Thiên đầu thống

Bệnh glôcôm (dân gian thường gọi là thiên đầu thống, ở miền Nam thường gọi 'cườm nước') là một bệnh nguy hiểm, thường gặp trong nhãn khoa. Bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng vì là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa vĩnh viễn nếu không

Bệnh thiên đầu thống là gì ?

Bệnh glôcôm (dân gian thường gọi là thiên đầu thống, ở miền Nam thường gọi 'cườm nước') là một bệnh nguy hiểm, thường gặp trong nhãn khoa. Bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng vì là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa vĩnh viễn nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Glôcôm đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù ở hầu hết các khu vực trên thế giới, thường chỉ đứng sau đục thể thủy tinh.
Bình thường trong mắt luôn có sự cân bằng giữa lượng dịch (thủy dịch) được tiết ra từ thể mi và lượng dịch được dẫn lưu ra ngoài qua một bộ phận gọi là vùng bè. Khi đường dẫn lưu ra ngoài bị cản trở sẽ gây ra tăng áp lực trong mắt và gây tổn hại lên dây thần kinh thị giác, gây ra bệnh glôcôm. Những người trên 40 tuổi; tiền sử gia đình có người bị glôcôm; người có cấu trúc giải phẫu thuận lợi: viễn thị cao, góc tiền phòng hẹp là những người có nguy cơ dễ mắc bệnh glôcôm.
Theo các nghiên cứu mang tính dự báo trong khu vực và trên thế giới, số lượng người bệnh glôcôm sẽ tăng lên đáng kể vào những năm tới. Ước tính sẽ có 80 triệu người mắc bệnh glôcôm vào năm 2020, chiếm tỷ lệ 2,86% trên quần thể dân số trên 40 tuổi. Số người mù lòa cả hai mắt do glôcôm sẽ tăng từ 8,4 triệu năm 2010 lên 11,2 triệu người vào năm 2020. Việt Nam hiện nay có khoảng 24.800 người mù do glôcôm.

Triệu chứng bệnh thiên đầu thống

Triệu chứng bệnh thiên đầu thống

Glôcôm góc đóng nguyên phát

a. Triệu chứng cơ năng
  • Đau nhức: nhức đầu, nhức mắt cùng bên.
  • Nhìn mờ: 'sương mù'.
  • Thấy quầng sáng nhiều màu sắc.
  • Buồn nôn và nôn do kích thích dây X.
b. Triệu chứng thực thể
  • Nhãn áp cao, gây phù giác mạc. Giác mạc mờ, mất bóng, thị lực giảm.
  • Cương tụ rìa (giãn phình mạch máu kết mạc).
  • Đồng tử giãn méo và mất phản xạ ánh sáng.
  • Tiền phòng nông, thủy dịch vẩn đục nhẹ Tyndall (+).
  • Có thể có phù gai thị.
  • Soi góc tiền phòng: đóng góc, dính góc.
  • Đo nhãn áp: nhãn áp cao, có thể trên 35 mmHg.
  • Soi góc thấy đóng góc

Glôcôm góc mở nguyên phát

a. Triệu chứng cơ năng
  • Xuất hiện âm thầm, tiến triển chậm, không đau.
  • Thường xảy ra ở 2 mắt.
b. Triệu chứng thực thể
  • Nhãn áp : Nhãn áp dao động, có thể tăng từng lúc.
  • Soi đáy mắt: có tổn hại gai thị: lõm teo gai, mạch máu dạt về phía mũi
  • Đo thị trường: thu hẹp
  • Soi góc tiền phòng: góc mở.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh thiên đầu thống

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh thiên đầu thống

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh glôcôm:
Glôcôm góc đóng nguyên phát
  • Gặp nhiều ở người châu Á do cấu trúc giải phẫu nhãn cầu của người châu Á nhỏ hơn người châu Âu .
  • Thường xuất hiện ở người 35 tuổi trở lên, tuổi càng cao, khả năng bị glôcôm càng lớn.
  • Giới nữ bị glôcôm góc đóng nhiều hơn nam giới, đặc biệt ở giai đoạn mãn kinh, tỉ lệ nữ giới bị glôcôm góc đóng cao gấp 4 lần nam giới.
  • Những người có nhãn cầu nhỏ như những người viễn thị nặng, giác mạc nhỏ, tiền phòng nông hoặc những người dễ xúc cảm , hay lo âu là cơ địa thuận lợi để xuất hiện cơn glôcôm.
  • Yếu tố gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán glôcôm góc đóng, khi trong gia đình có 1 người đã có cơn glôcôm cấp thì những người còn lại trong gia đình có nguy cơ cao sẽ mắc glôcôm, do vậy việc khám mắt cho những người thân của bệnh nhân glôcôm là rất quan trọng để chẩn đoán sớm và phòng bệnh.
Glôcôm góc mở nguyên phát
  • Khác với glôcôm góc đóng nguyên phát, glôcôm góc mở thường gặp hơn ở người da trắng. Bệnh thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi, tuổi càng cao nguy cơ bị glôcôm góc mở càng lớn.
  • Yếu tố di truyền trong bệnh glôcôm góc mở đã được làm sáng tỏ, những người ruột thịt của bệnh nhân glôcôm có nguy cơ mắc bệnh 5-6 lần nhiều hơn người bình thường.

Biến chứng bệnh thiên đầu thống

Biến chứng bệnh thiên đầu thống

Bệnh glôcôm là bệnh lý của dây thần kinh thị giác, do vậy các hậu quả cơ bản của nó là tổn hại chức năng thị giác thể hiện qua 2 khía cạnh: tổn hại trường nhìn (vùng mà mắt bao quát được), co hẹp từ ngoại vi, ám điểm cạnh trung tâm và tổn hại thị lực trung tâm cuối cùng sẽ dẫn đến mù lòa.
Trong một số trường hợp, mù lòa còn có thể kèm theo đau nhức dẫn đến phải bỏ mắt. Lưu ý là các tổn hại chức năng thị giác của bệnh glôcôm là không hồi phục được.

Chẩn đoán bệnh

Chẩn đoán bệnh

Các phương pháp khám và chẩn đoán glôcôm hiện đại:
  • Đo nhãn áp: Tùy từng phương pháp đo nhãn áp mà có chỉ số bình thường khác nhau. Các phương pháp đo nhãn áp tiên tiến hiện nay như phương pháp Goldmann, phương pháp đo nhãn áp không tiếp xúc cho kết quả chính xác cao. Đặc biệt trong phương pháp đo nhãn áp không tiếp xúc, còn có ưu điểm hạn chế nguy cơ bị nhiễm bệnh, rất nhanh chóng không gây đau đớn khó chịu cho bệnh nhân.
  • Soi góc tiền phòng: bằng kính soi góc, sử dụng sinh hiển vi khám bệnh cho phép phân loại thể glôcôm góc đóng hay góc mở. Hiện nay với các thiết bị chẩn đoán hiện đại như chụp OCT góc tiền phòng cho phép chẩn đoán chính xác tình trạng góc và độ đóng mở của góc, giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán và điều trị.
  • Soi đáy mắt: Kiểm tra này sẽ cho ra kết quả đánh giá mức độ tổn thương thần kinh thị: lõm teo gai thị
  • Đo thị trường tự động: Đây là phương pháp đo thị trường tiên tiến cho phép đánh giá các tổn thương của tế bào hạch thần kinh của võng mạc từ giai đoạn sớm, đồng thời cho phép đánh giá các giai đoạn của bệnh cũng như theo dõi tiến triển của bệnh.
  • Chụp OCT: các thế hệ máy chụp OCT tiên tiến ngày nay cho phép đánh giá được rất nhiều yếu tố giúp chẩn đoán bệnh Glôcôm từ giai đoạn rất sớm. OCT cho phép đánh giá tổn thương của lớp tế bào hạch, chiều dày của lớp sợi thần kinh quanh gai thị, diện tích và thể tích lõm gai, diện tích lớp viền thần kinh quanh gia còn lại… Sử dụng OCT để theo dõi quá trình điều trị bệnh cho phép phát hiện ra những biến đổi rất nhỏ, giúp bác sỹ có những phương pháp điều trị kịp thời thích hợp.

Điều trị bệnh thiên đầu thống

Điều trị bệnh thiên đầu thống

Glôcôm góc đóng nguyên phát

Điều trị glôcôm góc đóng cơn cấp phải tiến hành khẩn trương, tích cực để hạ nhãn áp , giảm đau và an thần cho bệnh nhân.
  • Tại mắt ; tra pilocarpin 1% - 2%, cứ 1h/lần, duy trì đến khi nhãn áp hạ thì tra 3-4lần/ngày.
  • Toàn thân : Uống Acetazolamid 0.25 g x 2-4 viên / 24 h
  • Nếu bệnh nhân nôn nhiều không uống được thuốc thì tiêm tĩnh mạch Diamox 500 mg x 1 ống.
Tuy nhiên điều trị nội khoa chỉ để hỗ trợ cho điều trị phẫu thuật. Cần lựa chọn phẫu thuật thích hợp tương ứng với mức độ và giai đoạn bệnh. Nếu bệnh nhân đến sớm, nhãn áp điều chỉnh bằng thuốc tra Pilocarpin, góc tiền phòng đóng dưới 180 độ thì có chỉ định cắt mống mắt chu biên bằng laser hoặc phẫu thuật. Phẫu thuật lỗ dò đặt ra khi bệnh nhân đến muộn, mặc dù có dùng thuốc góc tiền phòng vẫn đóng trên 180 độ.
Glôcôm góc đóng nếu không được điều trị kịp thời thì cơn kịch phát sẽ tái diễn nhiều lần, bệnh tiến triển một cách trầm trọng dẫn tới mù loà.

Glôcôm góc mở nguyên phát

Mục đích điều trị glôcôm góc mở là hạ nhãn áp xuống dưới mức có thể gây tổn hại thêm cho thị thần kinh và chức năng thị giác. Cần lựa chọn phương pháp điều trị an toàn nhất, ít ảnh hưởng đến đời sống bệnh nhân nhất. Điều trị glôcôm góc mở luôn bắt đầu bằng các thuốc tra tại chỗ, bằng laser. Điều trị phẫu thuật chỉ đặt ra khi áp dụng các biện pháp trên không kết quả.
Hiện nay có rất nhiều nhóm thuốc tra mắt điều trị glôcôm góc mở :
  • Nhóm huỷ beta-adrenergic: cơ chế là làm giảm tiết thuỷ dịch, biệt dược phổ biến trên thị trường là Betoptic( 0,25%; 0,5%), Timolol ( 0,25%; 0,5%)……..
  • Nhóm cường adrenergic : cơ chế làm tăng lưu thông thuỷ dịch qua vùng bè và qua đường màng bồ đào-củng mạc. Biệt dược là Epinephrin ( 0,25% - 2%), Alphagan P 0,15%.....
  • Nhóm cường cholinergic : cơ chế làm co rút cơ thể mi, kéo vào cựa củng mạc và vùng bè, do đó làm tăng lưu thông thuỷ dịch. Biệt dược là pilocarpin ( 0,5% - 4%).
  • Nhóm prostaglandin: có tác dụng hạ nhãn áp rất tốt bằng tăng lưu thông thuỷ dịch qua đường màng bồ đào – củng mạc. Biệt dược là Travatan 0,004% , Lumigan 0,03%...
Tuy nhiên điều trị bằng các thuốc tra tại chỗ đòi hỏi bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt liệu trình điều trị trong suốt cuộc đời dưới sự theo dõi định kỳ của bác sỹ, 3 – 6 tháng / lần. Đối với những bệnh nhân nghèo, không đủ khả năng kinh tế để dùng thuốc suốt đời, hoặc những bệnh nhân ở quá xa, điều kiện đi lại khó khăn, nên xem xét để điều trị phẫu thuật cho bệnh nhân.

Phòng ngừa bệnh thiên đầu thống

Phòng ngừa bệnh thiên đầu thống

Nguyên nhân gây bệnh này chưa rõ ràng nên rất khó phòng ngừa. Tuy nhiên, người bệnh có thể phòng tránh mù lòa do bệnh này bằng cách: hiểu biết về bệnh, phát hiện sớm, điều trị kịp thời và theo dõi thường xuyên.
Bệnh có các triệu chứng đặc hiệu như: đau nhức mắt, đau lan lên đầu cùng bên, có thể gây buồn nôn hoặc nôn, nhìn mờ, nhìn đèn thấy quầng xanh đỏ...
Tuy nhiên, có những trường hợp mắc bệnh nhưng triệu chứng rất mơ hồ, chỉ thấy mắt mờ dần, các biểu hiện khác không rõ, vì thế người dân, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ mắc cao là những người trên 35 tuổi, có người nhà mắc bệnh, có tiền sử dùng corticoid kéo dài (tra mắt hoặc bôi toàn thân), người bệnh đái tháo đường, cao huyết áp... cần luôn phải lưu ý, theo dõi và đi khám mắt định kỳ: 3 - 6 tháng/1 lần.

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Herpes sinh dục, hay mụn giộp sinh dục, là một loại bệnh phổ biến lây truyền qua đường tình dục (STIs) do virus Herpes (HSV) gây ra. Có 2 loại HSV là loại 1 và loại 2. Loại 1 thường gây sưng, nhức ở miệng và có thể lây sang vùng sinh dục. Loại 2 chủ
  • 28-05-2018
    Bệnh nữ hóa tuyến vú ở nam giới là sự phát triển ngực bất thường ở nam giới. Đây là một sự rối loạn của các hormone estrogen và testosterone dẫn đến các mô vú phát triển quá mức. Nhìn chung, đây không phải là bệnh nghiêm trọng và chỉ ảnh hưởng đến vấn
  • 28-05-2018
    Shigella là một nhóm các vi trùng (vi khuẩn) có thể gây ra viêm dạ dày ruột với bệnh lỵ. Viêm dạ dày ruột là một bệnh nhiễm trùng đường ruột. Tiêu chảy là một trong những triệu chứng của viêm dạ dày ruột. Nếu bị tiêu chảy mà phân có chứa máu và chất
  • 28-05-2018
    Nhiễm Giardia là bệnh nhiễm trùng ruột non phổ biến gây ra bởi ký sinh trùng Giardia lamblia, đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tiêu chảy. Bệnh này thường biến mất sau vài tuần và không gây nghiêm trọng gì. Tuy nhiên, đôi khi bạn sẽ
  • 28-05-2018
    Trẻ em bị mắc bệnh Kawasaki thông thường phải mất vài tuần mới có thể hồi phục. Sau khi trẻ ra viện, bạn sẽ cần phải chăm sóc trẻ tại nhà cho đến khi trẻ hồi phục hoàn toàn.
  • 28-05-2018
    Lác mắt là bệnh lý của mắt mà hai mắt không nhìn thẳng được và nhìn theo các hướng khác nhau. Một mắt có thể nhìn thẳng về phía trước, trong khi mắt kia nhìn vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống dưới. Sự chuyển hướng nhìn của mắt có thể cố định,