bạn
  • Kháng cự hành động ôm ấp, âu yếm hoặc nắm, giữ
  • Có vẻ không ý thức được về cảm giác của người khác
  • Có vẻ thích chơi một mình, rút lui vào thế giới riêng của mình
  • Không đòi hỏi nhờ sự giúp đỡ hay yêu cầu điều gì

Ngôn ngữ

  • Không nói được hoặc bị chậm phát triển ngôn ngữ
  • Mất khả năng nói các từ hoặc câu đã đạt được trước đó
  • Không giao tiếp bằng mắt khi đưa ra yêu cầu
  • Nói với giọng hoặc ngữ điệu bất thường, trẻ có thể sử dụng giọng nói ê a hoặc lời nói như robot
  • Không thể bắt đầu hoặc duy trì một cuộc trò chuyện
  • Có thể lặp lại các từ hoặc cụm từ đúng nguyên văn, nhưng lại không biết cách để sử dụng chúng
  • Dường như không hiểu những câu hỏi đơn giản hoặc xác định phương hướng

Hành vi

  • Thực hiện những động tác lặp đi lặp lại, như lắc lư, quay vòng, hoặc vỗ tay
  • Phát triển những thói quen hay nghi thức riêng, và trẻ sẽ trở nên khó chịu với những thay đổi dù là nhỏ nhất
  • Di chuyển liên tục
  • Có thể bị thu hút bởi những chi tiết của một vật thể, như các bánh xe quay của một chiếc xe đồ chơi, nhưng không thể nhận biết được “bức tranh lớn” của vật thể đó (ở ví dụ trên là chiếc xe đồ chơi)
  • Có thể nhạy cảm bất thường với ánh sáng, âm thanh và cảm giác sờ, nhưng không có ý thức về cảm giác đau
  • Không tham gia vào trò chơi bắt chước hoặc tưởng tượng
  • Có thể có sở thích kỳ quái về thức ăn, như chỉ ăn một vài loại thức ăn, hoặc thèm ăn một số thứ không phải là thực phẩm, như phấn hoặc chất bẩn
  • Có thể thực hiện những hành động có thể gây hại cho bản thân, như lắc hoặc đập đầu mạnh

Trẻ nhỏ mắc tự kỷ cũng gặp rất nhiều khó khăn khi chia sẻ với người khác. Ví dụ, khi đọc, trẻ không thể chỉ vào những hình ảnh trong cuốn sách. Những kỹ năng xã hội trong giai đoạn phát triển ban đầu này rất quan trọng đối với sự phát triển kỹ năng xã hội và ngôn ngữ về sau.
Khi trưởng thành, một số trẻ mắc tự kỷ trở nên hòa nhập hơn với những người xung quanh và giảm các biểu hiện rối loạn trong hành vi. Một số trẻ, thường là những trẻ chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ, thật sự có thể sống một cuộc sống bình thường hoặc gần như bình thường. Tuy nhiên, những trẻ khác vẫn tiếp tục gặp khó khăn về ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội, và trẻ có thể có những vấn đề về hành vi nặng hơn trong những năm thiếu niên.
Hầu hết trẻ tự kỷ chậm tiếp thu những kiến thức và kỹ năng mới, và một số trẻ có dấu hiệu kém thông minh trong khi những trẻ tự kỷ khác có trí thông minh bình thường hoặc cao. Những trẻ này học nhanh, nhưng lại có vấn đề về giao tiếp, về áp dụng những gì trẻ biết vào cuộc sống hàng ngày và về khả năng điều chỉnh trong các tình huống xã hội. Một số ít trẻ tự kỷ là những nhà bác học với các kỹ năng đặc biệt trong một lĩnh vực nào đó, như nghệ thuật, toán học hoặc âm nhạc.

Bạn cũng có thể tham khảo Bảng kiểm tra, sàng lọc tự kỉ ở trẻ nhỏ của Khám từ xa Wellcare cung cấp để bước đầu kiểm tra mức độ của con mình.

tự kỷ ở trẻ

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Trẻ em phát triển theo tốc độ của riêng trẻ, và nhiều trẻ không theo kịp một cách chính xác những mốc thời gian được nêu trong một số sách nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, trẻ mắc tự kỷ thường xuất hiện một số dấu hiệu chậm phát triển trong năm đầu tiên. Nếu bạn nghi ngờ con bạn có thể mắc tự kỷ, hãy thảo luận mối quan tâm, lo lắng với bác sĩ. Những triệu chứng liên quan đến chứng tự kỷ cũng có thể liên quan đến những rối loạn về phát triển khác. Lưu ý rằng việc điều trị được bắt đầu càng sớm càng tốt, hiệu quả đạt được sẽ càng cao.
Bác sĩ có thể đề nghị thêm một số khảo sát sự phát triển của con bạn nếu trẻ:

  • Không phản ứng lại bằng một nụ cười hay biểu hiện vui mừng khi 6 tháng tuổi
  • Không bắt chước âm thanh hoặc những biểu hiện khuôn mặt khi 9 tháng tuổi
  • Không trọ trẹ, bi bô khi 12 tháng tuổi
  • Không ra hiệu bằng cử chỉ – như chỉ tay hoặc vẫy tay – khi 12 tháng tuổi
  • Không nói những từ đơn lẻ khi 16 tháng tuổi
  • Không nói được cụm từ gồm có hai chữ khi 24 tháng tuổi
  • Mất ngôn ngữ đã đạt được trước đó hoặc những kỹ năng xã hội ở mọi lứa tuổi

Chuẩn bị cho cuộc hẹn

Bác sĩ của con bạn sẽ tìm các vấn đề về phát triển tại những lần khám sức khỏe định kỳ. Nếu trẻ biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào của tự kỷ, bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đưa trẻ đến một chuyên gia về tâm lý trẻ em, bác sĩ thần kinh nhi khoa hoặc bác sĩ nhi chuyên về phát triển để đánh giá lâm sàng toàn diện.
Để tư vấn với bác sĩ về trường hợp bệnh của bé, bạn cần chuẩn bị:

  • Danh sách tất cả các loại thuốc, bao gồm cả vitamin, thảo dược và các loại thuốc không nằm trong danh mục phải kê đơn mà con bạn đang dùng.
  • Tạo một danh sách tất cả những thay đổi mà bạn và những người khác đã quan sát thấy trong hành vi của con bạn.
  • Ghi chú về những quan sát từ người lớn và những người chăm sóc con bạn, như người giữ trẻ, người thân và giáo viên của con bạn. Nếu con của bạn đã từng được đánh giá bởi một chương trình can thiệp sớm hoặc chương trình trường học, thì việc mang theo đánh giá này sẽ hữu ích.
  • Sổ ghi chép các mốc phát triển của con bạn, hoặc sổ khám sức khỏe nếu có.
  • Một đoạn video của các hành vi hay những hành động bất thường của con bạn, nếu có.
  • Hãy cố gắng nhớ khi nào thì các đứa con khác của bạn bắt đầu biết nói và đạt được các mốc phát triển, và chia sẻ những thông tin đó với các bác sĩ.
  • Chuẩn bị để mô tả cách mà con bạn chơi đùa và tương tác với các trẻ khác, với anh chị em và cha mẹ.
  • Nếu có thể, hãy tham gia cuộc tư vấn cùng một thành viên gia đình hoặc bạn bè của bạn, để giúp bạn nhớ thông tin và hỗ trợ tinh thần.
  • Tạo một danh sách các câu hỏi mà bạn muốn hỏi bác sĩ của con bạn. Đừng ngại đặt câu hỏi bất cứ lúc nào bạn có điều không hiểu. Những câu hỏi có thể bao gồm:

    • Tại sao bác sĩ nghĩ con tôi mắc (hoặc không mắc) tự kỷ?
    • Có cách nào để xác định chẩn đoán không?
    • Nếu con tôi thực sự mắc tự kỷ, thì mức độ nghiêm trọng như thế nào?
    • Tôi có thể quan sát thấy những thay đổi gì ở con tôi trong thời gian tới?
    • Những phương pháp điều trị hoặc chăm sóc đặc biệt nào mà trẻ tự kỷ cần?
    • Con tôi sẽ cần ở mức độ nào và cần loại chăm sóc y tế thường xuyên nào?
    • Có những loại hỗ trợ nào sẵn có cho gia đình của trẻ mắc tự kỷ?
    • Làm thế nào tôi có thể tìm hiểu thêm về rối loạn tự kỷ?

Bạn có thể trông đợi những gì từ bác sĩ của con bạn
Bác sĩ của con bạn có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi. Hãy sẵn sàng trả lời chúng nhằm dành thời gian cho những vấn đề mà bạn muốn tập trung. Bác sĩ có thể hỏi:

  • Trẻ có những hành vi đặc biệt nào khiến bạn phải đưa trẻ đi khám ngày hôm nay?
  • Lần đầu tiên bạn nhận thấy những triệu chứng này ở con bạn là khi nào? Có những dấu hiệu đáng chú ý nào khác không?
  • Những hành vi này diễn ra liên tục hay chỉ thỉnh thoảng?
  • Trẻ có triệu chứng nào khác mà có vẻ không liên quan đến rối loạn tự kỷ không, chẳng hạn như các vấn đề về dạ dày?
  • Có điều gì có vẻ giúp cải thiện các triệu chứng của con bạn không?
  • Có điều gì có vẻ làm các triệu chứng của con bạn xấu đi không?
  • Lần đầu tiên trẻ biết bò, biết đi, biết nói là khi nào?
  • Con của bạn có bị chậm nói?
  • Một số hoạt động yêu thích của trẻ là gì? Trong số đó, có hoạt động nào mà trẻ thích hơn hẳn không?
  • Con bạn giao tiếp với bạn, với anh chị em và với những đứa trẻ khác như thế nào? Con bạn có biểu hiện yêu thích với ai khác không, có giao tiếp bằng mắt không, có cười hay muốn chơi với người khác không?
  • Bạn có từng nhận thấy một sự thay đổi nào về mức độ thất vọng của trẻ đối với sự thay đổi môi trường xung quanh?
  • Con của bạn có tiền sử gia đình mắc các bệnh như rối loạn tự kỷ, chậm nói, hội chứng Rett, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu hoặc rối loạn cảm xúc khác không?

Nếu bạn đang băn khoăn, nghi ngờ bé có thể mắc bệnh tự kỷ, hãy trao đổi mối quan tâm, lo lắng với Bác sĩ của Wellcare.

Nguyên nhân gây tự kỷ là gì?

Tự kỷ không do nguyên nhân đơn lẻ, và nguyên nhân thực sự vẫn chưa được rõ. Do sự phức tạp của bệnh, và thực tế là các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh rất thay đổi, nên bệnh được nghĩ do nhiều nguyên nhân gây ra. Cả yếu tố di truyền và yếu tố môi trường đều có thể liên quan.

  • Các vấn đề về di truyền. Một số gen có liên quan đến rối loạn tự kỷ. Một vài gen dường như làm trẻ nhạy cảm hơn với rối loạn này, trong khi một số khác lại ảnh hưởng đến sự phát triển của não hoặc đến quá trình trao đổi thông tin giữa các tế bào não. Một số gen khác lại có thể quyết định mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Mỗi bất thường gen riêng rẽ có thể chỉ chịu trách nhiệm cho một số ít trường hợp rối loạn, nhưng nếu kết hợp với nhau, ảnh hưởng của gen trở nên đáng kể. Một số bất thường di truyền có khả năng di truyền từ bố mẹ, trong khi một số khác xảy ra một cách ngẫu nhiên.
  • Yếu tố môi trường. Các nhà nghiên cứu hiện đang tìm hiểu xem các yếu tố như nhiễm virus, biến chứng trong quá trình mang thai và các chất gây ô nhiễm không khí có đóng vai trò trong việc khởi phát rối loạn tự kỷ hay không.

Không có sự liên quan giữa vắc-xin và rối loạn tự kỷ
Một trong những tranh cãi lớn nhất về rối loạn tự kỷ xoay quanh việc liệu có tồn tại mối liên quan giữa rối loạn tự kỷ với một số vắc-xin được tiêm phòng cho trẻ nhỏ hay không, đặc biệt là vắc-xin phòng bệnh sởi-quai bị-rubella (MMR). Mặc dù đã được nghiên cứu khá sâu, hiện vẫn chưa có nghiên cứu đáng tin cậy nào cho thấy mối liên hệ giữa rối loạn tự kỷ và vắc-xin MMR.
Không cho trẻ tiêm chủng vắc-xin có thể đặt con bạn trước nguy cơ nguy hiểm bị mắc và lây lan những bệnh nghiêm trọng, bao gồm cả bệnh ho gà, bệnh sởi hoặc quai bị.

Yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ?

Tự kỷ ảnh hưởng đến trẻ em thuộc mọi chủng tộc và quốc gia, nhưng có một số yếu tố nhất định làm tăng nguy cơ mắc bệnh của trẻ, bao gồm:

  • Giới tính. Trẻ nam có nguy cơ phát triển rối loạn tự kỷ cao gấp 4-5 lần so với trẻ nữ.
  • Tiền sử gia đình. Những gia đình có một trẻ mắc tự kỷ sẽ tăng nguy cơ có một đứa con khác cũng mắc rối loạn này. Và cũng khá thường gặp tình huống cha mẹ hoặc người thân của trẻ mắc tự kỷ cũng có những vấn đề nhẹ về kỹ năng xã hội hoặc giao tiếp, hoặc có đôi chút hành vi thuộc tự kỷ.
  • Các rối loạn khác. Trẻ mắc một số tình trạng bệnh lý nhất định có nguy cơ mắc rối loạn tự kỷ cao hơn bình thường. Những tình trạng này gồm hội chứng nhiễm sắc thể X dễ gãy; những rối loạn di truyền ảnh hưởng sự phát triển trí tuệ; bệnh xơ cứng củ với biểu hiện gồm các khối u lành tính phát triển trong não; hội chứng Tourette; động kinh.
  • Tuổi bố mẹ. Dường như cũng có mối liên kết giữa rối loạn tự kỷ và tuổi của bố mẹ khi sinh con, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định mối liên kết này.
bệnh tự kỷ

Điều trị tự kỷ

Không có điều trị nào giúp chữa khỏi hoàn toàn rối loạn tự kỷ cũng như không có một phương pháp điều trị nào có thể áp dụng với tất cả các trường hợp trẻ mắc bệnh. Những điều trị cần lưu ý cho con bạn tại nhà, tại trường cùng các can thiệp khác cho trẻ tự kỷ dàn trải rất rộng.
Mục tiêu điều trị là để con bạn đạt được cao nhất khả năng thực hiện những hoạt động chức năng bằng cách giảm các triệu chứng của tự kỷ và hỗ trợ sự phát triển, học tập của trẻ. Bác sĩ có thể giúp xác định những nguồn hỗ trợ có trong khu vực của bạn. Lựa chọn điều trị có thể bao gồm:

  • Trị liệu hành vi và giao tiếp. Nhiều chương trình trị liệu nhắm vào phạm vi của những khó khăn về xã hội, ngôn ngữ và hành vi có liên quan đến rối loạn tự kỷ. Một số chương trình lại tập trung vào việc giảm các vấn đề về hành vi và dạy kỹ năng mới. Những chương trình khác tập trung vào việc dạy cho trẻ cách cư xử trong những tình huống xã hội hoặc làm thế nào để giao tiếp tốt hơn với những người khác. Mặc dù biểu hiện rối loạn tự kỷ không phải luôn luôn giảm khi trẻ lớn lên, nhưng thông qua những trị liệu này trẻ có thể học cách để thực hiện tốt chức năng trong hành vi và giao tiếp.
  • Trị liệu giáo dục. Trẻ em mắc chứng tự kỷ thường đáp ứng tốt với các chương trình giáo dục có cấu trúc cao. Những chương trình thành công thường bao gồm một đội ngũ nhiều chuyên gia cùng với các hoạt động đa dạng nhằm giúp cải thiện kỹ năng xã hội, giao tiếp và hành vi. Trẻ thuộc lứa tuổi mẫu giáo nếu nhận được sự can thiệp tích cực về hành vi đối với từng cá nhân thì thường có tiến triển tốt.
  • Liệu pháp gia đình. Cha mẹ và các thành viên trong gia đình của trẻ mắc bệnh có thể học cách chơi đùa và tương tác với trẻ nhằm giúp thúc đẩy các kỹ năng tương tác xã hội của trẻ, kiểm soát những hành vi có vấn đề, đồng thời dạy cho trẻ những kỹ năng sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày.
  • Thuốc. Không có thuốc nào có thể cải thiện các dấu hiệu chính của rối loạn tự kỷ, nhưng một số thuốc có thể giúp kiểm soát các triệu chứng. Ví dụ, thuốc chống trầm cảm có thể được kê đơn khi trẻ có biểu hiện lo âu, và thuốc an thần đôi khi được dùng để điều trị các vấn đề nghiêm trọng thuộc về hành vi. Một số loại thuốc khác có thể được kê đơn nếu con bạn có biểu hiện tăng động (hiếu động quá mức).

Kiểm soát các tình trạng bệnh lý khác
Trẻ em mắc rối loạn tự kỷ cũng có thể mắc đồng thời các bệnh lý khác, như động kinh, rối loạn giấc ngủ, sở thích thực phẩm giới hạn hoặc các vấn đề về dạ dày. Hãy hỏi bác sĩ của trẻ làm thế nào để phối hợp kiểm soát tốt nhất các rối loạn này. Hãy bảo đảm cập nhật thông tin về bất cứ loại thuốc hay thuốc bổ nào mà con bạn đang dùng cho bác sĩ của trẻ, vì một số thuốc và thuốc bổ có thể tương tác gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm.
Thanh niên và thiếu niên mắc rối loạn tự kỷ có thể gặp rắc rối với những thay đổi của cơ thể, với các biểu hiện dậy thì hoặc trưởng thành, với nhận thức xã hội gia tăng. Trong tình huống này bạn có thể yêu cầu giúp đỡ từ các chuyên viên sức khỏe cho trẻ, các tổ chức dịch vụ và hỗ trợ cộng đồng.

Liệu pháp thay thế

Vì rối loạn tự kỷ không thể chữa khỏi, nên nhiều bậc cha mẹ tìm kiếm những liệu pháp thay thế và bổ sung. Tuy nhiên, hầu như không có nghiên cứu nào cho thấy tính hiệu quả của những phương pháp điều trị này. Vì vậy, nếu áp dụng những phương pháp này, bạn có thể vô tình làm nặng hơn các hành vi tiêu cực của trẻ. Và một số liệu pháp thay thế thậm chí còn có thể gây nguy hiểm.
Thảo luận với bác sĩ của trẻ về các bằng chứng khoa học của bất kỳ liệu pháp thay thế nào mà bạn đang cân nhắc dùng cho con mình. Những ví dụ về các phương pháp điều trị bổ sung và thay thế bao gồm:

  • Trị liệu sáng tạo. gồm nghệ thuật trị liệu hoặc âm nhạc trị liệu. Một số cha mẹ lựa chọn trị liệu này để bổ sung thêm cho can thiệp về giáo dục và y tế với mục tiêu nhằm giảm sự nhạy cảm của trẻ đối với sờ, chạm hoặc âm thanh.
  • Trị liệu dựa trên cảm giác. Phương pháp điều trị này dựa trên lý thuyết những người bị rối loạn tự kỷ có rối loạn về xử lý cảm giác, do đó gây ra những vấn đề về dung nạp và xử lý thông tin thuộc về cảm giác, chẳng hạn như cảm giác sờ, thăng bằng và thính giác. Các nhà trị liệu sử dụng bàn chải, những đồ chơi có thể ép hoặc bóp, đệm nhún lò xo và các vật khác để kích thích những giác quan này và tổ chức lại hệ thống cảm giác. Rối loạn xử lý cảm giác không phải là một chẩn đoán chính thức, và người ta cũng không rõ liệu rối loạn này có thực sự là vấn đề mà người mắc rối loạn tự kỷ trải qua hay không. Những nhà nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được tính hiệu quả của phương pháp điều trị này, tuy nhiên nó có thể mang lại một số lợi ích khi được sử dụng cùng với các phương pháp điều trị khác.
  • Chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Một số thiết kế về chế độ dinh dưỡng đã được đề xuất đối với rối loạn tự kỷ, nhưng cần tiến hành nhiều nghiên cứu để xem hiệu quả của nó đối với những dấu hiệu và triệu chứng của tự kỷ. Để tìm hiểu thêm, hãy nói chuyện với một chuyên gia dinh dưỡng có chuyên môn về chứng tự kỷ.
  • Loại bỏ kim loại nặng. Phương pháp điều trị này nhằm loại bỏ thủy ngân và các kim loại nặng khác ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, vẫn chưa có mối liên kết nào được biết giữa thủy ngân và rối loạn tự kỷ. Phương pháp điều trị này chưa được chứng minh bằng các nghiên cứu khoa học, và có thể rất nguy hiểm. Một số trường hợp trẻ bị tử vong khi được điều trị bằng phương pháp này.
  • Châm cứu. Điều trị này được dùng với mục đích cải thiện các triệu chứng của tự kỷ. Tuy nhiên, tính hiệu quả của điều trị bằng châm cứu đối với rối loạn tự kỷ vẫn chưa được chứng minh.

Đối phó và hỗ trợ

Nuôi dưỡng và chăm sóc một trẻ mắc tự kỷ có thể rất mệt mỏi cả về thể chất lẫn kiệt quệ về mặt tình cảm. Những đề nghị sau có thể giúp bạn:

  • Tìm một đội ngũ chuyên gia đáng tin cậy. Bạn sẽ cần phải đưa ra một quyết định quan trọng về giáo dục và điều trị cho trẻ. Đội ngũ tham gia điều trị cho con bạn bao gồm nhân viên xã hội, giáo viên và các nhà trị liệu, phối hợp cùng với bác sĩ của trẻ. Họ là những người có thể tìm giúp và giải thích các nguồn hỗ trợ có trong khu vực bạn sinh sống. Đội ngũ này cũng có thể bao gồm cả người quản lý các trường hợp mắc bệnh, hoặc điều phối viên các Sở, Ban, Ngành, là những người có thể giúp bạn tiếp cận với những nguồn hỗ trợ tài chính hoặc các chương trình của chính phủ dành cho trẻ tự kỷ.
  • Hãy dành thời gian cho bản thân và các thành viên khác trong gia đình. Chăm sóc một đứa trẻ mắc rối loạn tự kỷ có thể là một công việc suốt ngày đêm, gây sức ép lên các mối quan hệ cá nhân của bạn và toàn thể gia đình. Để tránh kiệt sức, hãy dành thời gian để thư giãn, tập thể dục hay tận hưởng những hoạt động yêu thích của riêng mình. Cố gắng sắp xếp dành thời gian riêng cho từng đứa con khác của bạn cũng như cố gắng dành một ít thời gian buổi tối cho người bạn đời của bạn, cho dù chỉ là cùng nhau xem một bộ phim sau khi các con đã đi ngủ.
  • Tìm kiếm những gia đình khác cũng có con mắc rối loạn tự kỷ. Những gia đình khác cũng có trẻ mắc rối loạn tự kỷ có thể cho bạn những lời khuyên hữu ích. Nhiều cộng đồng còn có các nhóm hỗ trợ dành cho cha mẹ và anh chị em của trẻ mắc rối loạn tự kỷ.
  • Hãy tìm hiểu về rối loạn tự kỷ. Có rất nhiều lời đồn đoán cũng như những quan niệm sai lầm về rối loạn tự kỷ. Có kiến thức đúng về rối loạn này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về con mình và những nỗ lực của trẻ để giao tiếp. Theo thời gian, bạn sẽ dường như cảm thấy được tưởng thưởng bằng việc chứng kiến con mình lớn lên, học tập, và thậm chí là thể hiện tình cảm theo cách riêng của trẻ.
  • Hãy lưu giữ một cách có tổ chức những bản báo cáo , hồ sơ của những lần đưa trẻ đi khám. Con bạn có thể được hẹn gặp, thăm khám, đánh giá bởi các chuyên gia trong đội ngũ chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Việc cất giữ những bản báo cáo của những lần thăm khám và đánh giá này một cách có tổ chức sẽ giúp bạn quyết định lựa chọn phương pháp điều trị và theo dõi sự tiến bộ của con mình.
  • Cập nhật thông tin về những kỹ thuật và phương pháp điều trị mới. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu những cách tiếp cận mới để giúp trẻ mắc rối loạn tự kỷ. Hãy truy cập website của Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention), đọc về rối loạn tự kỷ và những rối loạn nằm trong phổ tự kỷ để biết những thông tin hữu ích và đường dẫn đến những nguồn hỗ trợ dành cho trẻ tự kỷ.

Phòng chống

Không có cách nào để phòng chống rối loạn tự kỷ. Nhưng rối loạn tự kỷ có thể điều trị hỗ trợ, giúp trẻ có thể cải thiện kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng xã hội.
Nếu con bạn được chẩn đoán mắc rối loạn tự kỷ, hãy nói chuyện với các chuyên gia về việc lập chiến lược điều trị cho trẻ. Hãy nhớ rằng bạn có thể cần phải thử vài phương pháp điều trị khác nhau trước khi tìm ra những phương pháp nào là tốt nhất cho trẻ.

trẻ bị tự kỷ

Biên dịch - Hiệu đính:

Nguồn: Y học cộng đồng

- 25-03-2021 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Ung thư tuỵ hình thành khi có sự gia tăng các tế bào bất thường ở tuỵ. Tuỵ là một tuyến nằm sau dạ dày, ngay trước cột sống. Đây là nơi tiết ra dịch tuỵ có vai trò giúp tiêu hóa thức ăn, đồng thời tạo ra hormone, bao gồm insulin giúp kiểm soát đường
  • 28-05-2018
    Viêm phổi do nhiễm trùng bào tử Pneumocystis (tên tiếng anh là Pneumocystis Pneumonia, viết tắt là PCP) là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng gây viêm và tích tụ chất dịch trong phổi. PCP được gây ra bởi một loại nấm tên Pneumocystis jiroveci. Loại nấm
  • 28-05-2018
    1- Khai thông đường hô hấp: hút đàm dãi - đặt nội khí quản - mở khí quản. Dẫn lưu xoang màng phổi khi có tràn khí hoặc tràn máu xoang màng phổi. 2- Bồi hoàn thể tích tuần hoàn: cầm máu - băng ép - truyền dịch (NaCl 0,9%, Lactated Ringer...), truyền máu.
  • 28-05-2018
    Đau vai còn được gọi là đau khớp vai, đau xương bả vai, đau vai mãn tính. Cơn đau  ở vai có thể xuất phát từ khớp vai hoặc cơ bắp, dây chằng, và gân xung quanh. Đau khớp vai thường sẽ tệ hơn khi hoạt động và di chuyển cánh tay hoặc vai. Nhiều bệnh và
  • 17-10-2018

    Đó là một nhiễm trùng xương-tủy xương thứ phát từ ổ nhiễm khuẩn đầu tiên, vi khuẩn lan theo đường máu đến khu trú ở xương và gây viêm xương. ThS. Vũ Thị Tuyết Mai - Bộ Y tế

  • 18-09-2018

    Bệnh Herpes môi, đôi khi được gọi là mụn nước sốt (sốt vỉ), là đám vết phồng rộp nhỏ trên môi và xung quanh miệng. Vùng da xung quanh chỗ phồng thường đỏ, sưng lên và đau nhức. Chỗ phỏng có thể vỡ, dịch trong chảy ra và sau đó đóng vảy sau vài ngày.