Loét do tiểu đường (Diabetic ulcer)

Loét bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường là một biến chứng nguy hiểm, có thể phải bị cắt cụt cả bàn chân hoặc cẳng chân, gây tàn phế suốt đời cho người bệnh. Sự khởi đầu của biến chứng này là nhiễm trùng và có sự kết hợp của bệnh lý về thần kinh

Loét ở bàn chân diễn biến thế nào?

  • Loét bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường là một biến chứng nguy hiểm, có thể phải bị cắt cụt cả bàn chân hoặc cẳng chân, gây tàn phế suốt đời cho người bệnh. Sự khởi đầu của biến chứng này là nhiễm trùng và có sự kết hợp của bệnh lý về thần kinh cùng với bệnh lý về mạch máu, đây là những bệnh lý mà vốn dĩ người bị bệnh tiểu đường phải gánh chịu, và ngược lại đôi khi do bệnh lý của thần kinh và mạch máu lại làm cho một vết thương nhỏ bị nhiễm trùng và gây loét, có thể dẫn đến những hậu quả tai hại. Chúng ta có thể tìm hiểu về sự kết hợp của ba yếu tố nêu trên.
  • Người bị bệnh tiểu đường sẽ bị tổn thương đa dây thần kinh lan tỏa đến tận bàn tay, bàn chân, mà biểu hiện khởi đầu của tổn thương thần kinh là người bệnh cảm thấy tê rần chân tay, đôi khi có cảm giác thấy quá nóng hoặc quá lạnh, cảm giác như bị châm chích..., một đặc điểm về sau thường gặp nhất của bệnh lý thần kinh của người bị tiểu đường là giảm hoặc mất cảm giác đau, cảm giác nhiệt, sờ... Vì lẽ đó mà người bệnh bị một vết thương có thể không nhận biết được.
  • Những bệnh nhận tiểu đường còn có nguy cơ cao về chứng xơ cứng mạch máu, làm cho sự tưới máu nuôi dưỡng ở những vùng xa như tay chân bị giảm đi. Điều đó cũng gây khó khăn cho quá trình làm lành một vết thương ở những nơi này.

Như vậy chúng ta có thể cho rằng lý do chính yếu dẫn đến loét ở bàn chân có thể từ nguồn gốc của bệnh lý thần kinh. Thực ra bệnh lý thần kinh do tiểu đường thì không nguy hiểm, mà việc mất cảm giác mới dẫn đến những biến chứng đáng tiếc khi người bệnh bị một vết thương ở bàn chân.
Nếu xét một cách cặn kẽ của vấn đề loét bàn chân ở người bị tiểu đường dẫn đến phải tháo bàn chân, chúng ta có thể thấy: Do không còn cảm giác đau, người bệnh không còn khả năng nhận biết khi bị một vết thương như đạp chân lên gai, mảnh chai hoặc vật sắc nhọn..., dẫn đến vết thương ngày một nặng hơn do không đươc biết để săn sóc. Thậm chí có nhiều người bệnh không biết rằng mình bị loét chân, cho đến khi mủ từ vết thương xì dò thấm ra giày dép thì họ mới biết mình bị loét. Nên nhớ rằng, những vết thương ở bàn chân là cơ hội cho sự nhiễm trùng dễ dàng và vết loét ngày một phát triển. Việc điều trị những nhiễm trùng ở người bệnh tiểu đường là hết sức khó khăn, vì các nhiễm trùng thường thấy ở đây do 3 đến 4 loại vi trùng, hơn nữa chúng lại khó trị bởi những thuốc kháng sinh thông thường.
Theo một số báo cáo tại Mỹ, hằng năm  chi phí để điều trị cho những nhiễm trùng như vậy phải tốn khoảng 200 triệu đô la. Bên cạnh những khó khăn nêu trên, cần biết rằng do bệnh lý về mạch máu làm giảm đi sự nuôi dưỡng vết thương cũng là một yếu tố làm cho việc điều trị các nhiễm trùng gây loét gặp khó khăn hơn. Sự hoại tử (một vùng thịt bị chết) bàn chân có thể xảy ra khi không được quan tâm săn sóc đúng mức, lẽ dĩ nhiên khả năng có thể phải tháo bàn chân là giải quyết bắt buộc khi không còn giữ được nữa. Như vậy việc chăm sóc bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường là vấn đề hết sức quan trọng và cần được quan tâm chu đáo.

Cần phát hiện sớm tổn thương bàn chân?

Các nốt chai chân: Bệnh lý thần kinh do đái tháo đường có thể gây tổn thương đến hệ thần kinh vận động và tự chủ. Bệnh lý của thần kinh vận động có thể gây ra yếu và teo cơ, ngón chân có thể bị co rút, do ma sát giữa chân và giày dép, gây ra các vết chai trên đầu ngón chân, gót chân.
Da khô và nứt nẻ: Da là hàng rào ngăn cản sự xâm nhâp của vi trùng. Da chân của người bệnh đái tháo đường có nhiều đặc điểm riêng. Do bệnh lý thần kinh tự chủ nên da bị khô, đây là đặc điểm thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Tình trạng này gặp ở khoảng 75% người bệnh đái tháo đường; tuy nhiên biểu hiện này lại thường dễ bị chính bệnh nhân xem thường và bác sĩ hay bỏ qua. Da của lòng bàn chân và nhất là gót chân rất dễ bị nứt nẻ khi ở vùng này bị quá khô. Các  vết nứt nẻ này là nguy cơ dẫn đến sự nhiễm trùng.

Xử trí khi loét bàn chân

Một số nghiên cứu cho thấy 15% bệnh nhân đái tháo đường sẽ bị loét bàn chân, và loét bàn chân là nguyên nhân của 80% cắt cụt ở chi dưới. Để điều trị loét bàn chân có hiệu quả đòi hỏi nhiều vấn đề.

  • Vết thương cần phải được làm sạch, loại khỏi nhiễm trùng và các mô bị hoại tử. Điều này có nghĩa là phải cắt lọc các vết thương, và cần phải cắt rộng rãi mới có hiệu quả.
  • Giữ ẩm các vết thương bằng gạc sạch tẩm nước muối sinh lý (dung dịch Nacl 0,9%), hoặc dùng các thuốc bôi có tính chất giữ ẩm tương tự để tăng cường làm lành vết thương.
  • Vết thương cần được băng tiếp bên  ngoài bằng lớp băng khô sạch để bảo vệ vết thương.
  • Cần phải đánh giá mức độ tưới máu ở chân một các kỹ càng. Việc điều chỉnh tưới máu tốt giúp cải thiện mau lành vết thương. Có thể xử trí bằng cách chườm nóng quanh vết thương.
  • Việc điều trị tình trạng nhiễm trùng cần phải sử dụng kháng sinh có phổ rộng.
  • Trong điều trị đôi khi cần phải phẫu thuật cắt bỏ phần xương bị viêm nhiễm trong trường hợp vết thương nặng, ăn sâu đến xương.
  • Hầu hết các vết loét chân ở bệnh nhân đái tháo đường là do da ở các vùng gia tăng áp lực bị phá vỡ. Da bị nứt vì bệnh nhân không cảm thấy gia tăng áp lực hoặc không cảm thấy đau. Cần thiết phải loại trừ những áp lực nói trên, người ta khuyên cho người bệnh sử dụng nạng hay xe lăn, hoặc dùng các loại giày mềm.
  • Quá trình điều trị loét nói chung không thể quên việc kiểm soát đường huyết, vì kiểm soát tốt đường huyết có thể giúp vết thương mau lành.

Đề phòng loét bàn chân ra sao ?

  • Đôi giày không thể thiếu: Đi chân không dễ đạp lên mảnh chai, vật sắc nhọn, tạo vết thương mà đôi khi người bệnh không hay biết như đã phân tích ở trên. Người có bệnh tiều đường cần thiết phải mang giày cò đế vững vàng và độ đàn hồi tốt, nên mang giày vừa chân, tránh bó hẹp. Một số chuyên gia đã lưu ý đối với người bệnh không nên mang sandal, guốc hay dép, và cần thay đổi giày sau khi mang liên tục 4 đến 5 giờ.
  • Khi mang giày không quên cần phải có vớ (tất): Mang vớ là điều cần thiết giúp tạo thêm một lớp đệm giữa giày và các mấu xương gồ lên của bàn chân, ngăn ngừa xây xát tạo ra vết thương gây nhiễm trùng. Tốt nhất dùng loại vớ được làm từ sợi vải (cotton) hay sợi len (wool). Cần thay đổi vớ nhiều lần nếu bàn chân thường hay ra mồ hôi nhiều.
  • Luôn giữ vùng da bàn chân sạch sẽ: Da chính là hàng rào bảo vệ ngăn cản sự xâm nhâp của vi trùng. Để đảm bảo vệ sinh vùng da bàn chân, cần phải đươc rửa nước ấm và xà phòng hằng ngày để tránh nhiễm trùng. Lưu ý không được ngâm chân trong nước vì sẽ làm cho da bị mềm và bở cũng dễ bị trầy xước. Da khô là biểu hiện thường gặp của người bệnh tiểu đường, da khô cũng dễ gây cho bàn chân, nhất là vùng gót dễ bị nứt nẻ khi quá khô. Các vết nứt nẻ này là nguy cơ của sự nhiễm trùng nghiêm trọng. Vùng da khô cần được bôi thuốc giữ ẩm.
  • Các vết chai (vùng da dày cộm) ở bàn chân phải được quan tâm: vết chai thường tạo bởi do sự ma sát giữa giày và bàn chân thường có ở mu bàn chân. Các cục chai cứng hay thấy ở gan bàn chân do sự tì đè trọng lượng của cơ thể lên chỗ xương gồ ghề. Những vết chai và cục chai cứng dễ tạo ra những bóng nước (nốt phồng) ở bên cạnh, khi vỡ sẽ gây nhiễm trùng. Khắc phục điều này tốt nhất nên mang giày vừa chân, Khi có vết chai rồi cần phải cắt tỉa thường xuyên để ngăn ngừa bóng nước và nứt nẻ, lưu tâm săn sóc khi xuất hiện những bóng nước để tránh nhiễm trùng.
  • Các vết loét bàn chân cần chăm sóc chu đáo: biến chứng loét ở bàn chân gây nhiều tác hại nghiêm trọng như đã nêu ở trên. Tuy nhiên dù cố gắng hết mức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tốt nhất thì khả năng loét vẫn có thể xảy ra ở một vài điển trên bàn chân của người bệnh tiểu đường. Việc chăm sóc các nhiễm trùng vết loét ở bàn chân là hết sức khó khăn, muốn đạt được hiệu quả tốt đòi hỏi cần đến kỹ thuật chuyên môn, cần kết hợp giữa điều trị tình trạng nhiễm trùng thật tốt và can thiệp phẫu thuật kịp thời đối với các vết loét có nguy cơ gây hoại tử, viêm tuỷ xương... Một khi đã có vết loét xuất hiện, bên cạnh sự quan tâm của chính người bệnh, đòi hỏi phải có sự chăm sóc và theo dõi của thầy thuốc một các chặt chẽ là không thể thiếu được. Lưu ý: hầu hết các vết loét chân ở bệnh nhân tiểu đường thường là do áp lực tì đè của trọng lượng cơ thể lên bàn chân người bệnh, làm cho vùng da chân bị phá vỡ, nứt nẻ... mà người bệnh không hề hay biết vì không còn cảm giác đau. Như vậy muốn vết thương mau lành và tránh gây thêm vết thương cần phải loại trừ tình trạng áp lực trên vết thương. Tốt nhất người bệnh nên dùng nạng hay xe lăn khi di chuyển.
  • Chăm sóc móng chân và tránh các trầy xước: Người bệnh tiểu đường cần phải biết chăm sóc móng chân của mình, hầu hết họ có thể tự làm được. Nhưng ở những người bệnh quá yếu do ảnh hưởng của bệnh, mắt mờ, chân tay yếu vì viêm khớp... thì cần phải có một người giúp họ chăm sóc móng chân. Cần chú ý: không được sử dụng bấm móng tay hay các dụng cụ sắc bén như dao kéo để cắt móng, nên dùng dụng cụ dũa móng, tốt nhất là dùng dũa móng làm bằng loại giấy nhám. Cần điều trị ngay tình trạng nấm móng hoặc những móng không phát triển, đòi hỏi phải có ý kiến của bác sĩ.

Các vết trầy xước phải được chăm lo ngay, nên rửa nước ấm và xà phòng hoặc chất sát trùng, sau đó băng vô trùng che vết thương. Và cần hỏi ý kiến của bác sĩ
(Nguồn: www.timmachhoc.vn/)

Săn sóc như thế nào ?

Những vết chai và cục chai cứng dễ tạo ra những bóng nước (nốt phồng) ở bên cạnh, khi vỡ sẽ gây nhiễm trùng. Khắc phục điều này tốt nhất nên:

  • Mang giày vừa chân.
  • Khi có vết chai rồi cần phải cắt tỉa thường xuyên để ngăn ngừa bóng nước và nứt nẻ, lưu tâm săn sóc khi xuất hiện những bóng nước để tránh nhiễm trùng.
  • Người bệnh đái tháo đường cần tạo thói quen có ý thức trong việc theo dõi và săn sóc da và bàn chân của mình. Vùng da bàn chân phải luôn được giữ sạch, nên rửa chân bằng nước ấm và xà phòng hằng ngày để tránh nhiễm trùng.
  • Không nên ngâm chân trong nước lâu vì sẽ làm cho da bị mềm và bở, dễ bị trầy xước.
  • Cần chú ý phải lau khô bề mặt da ngay sau khi tiếp xúc với nước, vì để nước trên bề mặt da tự bay hơi sẽ làm căng da gây cảm giác đau, các vết nứt nẻ càng nặng hơn.
  • Vùng da chân bị khô cần được bôi chất làm ẩm mỗi ngày. Các vết nứt nẻ cũng có thể dễ dàng bị nhiễm trùng gây nghiêm trọng, cần sử dụng đều đặn các chất làm ẩm da như vậy có thể kiểm soát được vấn đề da khô.Khi sử dụng các chất giữ ẩm cho da, nên dùng các chế phẩm có chứa acid lactic hoặc ure hay chứa cả hai thì rất có hiệu quả, ngay cả những trường hợp da khô nặng; ngoài ra chúng còn có tác dụng làm tiêu sừng ở những nơi da bị sừng hóa, và tác dụng làm mềm những nốt chai ở bàn chân.

(Nguồn: Tim mạch học)

- 05-07-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Hội chứng lối thoát ngực xảy ra khi dây thần kinh hoặc mạch máu của búi thần kinh cánh tay bị đè ép.nBúi thần kinh cánh tay nẳm giữa khoảng trống giữa xương đòn và xương sườn đầu tiên, bao gồm cả dây thần kinh và mạch máu từ cổ đi vào cánh tay. Khi cấu
  • 28-05-2018
    Hen phế quản (bệnh hen hay hen suyễn) là tình trạng đường dẫn khí bị hẹp và phù nề cũng như tăng tiết đàm nhầy. Điều này làm việc thở khó khăn và dễ gây ho, khò khè và thở hụt hơi.
  • 28-05-2018
    Cúm, hay còn gọi là cảm cúm, là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các virus cúm gây ra. Bệnh bắt đầu đột ngột và thường kéo dài 7 đến 10 ngày. Hầu hết mọi người bình phục hoàn toàn. Tuy nhiên đối với người già, trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu, cúm
  • 28-05-2018
    Thuốc và chăm sóc bệnh nhân là những biện pháp chủ yếu. Các thuốc hiện hành không thể làm ngăn chặn hay nghịch đảo quá trình bệnh nền tảng, nhưng chúng có thể làm chậm quá trình diễn tiến bệnh hay làm suy giảm các triệu chứng. Các thuốc được khuyến cáo
  • 28-05-2018
    Xương cánh tay không phải chịu lực tỳ nén do đó, khi bị gãy thường có di lệch giãn cách do trọng lượng chi. Gãy xương cánh tay thường có triệu chứng tại chỗ, chi biến dạng tùy vào vị trí gãy, cánh tay sưng nề, bầm tím muộn sau 24 giờ, có điểm đau chói
  • 10-12-2018

    Ung thư âm hộ giai đoạn sớm thường không triệu chứng, đi khám nếu da vùng này có biểu hiện bất thường, ngứa, xuất huyết, cảm giác căng tức...