Trong năm 2012, trên thế giới ước tính 8.6 triệu người nhiễm lao và 1.3 triệu người chết do lao (trong đó 320000 người dương tính với HIV). Ở Việt nam ước tính 200000 nhiễm lao và tỷ lệ tử vong là 2.4/ 100000.
Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể dự phòng được, gây ảnh hưởng chủ yếu ở phổi. Vi khuẩn bệnh lao lây lan từ người này sang người khác thông qua không khí khi ho hoặc hắc hơi.
Trong năm 2012, trên thế giới ước tính 8.6 triệu người nhiễm lao và 1.3 triệu người chết do lao (trong đó 320000 người dương tính với HIV). Ở Việt nam ước tính 200000 nhiễm lao và tỷ lệ tử vong là 2.4/ 100000.
Lao có xu hướng gia tăng do đồng nhiễm với HIV, loại virus gây nên AIDS. HIV làm suy yếu hệ miễn dịch vì thế cơ thể không chống lại được mầm bệnh lao.
Nhiều chủng lao kháng với hầu hết những thuốc điều trị lao. Bệnh nhân mắc lao đang hoạt động cần phải được điều trị trong nhiều tháng để loại bỏ nhiễm lao và ngăn tình trạng đề kháng thuốc.

Triệu chứng

Triệu chứng của bệnh lao

Lao

Mặc dù cơ thể chứa vi khuẩn lao, nhưng hệ miễn dịch thường ngăn tình trạng vi khuẩn phát triển gây bệnh. Vì lý do này mà bác sĩ sẽ phân biệt giữa:
  • Lao tiềm ẩn . Ở thể này, bạn bị nhiễm lao, nhưng vi khuẩn vẫn còn trong cơ thể ở dạng không hoạt động và không gây triệu chứng. Lao tiềm ẩn, hay lao không hoạt động không lây nhiễm. Tuy nhiên, nó có thể chuyển sang thể hoạt động, vì thế cần điều trị lao tiềm ẩn để giúp kiểm soát việc lây truyền lao trong cộng đồng. Ước tính có khoảng một phần ba dân số mắc lao tiềm ẩn.
  • Lao hoạt động . Thể này gây bệnh và có thể lây lan. Thường xảy ra trong vài tuần đầu sau khi nhiễm vi khuẩn lao, hoặc có thể khởi phát sau nhiều năm.
Dấu hiệu và triệu chứng của lao hoạt động bao gồm:
  • Ho
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Vã mồ hôi về đêm
  • Ớn lạnh
  • Chán ăn

Những cơ quan nào bị ảnh hưởng?

Lao thường tấn công vào phổi. Dấu hiệu và triệu chứng của lao phổi bao gồm:
  • Ho kéo dài hơn 3 tuần
  • Ho đàm hoặc máu
  • Đau ngực, hoặc đau khi hít sâu hay ho
  • Lao có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, như thận, cột sống và não. Khi lao xảy ra ngoài phổi, dấu hiệu và triệu chứng sẽ thay đổi tùy vào cơ quan bị mắc bệnh. Vi dụ: lao cột sống gây ra đau lưng, và lao thận có thể gây ra tiểu máu.

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Hãy khám bác sĩ khi sốt, sụt cân không rõ nguyên nhân, vã mồ hôi nhiều về đêm hoặc ho kéo dài. Những dấu hiệu này thường gợi ý lao, nhưng cũng có thể do những bệnh lý khác gây nên. Bác sĩ sẽ làm thêm một số xét nghiệm để chuẩn đoán nguyên nhân bệnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây bệnh lao?

Vi khuẩn lao từ các hạt nước bọt li ti, hoặc trong các hạt bụi nhỏ có đường kính từ 1 đến 5 m sẽ dễ dàng bị hít vào phổi, xuống tận phế nang và nhân lên, gây bệnh tại phổi. Điều này xảy ra khi một người mắc lao phổi hoạt động không được điều trị, ho, nói, hắc hơi, khạc, cười hoặc hát. Từ phổi, vi khuẩn có thể qua máu, bạch huyết đến các tạng khác trong cơ thể (hạch bạch huyết, xương, gan, thận,…) và gây bệnh tại các cơ quan đó của cơ thể.
Mặc dù lao là bệnh lây, nhưng nó không dễ mắc phải. Thường mắc bệnh lao từ những người bệnh sống chung hoặc làm việc chung hơn là từ một người xa lạ. Hầu hết những người bệnh lao phổi hoạt động được điều trị đúng thuốc ít nhất trong hai tuần là không lây nhiễm nữa.

Lao và HIV

Kể từ thập niên 80, số lượng ca lao gia tăng đáng kể, bởi vì sự lây lan của HIV, virus gây AIDS.
Lao và HIV có mối liên quan dẫn đến tỉ lệ tử vong cao – sự phối hợp giữa nhiễm lao và HIV càng làm tăng tiến triển của bệnh.
Nhiễm HIV làm suy giảm hệ miễn dịch, làm cơ thể khó có thể chống lại vi khuẩn lao. Hệ quả là những người bị HIV tăng nguy cơ mắc lao lên nhiều lần và tiến triến từ lao tiềm ẩn sang lao hoạt động hơn những người không nhiễm HIV.

Lao kháng thuốc

Một lý do khác khiến lao vẫn còn là nguyên nhân gây tử vong chính đó là gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn lao. Kể từ khi kháng sinh đầu tiên được sử dụng để điều trị lao cách đây 60 năm, một vài chủng lao đã phát triển đề kháng với thuốc để sống sót, và khả năng này truyền lại cho những vi khuẩn thế hệ sau. Những chủng lao kháng thuốc dấy lên quan ngại về thất bại của kháng sinh trong điều trị bệnh lao. Những vi khuẩn lao kháng thuốc này sẽ trở nên kháng với một hay nhiều loại thuốc lao khác.

Yếu tố nguy cơ

Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm lao, nhưng một số nguy cơ làm tăng khả năng mắc lao bao gồm:

Suy yếu hệ miễn dịch

Một hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể giúp chống lại thành công vi khuẩn lao, nhưng khi hệ miễn dịch suy yếu thì cơ thể không còn đủ sức chống cự hiệu quả nữa. Một số bệnh và thuốc điều trị có thể làm suy yếu hệ miễn dịch như:
  • HIV/AIDS
  • Đái tháo đường
  • Bệnh thận mạn giai đoạn cuối
  • Ung thư
  • Hóa trị, xạ trị ung thư
  • Thuốc chống thải ghép
  • Thuốc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn, vảy nến.
  • Suy dinh dưỡng
  • Trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi

Nghèo đói và lạm dụng thuốc

  • Thiếu chăm sóc y tế . Ở những người thu nhập thấp, sống ở vùng sâu vùng xa, vô gia cư là những đối tượng thiếu sự chăm sóc y tế khi cần thiết để chuẩn đoán và điều trị lao.
  • Lạm dụng thuốc gây nghiện hay rượu . Việc sử dụng thuốc gây nghiện lâu dài hay nghiện rượu làm suy yếu hệ miễn dịch và làm cơ thể dễ nhiễm lao hơn.
  • Hút thuốc lá . Sử dụng thuốc lá gây dễ mắc lao và tử vong vì lao hơn.

Nơi sống và làm việc

  • Nơi chăm sóc sức khỏe . Việc tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân làm tăng cơ hội mắc bệnh lao. Mang khẩu trang và rửa tay thường xuyên giúp giảm thiểu nguy cơ mắc phải lao.
  • Sống và làm việc nơi tập trung . Những người sống hoặc làm việc trong tù, khu tái định cư hay viện dưỡng lão có khả năng nhiễm lao cao. Bởi vì nguy cơ mắc bệnh cao ở những nơi đông đúc và ngột ngạt.
  • Sống trong trại tị nạn . Trại tị nạn là những nơi nguy cơ rất cao dễ nhiễm lao do suy dinh dưỡng, bệnh tật và sống nơi chật hẹp, điều kiện vệ sinh kém.

Biến chứng

Biến chứng của bệnh lao là gì?

Nếu không điều trị, bệnh lao có thể gây tử vong. Bệnh lao không điểu trị sẽ ảnh hưởng lên phổi, nhưng cũng có thể lan sang các cơ quan khác trong cơ thể qua đường máu. Như là:
  • Xương: Đau cột sống và hủy hoại khớp do lao xương khớp. Một số trường hợp có thể gây tổn thương ở xương sườn.
  • Não: Lao não gây viêm màng não, gây phù màng não và tủy sống gây tử vong.
  • Gan hoặc thận : Gan và thận giúp lọc và thải độc chất ra khỏi cơ thể. Nhưng chức năng này bị suy giảm nếu mắc lao.
  • Tim : Nhiễm lao ở mô tim hay quanh tim gây viêm và tụ dịch màng ngoài tim làm ảnh hưởng hoạt động bơm máu của tim. Tình trạng này gây chèn ép tim và tử vong.

Những điều cần chuẩn bị trước khi đi khám bệnh

Nếu nghi ngờ nhiễm lao, cần tìm kiếm sự trợ giúp từ phía nhân viên y tế. Hoặc đi khám tại trung tâm khám và điều trị chuyên khoa lao.

Những việc cần làm

Trước khi đi khám, nên viết ra câu trả lời cho những câu hỏi sau:
  • Triệu chứng của bạn là gì, và bắt đầu từ khi nào?
  • Đã từng chủng ngừa lao lúc còn nhỏ chưa?
  • Đã từng bị lao hoặc xét nghiệm lao trên da dương tính?
  • Đã từng điều trị lao trước đây? Nếu có thì đã dùng phát đồ nào và trong bao lâu.
  • Có mắc bệnh gì khác?
  • Những thuốc đang sử dụng.

Mong đợi gì từ phía bác sĩ

Bác sĩ sẽ hỏi những câu hỏi sau:
  • Có người quen nào bị lao không?
  • Có bị nhiễm HIV hay AIDS?
  • Có đi du lịch gần đây không?
  • Từng chung sống với ai bị lao không?
  • Đang làm nghề gì?
  • Có uống rượu hay thuốc gây nghiện không?

Xét nghiệm và chẩn đoán

Xét nghiệm và chẩn đoán bệnh lao

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ khám hạch và nghe phổi.
Xét nghiệm giúp chuẩn đoán lao bao gồm thử phản ứng lao tố trên da. Cụ thể sẽ tiêm một chất gọi là PPD tuberculin vào trong da ở mặt trong cẳng tay. Cảm giác sẽ hơi nhói đau nơi chích.
Trong vòng 48 – 72 giờ, nhân viên y tế sẽ kiểm tra lại nốt phồng nơi tiêm. Nếu nổi nốt phồng cứng, đỏ có nghĩa rằng khả năng nhiễm lao cao. Kích thước nốt phồng quyết định kết quả xét nghiệm.

Kết quả cũng có thể không chính xác trong một số trường hợp

Xét nghiệm lao tố không phải lúc nào cũng đúng. Thình thoảng nó cũng dương tính đối với những người không bị lao. Cũng có trường hợp âm tính nhưng lại bị lao.
Xét nghiệm dương tính giả xảy ra khi đã được chủng ngừa lao gần đây với vaccine BCG. Vaccine này được dùng rộng rãi ở những nơi có lưu hành lao cao.
Âm tính giả xảy ra ở những dân số cụ thể – như trẻ em, người già và bệnh nhân AIDS – những người thình thoảng không đáp ứng với phản ứng lao tố. Âm tính giả cũng xảy ra ở những người nhiễm lao gần đây, nhưng hệ miễn dịch chưa kịp nhận ra vi khuẩn lao.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu có thể dùng để xác định hoặc loại trừ lao tiềm ẩn hay lao hoạt động. Những xét nghiệm này sử dụng công nghệ hiện đại để xác định tình trạng miễn dịch khi phản ứng lại với vi khuẩn lao. Chúng hữu ích khi bạn có nguy cơ nhiễm lao cao, nhưng bạn lại âm tính với phản ứng lao tố, hoặc vừa mới chủng ngừa vaccine BCG. Bởi vì những xét nghiệm này còn tương đối mới nên nhiều trung tâm chăm sóc sức khỏe vẫn chưa có.

Xquang phổi

Nếu phản ứng lao tố dương tính, bác sĩ sẽ đề nghị chụp Xquang phổi. Hình ảnh trên phim có thể phát hiện nốt trong phổi do hệ miễn dịch tạo lớp vỏ bao vi khuẩn lao lại, hoặc những thay đổi trên phổi do lao hoạt động.

Xét nghiệm đàm

Nếu xét nghiệm phổi cho thấy dấu hiệu của lao, bác sĩ sẽ đề nghị làm xét nghiệm đàm – chất nhầy khạc ra khi ho. Mẫu đàm này được soi tìm lao. Những vi khuẩn lao trong đàm cũng được nuôi cấy để xác định tình trạng kháng thuốc lao đang điều trị trong cộng đồng. Điều này giúp bác sĩ lựa chọn thuốc điều trị có hiệu quả nhất.

Điều trị

Điều trị bệnh lao thế nào?

Thuốc kháng lao là nền tảng để điều trị lao. Nhưng điều trị lao thường kéo dài hơn so với điều trị những loại vi khuẩn khác. Khi mắc lao, cần dùng kháng sinh ít nhất từ 6 đến 9 tháng. Loại và thời gian dùng thuốc tùy thuộc vào tuổi, tổng trạng, khả năng kháng thuốc, thể lao (tiềm ẩn hay hoạt động) và vị trí nhiễm lao.
Một nghiên cứu gần đây cho rằng liệu trình ngắn hạn – ba tháng thay vì chín tháng – với sự kết hợp thuốc kháng lao có hiệu quả trong việc kiểm soát lao tiềm ẩn trở thành lao hoạt động. Với những khóa điều trị ngắn hạn, bệnh nhân thường tuân thủ điều trị và giảm nguy cơ tác dụng phụ của thuốc hơn. Cần nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá điều này.

Những thuốc điều trị lao thường dùng

Nếu bạn mắc lao tiềm ẩn, có thể chỉ cần một loại thuốc điều trị lao. Lao hoạt động, cụ thể là với những chủng kháng thuốc, sẽ cần nhiều hơn một loại thuốc. Những thuốc thường dùng để điều trị lao bao gồm:
  • Isoniazid
  • Rifampin
  • Ethambutol
  • Pyrazinamide
  • Streptomycin
Một vài bằng chứng cho thấy dùng vitamin D trong quá trình điều trị lao giúp tăng hiệu quả một số thuốc. Nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá điều này.

Tác dụng phụ của thuốc

Tác dụng phụ của thuốc kháng lao không thường gặp nhưng có thể rất nghiêm trọng. Tất cả thuốc lao đều có thể gây độc tính cao lên gan. Khi uống những thuốc này, cần gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu gặp những dấu hiệu sau:
  • Buồn nôn hoặc nôn ói
  • Chán ăn
  • Vàng da
  • Tiểu sậm
  • Sốt trên 3 ngày và không có nguyên nhân rõ ràng nào
  • Rối loạn thị lực kèm giảm thị lực, ám điểm trung tâm

Tuân thủ điều trị là cần thiết

Sau một vài tuần điều trị, thường không còn khả năng lây nhiễm lao, và cảm thấy khỏe hơn. Điều này có thể làm bệnh nhân tự ngưng điều trị. Nhưng thực sự rất cần phải hoàn thành đủ liệu trình và uống đúng và đủ loại thuốc được kê toa. Việc ngưng điều trị quá sớm hoặc uống không đủ thuốc có thể làm vi khuẩn lao sống sót và trở nên kháng lại thuốc đang điều trị, dẫn đến chủng lao biến thể nguy hiểm và khó trị hơn.
Để giúp những người bệnh gắn bó với điều trị, một chương trình gọi là điều trị có giám sát trực tiếp (DOT) được lập ra. Mục đích của chương trình này giúp nhân viên y tế theo dõi quá trình tuân thủ điều trị.

Trợ giúp

Lộ trình điều trị lao kéo dài và khá phức tạp. Nhưng đây là cách để chữa bệnh duy nhất hiện nay. Bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ phía nhân viên y tế hoặc trung tâm điều trị lao để giúp cho việc tuân thủ điều trị. Thêm vào đó, cố gắng duy trì những công việc và hoạt động thường ngày, cũng như những mối quan hệ với bạn bè và người thân.
Hãy nhớ rằng sức khỏe về thể chất cũng ảnh hưởng đến sức khỏe về tâm thân. Căng thẳng, giận dữ và thất vọng là bình thường khi bạn phải đối mặc với những khó khăn và bất ngờ. Lúc đó, bạn cần nhiều thứ để đối phó với tình trạng và cảm xúc lúc đó. Chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn đương đầu với những tình huống đó.

Phòng ngừa

Nếu xét nghiệm dương tính với lao tiềm ẩn, bác sĩ có thể khuyên bạn nên điều trị để giảm nguy cơ phát triển thành lao hoạt động sau này. Lao hoạt động có thể gây lây nhiễm cho cộng đồng và thường ảnh hưởng lên phổi. Vì thế cần phải phòng ngừa lao tiềm ẩn phát triển thành lao hoạt động để tránh lây lan cho người khác.

Bảo vệ gia đình và bạn bè

Nếu bị lao hoạt động, nên giữ cho lao đừng lây cho người khác. Thông thường cần vài tuần điều trị lao để không lây lan cho người khác. Hãy làm theo những hướng dẫn sau để giúp bạn bè và người thân không bị mắc bệnh:
  • Ở nhà . Nên nghỉ làm hoặc học hoặc ngủ riêng trong vài tuần đầu khi điều trị thể lao hoạt động.
  • Thông thoáng không khí trong phòng . Bào tử lao có thể lây lan dễ dàng trong không gian đóng khi không có không khí lưu thông. Nếu ngoài trời không quá lạnh, nên mở cửa sổ và dùng máy quạt để thổi không khí ra ngoài.
  • Che miệng . Sử dụng miếng vải để che miệng bất kì khi nào cười, hắc hơi hay ho. Để miếng vải trong một cái túi, cột kín lại và vứt rác.
  • Đeo khẩu trang . Mang khẩu trang khi đi ra ngoài nơi tiếp xúc với nhiều người trong vài tuần đầu của liệu trình điều trị nhằm giúp giảm thiểu khả năng lây lan cho người khác.

Hoàn tất liệu trình điều trị

Đây là bước quan trọng trong điều trị lao nhằm bảo vệ bạn và người khác khỏi lao. Khi ngưng điều trị sớm hoặc bỏ liều, vi khuẩn lao có cơ hội đột biến và sống sót với thuốc kháng lao đang sử dụng. Hình thành nên chủng lao kháng thuốc gây khó điều trị và tử vong cao hơn.

Chủng ngừa lao

Ở những nước mà lưu hành lao cao, trẻ sinh ra được chủng ngừa lao với vaccine BCG bởi vì giúp ngăn ngừa lao nặng ở trẻ em. Vaccine BCG không được khuyến cáo dùng thường quy ở Hoa Kỳ do nó không hiệu quả trên người lớn, và vì nó gây dương tính giả với xét nghiệm lao tố. Nhiều chuyên gia đang làm việc để phát triển loại vaccine ngừa lao hiệu quả hơn.

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 04-10-2018

    Viêm phế quản mãn tính là tình trạng niêm mạc lót trong các ống phế quản bị sưng đỏ lên và tiết nhiều chất nhầy. Các chất nhầy này làm hẹp lòng ống và gây khó thở. Bệnh khí phế thũng là tình trạng nhiều phế nang bị mất đi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến

  • 28-05-2018
    Viêm phổi không điển hình là một tình trạng nhiễm trùng phổi gây ra bởi nhóm vi khuẩn gồm Legionella pneumophila, Mycoplasma pneumoniae và Chlamydophila pneumoniae. Viêm phổi không điển hình thường có triệu chứng nhẹ hơn hẳn bệnh viêm phổi điển hình,
  • 28-05-2018
    U nang buồng trứng là một cấu trúc bất thường dạng túi hình thành tại buồng trứng, bên trong chứa dịch lỏng hoặc các mô. Đây là bệnh lý khá phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và có thể có một hoặc nhiều u nang c­­ùng lúc. U nang buồng trứng có
  • 28-05-2018
    Tài liệu này cung cấp một cái nhìn tổng quát về chứng tiểu són. Hi vọng có thể giúp bạn trong việc tìm hiểu thêm về bàng quang và tại sao chứng tiểu không tự chủ xảy ra.
  • 13-05-2022

    Khiếm khuyết lỗ van động mạch phổi (pulmonary atresia) là một bệnh tim bẩm sinh. Bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

  • 28-05-2018
    Nước ối là một chất lỏng không màu bao quanh thai nhi trong tử cung. Nó bảo vệ thai nhi chống lại việc nhiễm khuẩn của cả thai nhi và tử cung. Nước ối cần thiết cho sự sống và sự phát triển của thai nhi đặc biệt là các bộ phận chức năng như phổi và thận.