Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, từ động vật lây sang người, do trực khuẩn than (Bacillus anthracis) gây ra. Biểu hiện lâm sàng ở người là hội chứng nhiễm khuẩn-nhiễm độc toàn thân nặng, tổn thương thường gặp là ở da. Thể hô hấp và tiêu hóa ít

Bệnh than là gì ?

Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, từ động vật lây sang người, do trực khuẩn than (Bacillus anthracis) gây ra.
Biểu hiện lâm sàng ở người là hội chứng nhiễm khuẩn-nhiễm độc toàn thân nặng, tổn thương thường gặp là ở da. Thể hô hấp và tiêu hóa ít gặp nhưng rất nặng với tỷ lệ tử vong cao.
Bệnh than là một trong những bệnh được xếp vào nhóm bệnh 'đặc biệt nguy hiểm'. Vi khuẩn than dễ được nghiên cứu sử dụng trong chiến tranh sinh học.
Những mô tả đầu tiên về bệnh than được biết từ năm 1491 trước công nguyên, gây bệnh trên cả động vật và người. Đến thế kỷ thứ 17, dịch bệnh đã làm nhiều người và động vật chết trên khắp Châu Âu.
Năm 1881, Pasteur nghiên cứu chế tạo vacxin và 1939 Sterne đã chế tạo thành công vacxin bệnh than.
Khu vực nguy cơ cao là các quốc gia Nam và Trung Phi, Nam và Đông Âu, Châu Á, Châu Phi, Caribê và Trung Đông.

Triệu chứng, biểu hiện bệnh than

Triệu chứng, biểu hiện bệnh than

Ảnh minh họa

Tùy theo đường vào của vi khuẩn, bệnh được chia làm 3 thể:

  1. Bệnh than ngoài da: Gây tổn thương da dạng mụn rồi vết loét, hầu như không đau. Đây là dạng nhẹ nhất, nhưng nếu không được điều trị, bệnh có thể lan rộng và gây nhiễm trùng huyết, dẫn tới tử vong trong 1/20 trường hợp.
  2. Bệnh than đường ruột: Có các biểu hiện ngộ độc thức ăn nặng nề. Bệnh nhân có thể sốt và bị nhiễm trùng huyết. Bệnh thường dẫn tới tử vong.
  3. Bệnh than dạng phổi: Rất hiếm gặp và có tỷ lệ tử vong cao. Thông thường, người bệnh bắt đầu có triệu chứng sau khi nhiễm vi khuẩn 1-6 ngày. Trong những trường hợp điển hình, bệnh nhân có thể phục hồi tạm thời, sau đó lại bị nặng lên. Đôi khi, triệu chứng này có thể kéo dài hàng tuần nếu bào tử không nở ngay. Bệnh than thể phổi thường trải qua 2 giai đoạn:

 

  • Giai đoạn 1 kéo dài vài giờ đến vài ngày, bao gồm các triệu chứng cảm cúm như sốt, ho, mệt mỏi và đau ngực.
  • Giai đoạn 2: Tổn thương phổi khiến bệnh nhân khó thở. Sau đó người bệnh rơi vào tình trạng sốc, có thể có nhiễm trùng não. Bệnh thường kết thúc bằng tử vong trong vòng vài ngày. Nếu phát hiện sớm, bệnh có thể được chữa khỏi bằng kháng sinh. Nếu không điều trị, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 80-90%.

Quan niệm cho rằng bào tử than luôn gây viêm phổi là không đúng. Hiện tượng này không điển hình. Trong phần lớn trường hợp, sau khi được hít vào, bào tử sẽ tới những phần nhỏ nhất của phổi là phế nang. Từ đó, nó giải phóng độc tố, tác động lên hệ lympho, và sau đó đi vào máu. Trong hơn 1/2 trường hợp, bệnh sẽ lan tới não. Bệnh nhân thường tử vong do suy hô hấp hoặc nhiễm trùng huyết.
Những nghiên cứu trước đó cho thấy một lượng 2.500-55.000 bào tử đủ để giết chết một nửa số người hít phải chúng. Chỉ có 18 ca bệnh than dạng phổi được ghi nhận từ năm 1900 đến 1976. Trong suốt 25 năm sau đó, người ta đã không phát hiện được thêm một ca bệnh nào. Tuy nhiên, kể từ ngày 2/10, Mỹ đã liên tục phát hiện 3 người nhiễm vi khuẩn than ở đường hô hấp, 1 người trong đó đã tử vong ngày 5/10.

Nguyên nhân bệnh than

Nguyên nhân bệnh than

Ảnh minh họa

Mầm bệnh

Trực khuẩn than (Bacillus anthracis) gram (+), thuộc họ Bacillaceae, là trực khuẩn lớn (3-10 x 1-1,5 mcm), có vỏ bọc, không di động. Các trực khuẩn than thường đứng với nhau thành chuỗi, chung một vỏ bọc, như hình 'đoạn tre'.
Ở đất, trực khuẩn tạo thành nha bào hình bầu dục, kích thước nhỏ hơn và có thể tồn tại hàng chục năm trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Nhưng nha bào dễ bị diệt khi đun sôi trong 10 phút hoặc các chất giầu oxy (thuốc tím, H2O2...).
Ở môi trường thạch máu, B. anthracis màu trắng xám, khuẩn lạc xù xì, không tan máu hoặc tan máu yếu. Ngược lại, ở môi trường giầu CO2 (Natri bicarbonat), khuẩn lạc nhẵn.
Độc tố của B. anthracis gọi là độc tố anthrax (anthrax-toxin), gồm có 3 protein liên kết lại với nhau. Vỏ (polypeptid) có tác dụng chống thực bào.

Nguồn bệnh

Là động vật nuôi, chủ yếu là động vật ăn cỏ: Trâu, bò, ngựa, lừa, cừu, dê, lạc đà, hươu... bị bệnh. Khi chết, các động vật này làm lây lan mầm bệnh ra môi trường xung quanh. Nha bào có thể tồn tại lâu dài, nhiều năm ở đất, da súc vật đã thuộc, lông động vật, thịt đóng hộp, xông khói...
Các động vật khác như lợn, chuột... cũng có thể là nguồn bệnh.

Đường lây

Đường lây chủ yếu là đường da-niêm mạc (da sây sát và niêm mạc), do tiếp xúc với mầm bệnh từ các động vật bị bệnh, chết hoặc các sản phẩm từ các động vật này (da, lông...) hoặc nha bào ở đất (lây gián tiếp).
Thứ yếu: Lây qua đường hô hấp do hít phải bụi có nha bào than (gặp trong xưởng thuộc da, chế biến lông động vật...). Trong chiến tranh sinh học, kẻ địch thường áp dụng đường lây hô hấp (phun nha bào than dạng aerosol).
Đường tiêu hóa: do ăn thịt nhiễm mầm bệnh.
Có tài liệu đề cập đến lây theo đường máu qua các côn trùng hút máu (ruồi trâu, ruồi vàng...).
Cơ thể cảm thụ
Mọi người, mọi lứa tuổi đều có khả năng bị bệnh như nhau.
Sau mắc bệnh, có miễn dịch tương đối bền vững (hầu như không mắc lại)
Đối tượng dễ mắc bệnh là nông dân, thú y, công nhân các lò sát sinh, các trại chăn nuôi trâu, bò, cừu... các xưởng thuộc da, chế biến lông động vật...
Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng hay gặp dịch vào mùa hè. Những trường hợp mắc bệnh do lây từ các đồ làm bằng da, lông súc vật... có thể là tản phát.

Yếu tố nguy cơ gây bệnh than

Yếu tố nguy cơ gây bệnh than

Vi khuẩn than thường được tìm thấy trong đất, nước và ở các loài móng guốc. Nó có thể tồn tại, lan truyền trong không khí. Vi khuẩn hoặc bào tử bệnh than thâm nhập cơ thể người qua 3 con đường:
  • Da: Chiếm 95% trường hợp, thông qua tiếp xúc trực tiếp với con vật bị bệnh hay đất chứa vi khuẩn hoặc bào tử của nó.
  • Hệ tiêu hóa: Nuốt phải vi khuẩn có trong thịt của con vật nhiễm bệnh.
  • Hệ hô hấp: Hít phải bào tử qua mũi.
Đối tượng có nguy cơ cao nhất là những người tiếp xúc trực tiếp với các con vật đã chết như nhân viên lò mổ và thợ thuộc da. Bệnh không truyền từ người sang người.

Chẩn đoán bệnh than

Chẩn đoán bệnh than

Chẩn đoán xác định

Dựa vào lâm sàng (chủ yếu là thể da), dịch tễ, nhưng ý nghĩa quyết định cho chẩn đoán là xét nghiệm đặc hiệu:
  • Nhuộm-soi: (kỹ thuật này chỉ có giá trị định hướng). Bệnh phẩm là dịch máu ở nốt phổng mụn than, đờm, nước tiểu, phân, chất nôn, dịch tổ chức...
  • nhuộm gram tìm vi khuẩn: gram (+). Nhuộm Ziehl - Neelson: phát hiện nha bào.
  • Cấy tìm vi khuẩn.
  • Chẩn đoán nhanh bằng phương pháp miễn dịch huỳnh quang.
  • Phản ứng da với kháng nguyên anthraxcin: tiêm trong da 0,1ml kháng nguyên chiết xuất từ màng ngoài của vi khuẩn (anthraxcin). Nếu có miễn dịch với bệnh than thì tại chỗ tiêm nổi quầng đỏ đường kính >3cm.

Chẩn đoán phân biệt

Thể da của bệnh than với dịch hạch: Tuy đều có biểu hiện nhiễm khuẩn-nhiễm độc nặng, hạch sưng; nhưng trong dịch hạch, hạch sưng to và rất đau, hoá mủ và vỡ...
Loét của bệnh than với loét trong bệnh tularemia hoặc loét do tụ cầu khuẩn: khác với bệnh than, loét trong bệnh tularemia và tụ cầu không có vảy, phù nề ít và chỉ quanh vết loét, đau ít hơn...
Loét của sốt mò: giống nhau là cùng có vảy đen, nhưng nhỏ hơn, không phù nề xung quanh, không có phổng nước thứ phát, bạch cầu thường không tăng...

Điều trị bệnh than

Điều trị bệnh than

Bệnh có thể chữa khỏi bằng kháng sinh, nhất là thể ngoài da. Tuy nhiên, thuốc sẽ chỉ có hiệu quả nếu được sử dụng ngay sau khi nhiễm bệnh qua đường tiêu hóa hoặc hô hấp. Nếu không, nguy cơ thành công sẽ giảm rất nhiều.
Kháng sinh được lựa chọn là ciprofloxacin (Cipro). Nó tỏ ra hiệu quả với nhiều chủng vi khuẩn than. Với bệnh nhân dạng phổi, phải dùng thuốc ở liều rất cao. Nếu thành công, việc điều trị phải được tiếp tục trong 60 ngày để đảm bảo là các bào tử đã nở và bị tiêu diệt hết.
Chế độ điều trị tương tự cũng được áp dụng với những người đã tiếp xúc với vi khuẩn than nhưng chưa nhiễm bệnh.

Phòng ngừa bệnh than

Phòng ngừa bệnh than

Tiêm phòng là cách dễ chấp nhận nhất để đối phó với bệnh than. Vắc-xin phòng bệnh tỏ ra hiệu quả trong 93% trường hợp. Thử nghiệm trên khỉ cho thấy, sau khi tiêm chủng 8 và 38 tuần, hiệu quả phòng bệnh là 100%. Sau 100 tuần, tỷ lệ này còn 88%.
Lịch tiêm chủng: Tiêm vào tuần 0, 2 và 4, rồi vào tháng 6, 12 và 18. Sau đó phải tiêm nhắc lại mỗi năm 1 lần.
Tại Mỹ chỉ có một hãng duy nhất sản xuất vacxin này. Hiện tại, vacxin chỉ được dùng cho quân nhân.

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Hội chứng ống trụ là tình trạng dây thần kinh trụ tại khuỷu tay bị tổn thương khi có áp lực đè lên nó. Dây thần kinh trụ là một dây thần kinh chạy dài theo xương cánh tay sang xương trụ. Các hoạt động của khuỷu tay làm cho dây thần kinh phải co dãn và
  • 28-05-2018
    Nhiễm khuẩn âm đạo, hay viêm âm đạo do vi trùng, là tình trạng số lượng vi khuẩn trong âm đạo phát triển quá mức. Sự phát triển quá mức này của vi khuẩn ở âm đạo có thể gây kích ứng, sưng, viêm, có mùi hôi (sau khi quan hệ tình dục) và các triệu chứng
  • 28-05-2018
    Là bệnh da thông thường, biểu hiện tình trạng viêm da mạn tính với vảy da bóng mỡ trên nền da đỏ xuất hiện ở vùng da có nhiều tuyến bã hoạt động như da đầu, mặt, vùng trước xương ức, vùng liên bả vai… Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh diễn biến dai
  • 28-05-2018
    Herpes sinh dục, hay mụn giộp sinh dục, là một loại bệnh phổ biến lây truyền qua đường tình dục (STIs) do virus Herpes (HSV) gây ra. Có 2 loại HSV là loại 1 và loại 2. Loại 1 thường gây sưng, nhức ở miệng và có thể lây sang vùng sinh dục. Loại 2 chủ
  • 28-05-2018
    Cao huyết áp là bệnh lí ngày càng phổ biến và gây ra nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có bệnh lí võng mạc, gây ảnh hưởng đến thị lực nếu huyết áp không được kiểm soát tốt. Võng mạc là lớp mô nằm ở mặt sau của mặt. Lớp này biến đổi ánh sáng
  • 28-05-2018
    Viêm da do ánh nắng là phản ứng viêm da cấp hay mạn tính vì tiếp xúc quá nhiều hoặc nhạy cảm với ánh nắng. Bệnh do nhạy cảm ánh nắng ở những người dễ bị cháy nắng hơn bình thường, hoặc dị ứng với ánh sáng, tổn thương là các sẩn hay mụn nước.