Đau nửa đầu migraine

Đau nửa đầu là một bệnh thuộc loại bệnh lý đau đầu do căn nguyên mạch, có đặc điểm bệnh lý cơ bản là: đau nửa đầu từng cơn, gặp nhiều ở tuổi thanh thiếu niên, ở nữ gặp nhiều hơn nam và đa số có yếu tố gia đình. Tiếng Anh gọi là migraine. Đau nửa đầu

Đau nửa đầu là gì ?

Đau nửa đầu là một bệnh thuộc loại bệnh lý đau đầu do căn nguyên mạch, có đặc điểm bệnh lý cơ bản là: đau nửa đầu từng cơn, gặp nhiều ở tuổi thanh thiếu niên, ở nữ gặp nhiều hơn nam và đa số có yếu tố gia đình. Tiếng Anh gọi là migraine.
Đau nửa đầu điển hình thường chỉ ảnh hưởng một bên đầu, nhức và kéo dài 4-72 giờ; với những triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, sợ ánh sáng (nhạy cảm với ánh sáng hơn), và sợ âm thanh (nhạy cảm với âm thanh hơn). Khoảng 1/3 người bị chứng đau nửa đầu cảm nhận được triệu chứng ban đầu ('aura') - hình ảnh, mùi vị, hoặc một cảm nhận giác quan không bình thường báo hiệu cơn đau nửa đầu sắp diễn ra.
Điều trị ban đầu là thuốc giảm đau để trị đau đầu, thuốc chống nôn nếu bị buồn nôn, và tránh các yếu tố gây đau đầu. Nguyên nhân của đau nửa đầu chưa rõ ràng; giả thuyết được chấp nhận phổ biến nhất là bệnh lý của hệ thống thần kinh sử dụng chất truyền đạt thần kinh serotonin. Có một số loại đau nửa đầu khác nhau, một số bắt nguồn từ thân não (với sự rối loạn vận chuyển ion canxi và kali) và một số là do di truyền. Nghiên cứu các cặp song sinh cho thấy 60-65% có sự ảnh hưởng của di truyền trong xu hướng phát triển bệnh đau nửa đầu. Ngoài ra, thay đổi nồng độ hoóc-môn cũng có liên quan đến đau nửa đầu: 75% bệnh nhân người lớn là phụ nữ, mặc dù tỉ lệ này ngang nhau đối với trẻ nam và nữ tiền dậy thì; đau nửa đầu có xu hướng biến mất khi đang mang thai, nhưng một số phụ nữ lại bị đau nửa đầu nhiều hơn khi mang thai.

Triệu chứng, biểu hiện đau nửa đầu migraine

Triệu chứng, biểu hiện đau nửa đầu migraine

Migraine cổ điển

- Tiền triệu:
+ Cơn thường bắt đầu bằng một pha tiền triệu thị giác phối hợp cới các hiện tượng kích thích vỏ não vùng chẩm. Bệnh nhân có cảm giác nhìn thấy một vệt tối có vân tia sáng viền thành hình ngoằn ngoèo, lấp lánh chuyển động biến dạng.
+ Lúc đầu ám điểm lấp lánh này chưa ảnh hưởng đến thị lực, nhưng khi các hình ảnh này mất đi để lại những khoảng trống ám điểm làm cụt thị trường, nơi có ám điểm nữa, gọi là mù ám điểm.
- Đau đầu:
+ Tiếp sau giai đoạn mù ám điểm, bệnh nhân bị đau một bên đầu tăng dần có khi nhanh chóng trở nên dữ dội. Đầu đau theo kiểu mạch đập, như muốn nổ tung ra. Đau tăng nếu có những kích thích nhẹ như âm thanh và ánh sáng.
+ Đau đầu kèm theo buồn nôn đôi khi có nôn, lúc đầu thường đau một bên sau chuyển sang vùng trán - ổ mắt cùng bên hoặc vùng chẩm gáy, rồi lan toàn bộ đầu. Cơn đau ít khi kéo dài đến 6 giờ, cá biệt có thể tồn tại 12-24 giờ có khi đến 48 giờ. Cơn đau thường giảm sau khi nôn hoặc đái nhiều.
+ Từ cơn này sang cơn khác, đau đầu và ám điểm có thể thay đổi bên hoặc luôn tồn tại cùng một bên .

Migraine thông thường

Là thể Migraine phổ biến nhất chiếm tới 2/3 tổng số bệnh nhân bị Migraine.
- Đa số không rõ triệu chứng khởi phát như Migraine cổ điển. Có thể có cảm giác khó chịu, dễ cáu, choáng váng, mệt mỏi, đôi khi có chóng mặt, buồn nôn.
- Cơn đau đầu thường xuất hiện nhanh chóng dữ dội bắt đầu từ một bên thái dương, đau theo kiểu mạch đập, bệnh nhân cảm thấy mạch máu như bị co giật. Trong cơn bệnh nhân sợ âm thanh và ánh sáng, đôi khi có buồn nôn và nôn.
- Khám trong cơn thấy sắc mặt tái, mi mắt hơi sưng nề, động mạch thái dương nông và các động mạch da đầu khác căng phồng và nẩy mạch đập.

Migraine phức tạp hóa

Migraine phức tạp hóa ngoài các triệu chứng như hai thể trên còn kèm theo các triệu chứng thần kinh khu trú và tạm thời, gồm các biểu hiện:
- Rối loạn cảm giác: biểu hiện bằng hiện tượng dị cảm như kiến bò, tê cóng, đôi khi mất cảm giác hoàn toàn. Các hiện tượng này chỉ thấy ở một bên, và đặc biệt có khu trú dị cảm miệng - tay (cùng một lúc thấy ở quanh miệng và bàn tay). Dị cảm bắt đầu từ bàn tay sau lan lên đến khuỷu rồi đến miệng, hoặc từ miệng lan xuống tay một cách tuần tiến. Các hiện tượng này hoàn toàn mất đi trong 20-30 phút.
- Rối loạn ngôn ngữ: ít xảy ra nhưng lại gây tâm trạng lo lắng cho cả bệnh nhân và thầy thuốc. Biểu hiện bằng các loại mất ngôn ngữ khi nói như: quên từ, loạn ngôn ngữ, bịa tiếng, mất đọc, mất viết, mất tính toán. Các triệu chứng này tạo thành những đợt sóng chống lên nhau (các hiện tượng loạn thị chưa biến mất thì hiện tượng cảm giác xuất hiện). Các triệu chứng khác có thể gặp là: bại nửa người, liệt các cơ vận nhãn, hội chứng tiền đình, hội chứng tiểu não (Migraine nền), đau nửa mặt, co giật cơ cục bộ, run cơ, rối loạn tâm thần…
Trong tất cả các trường hợp, các triệu chứng trên đều tạm thời và mất đi trong vòng 30-45 phút và mất hẳn khi xuất hiện đau đầu.

Migraine khác

Migraine có thể xuất hiện đôi khi không có cơ đau đầu vì đã cụt. Chẩn đoán dựa vào các hiện tượng luân phiên của các cơn hoàn chỉnh điển hình. Có thể là những hiện tượng tiêu hóa kịch phát kèm theo chóng mặt. Có thể cơn Migraine rút gọn thành cơn thị giác, giác quan hay mất ngôn ngữ. Những cơn Migraine không có đau đầu chẩn đoán phân biệt với động kinh rất khó khăn.

Nguyên nhân đau nửa đầu migraine

Nguyên nhân đau nửa đầu migraine

  • Đồ uống có cồn
Lời khuyên tốt nhất là uống có điều độ và tránh bất kì loại đồ uống có cồn nào đã gây ra đau đầu trong quá khứ”. Đồ uống có cồn chứa sulfite và các tạp chất khác là nguyên nhân gây ra đau nửa đầu. Một cách tốt để bạn có thể giảm thiểu những cơn đau đầu đó là tránh các loại đồ uống màu tối như rượu vang đỏ, bia đen, bourbon và whisky.
  • Thực phẩm và nước giải khát
Bất kì loại đồ uống nào có chứa caffeine đều gây ra những cơn đau nửa đầu. Một lượng nhỏ caffeine có thể tốt cho cơ thể nhưng nếu bạn uống quá nhiều caffeine và dừng đột ngột, bạn sẽ cảm thấy rất nhức đầu. Nhiều loại thực phẩm được xác định là nguyên nhân gây nhức đầu bao gồm các loại thịt nạc chế biến với muối nitrat, bột ngọt thường có trong món ăn châu Á, pho mát có chứa tyramine, thịt xông khói và một số chất làm ngọt nhân tạo.
  • Thay đổi thời tiết
Nghiên cứu cho thấy sự gia tăng hay giảm đột ngột về nhiệt độ hay thay đổi áp suất có thể là nguyên nhân gây nhức đầu và chứng đau nửa đầu. Vì vậy, đối với những bệnh nhân có tiền sử bị đau nửa đầu, nhiều bác sĩ cho uống thuốc giảm cơn đau đầu trước khi những thay đổi thời tiết xảy ra.
  • Ánh sáng
Nhạy cảm với ánh sáng là một triệu chứng đau nửa đầu kinh điển. Ánh sáng mặt trời, đèn huỳnh quang, đèn nhấp nháy có thể gây ra đau nửa đầu hoặc làm cho cơn đau thêm tồi tệ. Vì vậy bạn nên sắp xếp môi trường làm việc để tránh các loại ánh sáng không phù hợp với mình. Các nghiên cứu cho thấy ánh sáng chiếm khoảng 30-60% nguyên nhân gây đau nửa đầu. Một cách để tránh là đeo kính râm khi phải tiếp xúc với ánh sáng quá nhiều.
  • Thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ra chứng đau nửa đầu như thuốc tránh thai, thuốc thay thế hormone ở phụ nữ và một số loại thuốc cao huyết áp. Nếu bạn nghi ngờ chứng đau đầu liên quan đến việc uống thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ để thay thế loại thuốc đó hoặc thay đổi cách dùng thuốc.
  • 6. Tiếng ồn
Tiếng ồn có âm vực cao có thể gây ra đau đầu. Nếu vốn dĩ bạn đã bị đau đầu thì khi nghe bất kì tiếng ồn nào cũng sẽ làm cơn đau của bạn thêm tồi tệ. Bạn nên cắm tai nghe vào máy mà không nghe nhạc để tránh tiếng ồn. Khi bạn bị đau đầu, hãy tìm kiếm một nơi tối và yên tĩnh để nghỉ ngơi cho đến khi cơn đau đầu qua đi.
  • 7. Mùi hương
Các loại mùi hương bao gồm nước hoa, các mùi mạnh và hăng là những yếu tố phổ biến gây đau nửa đầu. Một nghiên cứu gần đây ở nam giới cho thấy mùi hương là nguyên nhân thứ hai gây ra đau nửa đầu sau căng thẳng. Nghiên cứu cũng phát hiện ra 73% người bị đau nửa đầu càng tồi tệ hơn sau khi ngửi thấy những mùi “nặng” nhất. Nước hoa, khói thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất.
  • Hoạt động hàng ngày
Trong số những nguyên nhân gây đau nửa đầu thường gặp là ngủ quá nhiều hoặc quá ít mà bỏ bữa ăn. Một gợi ý để ngăn chặn chứng đau nửa đầu là có lịch trình cụ thể cho từng hoạt động trong ngày. Bạn nên cố gắng ăn, ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày.
  • Hút thuốc
Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra đau đầu đối với nhiều người và có thể làm cho cả người hút và người hít phải khói thuốc bị đau đầu. Một nghiên cứu cho thấy khi bỏ thuốc lá thì số lần đau đầu cũng giảm theo. Bác sĩ Kostidis cho biết: “Nicotine gây ra những thay đổi trong mạch máu não và khói thuốc lá có thể kích thích dây thần kinh trong mũi, cổ họng. Cả 2 hiệu ứng này đều gây ra đau đầu”.
  • Căng thẳng
Căng thẳng là nguyên nhân cuối cùng nhưng chưa chắc đã là ít gặp trong danh sách nguyên nhân gây ra đau đầu. Một trong những điều bạn có thể làm để ngăn ngừa chứng đau nửa đầu là xác định nguyên nhân gây ra căng thẳng và thực hành các kĩ thuật làm giảm căng thẳng.

Yếu tố nguy cơ gây đau nửa đầu migraine

Yếu tố nguy cơ gây đau nửa đầu migrain

Bệnh đau đầu Migraine có thể gặp ở bất kì ai. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn, đặc biệt là trong độ tuổi dưới 45. Theo một thống kê của tạp chí Thần kinh học ở Mỹ cho thấy cứ khoảng 15-20 phụ nữ tuổi dưới 45 thì thường có 1 người bị bệnh. Bệnh hiếm gặp ở người già và trẻ em. Hiện nay vẫn chưa có một thống kê cụ thể nào về bệnh này trên phạm vi toàn cầu.
Yếu tố kích hoạt cơn đau nửa đầu là bất kỳ yếu tố nào làm dẫn đến sự phát triển một cơn đau nửa đầu cấp tính. Các yếu tố kích hoạt có thể được chia thành các nhóm về hành vi, môi trường, yếu tố truyền nhiễm, thức ăn, hóa chất, hoặc hoóc-môn.
Đôi khi đau nửa đầu xuất hiện mà không có một 'lý do' nào cả. Lý thuyết về yếu tố kích hoạt coi rằng việc tiếp cận với những yếu tố trong môi trường là tiền đề, hay kích hoạt cơn đau. Bệnh nhân đau nửa đầu từ lâu đã được khuyến cáo nên tự tìm ra những yếu tố kích hoạt đối với bản thân bằng cách tìm những mối liên quan giữa cơn đau với các yếu tố khác nhau và làm 'nhật ký đau đầu' để ghi lại việc ăn uống vào thời điểm bị đau để tìm những mối tương quan để tránh ăn các món gây ra cơn đau.

Các yếu tố nguy cơ

  • Thức ăn
Rất nhiều người bệnh đã giảm số lần đau nhờ xác định và tránh được những loại thức ăn có khả năng kích hoạt cơn đau. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu rõ ràng hơn về điều này.
  • Gluten
Ở một số bệnh nhân, đau nửa đầu giảm hoặc biến mất hẳn khi loại trừ gluten ra khỏi khẩu phần ăn. Đối với những người bị bệnh đường ruột hoặc các dạng bệnh dị ứng gluten khác, đau nửa đầu có thể là triệu chứng khi cơ thể không dung nạp gluten. Một nghiên cứu cho thấy những người bị đau nửa đầu bị bệnh đường ruột nhiều hơn gấp 10 lần cộng đồng nói chung, và khẩu phần ăn không có gluten có thể làm giảm hoặc loại bỏ hẳn bệnh đau nửa đầu ở những bệnh nhân đó. Một nghiên cứu khác trên 10 bệnh nhân có tiền sử đau đầu kinh niên và ngày càng bị nặng thêm hoặc kháng lại mọi phương pháp điều trị thì thấy là cả 10 người đều dị ứng gluten. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy ở mỗi người đều bị viêm hệ thần kinh trung ương do phản ứng với gluten. 7/9 người trong số này khi thực hiện khẩu phần ăn không có gluten đều khỏi đau đầu hẳn.
  • MSG (Natri glutamat)
Dân gian gọi là bột ngọt hay mì chính đã được ghi nhận là một yếu tố phổ biến gây đau nửa đầu (12%). Trong một thử nghiệm có đối chứng giả dược, MSG với liều lượng lớn (2,5g) ăn khi dạ dày trống rỗng có liên quan tới các triệu chứng xấu bao gồm đau đầu nhiều hơn nhóm dùng giả dược (placebo). Nhưng một thử nghiệm lâm sàng khác lại không tìm ra sự khác biệt nào khi đưa thêm 3,5g MSG vào thức ăn.
  • Tyramine
Tổ chức Quốc gia về Bệnh Đau đầu của Hoa Kỳ có một danh sách các yếu tố thức ăn kích hoạt dựa trên giả thuyết về tyramine trong đó nêu rõ những loại thức ăn nào ăn được, những loại cần chú ý khi ăn và những loại cần tránh. Tuy nhiên, một bài tổng hợp nghiên cứu vào năm 2003 đã kết luận rằng không có bằng chứng khoa học nào về tác động của tyramine đối với bệnh đau nửa đầu.
  • Thời tiết
Một vài nghiên cứu thấy rằng một số cơn đau nửa đầu được kích hoạt bởi thời tiết. Một nghiên cứu cho thấy 62% đối tượng nghiên cứu cho rằng thời tiết là một yếu tố nhưng chỉ 51% nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết. Trong số những người thực sự bị đau khi thời tiết thay đổi, các đối tượng thường chỉ ra một sự thay đổi thời tiết khác với thông tin thời tiết thực tế.

Các yếu tố kích hoạt cơn đau nhiều nhất theo thứ tự như sau

  • Nhiệt độ và độ ẩm
Độ ẩm cao đi kèm với nhiệt độ cao hoặc thấp là nguyên nhân lớn nhất.
  • Thay đổi đáng kể về thời tiết.
  • Thay đổi áp suất không khí.
Một nghiên cứu khác đánh giá ảnh hưởng của gió Lào đối với cơn đau nửa đầu, trong đó có nhiều bệnh nhận ghi nhận tỉ lệ bị đau tăng lên ngay trước và trong những đợt gió Lào. Số người bị đau đầu trong đợt gió Lào nhiều hơn trong những đợt gió mạnh. Có thể lý do là sự tăng cường lượng ion dương trong không khí.

Điều trị đau nửa đầu migraine

Điều trị đau nửa đầu migraine

  • Thuốc cắt cơn
- Thuốc đặc hiệu cổ điển Ergotamin: thuốc tác dụng gây co mạch, chống mất trương lực động mạch. Có các chế phẩm sau:
+ Ergotamin tactrat 1Migraine, uống hoặc đặt dưới lưỡi 1 viên mỗi lần khi đang đau, mỗi ngày không quá 3 viên, mỗi tuần không quá 10 viên. Không dùng giữa các cơn đau.
+ Dihydro-Ergotamin: uống 20 giọt khi bắt đầu đau hoặc sáng 1 lần chiều 1 lần. Với dạng viên 1Migraine uống 1-3 viên mỗi ngày.
+ Nhóm triptan: thuốc có tác dụng khá tốt với những trường hợp migren không đáp ứng với các thuốc đã nêu. Cơ chế tác dụng của thuốc là kháng thụ thể 5-HT1 ở mạch máu, điều hòa lại tính co giãn của mạch máu não, làm giảm cơn đau đầu. Tác dụng phụ của thuốc cũng khá nhiều như: phản ứng tại chỗ, ù tai, chóng mặt, tức ngực, buồn nôn, nôn, ngủ gà, khó tiêu... Không dùng cho bệnh nhân có bệnh tim mạch, phụ nữ có thai.
- Thuốc giảm đau chung: aspirin, paracetamon, codein, dextropropoxyphen…
  • Thuốc dự phòng
- Thuốc dự phòng cổ điển Methysergide (sansert) viên 2Migraine: thuốc có tác dụng kháng serotonin, uống 2-3 viên/ngày x 1 tháng.
- Thuốc ức chế dòng calci: làm giảm tiêu thụ oxy ở cơ tim, tăng lưu lượng mạch vành, tăng lưu lượng tuần hoàn ở thận. Dùng điều trị đau thắt ngực, tăng huyết áp, và có tác dụng phòng cơn Migraine. Thuốc hay dùng nifedipin 60 mg/ngày.
- Thuốc phong bế beta: tác dụng phong bế giao cảm β gây giãn mạch, hạ huyết áp, dùng điều trị đau thắt ngực, loạn nhịp tim, phòng cơn Migraine. Thuốc hay dùng:
+ Propanolol 40mg x 2-4 viên/ngày.
+ Timolol 10mg x 1-2 viên.
+ Tenolol 100mg x 1 viên/ngày.
+ Nadolol 80mg x 1 viên/ngày.
- Thuốc chống viêm không steroid.
- Corticoid.
- Thuốc điều trị động kinh: Tegretol 200mg x 2 viên/ngày.
- Thuốc chống trầm cảm.
  • Các phương pháp điều trị khác
- Thắt động mạch thái dương nông.
- Áp lạnh động mạch thái dương nông: có tác dụng làm hủy các sợi giao cảm quanh động mạch.

Phòng ngừa đau nửa đầu migraine

Phòng ngừa đau nửa đầu migraine

Lao động mệt mỏi, tinh thần căng thẳng, uống nhiều rượu bia, nghiện thuốc lá… thường gây nên những cơn đau nửa đầu. Ngoài ra, nếu bệnh đã có từ trước thì cũng hay tái phát, người ta cũng cho rằng trong gia đình nếu cha mẹ hay có chứng đau nửa đầu thì con cái cũng có nguy cơ mắc bệnh. Để phòng ngừa được chứng bệnh này, người bệnh cần tuân thủ những yêu cầu sau:
  • Đảm bảo ngủ đủ
Thời gian ngủ của con người thường là 8 giờ/ngày, với thời gian nghỉ ngơi này cơ thể con người mới được hồi phục sau một ngày làm việc vất vả và bước vào một ngày lao động mới. Tuy nhiên hiện nay, do mức độ công việc mà nhiều người không có thời gian ngủ đảm bảo, điều này thật bất lợi cho sức khoẻ, nếu không được cải thiện, rất có thể họ không chỉ mắc phải chứng đau đầu, chóng mặt mà còn nhiều bệnh nguy hiểm khác, nhất là trong tình trạng thần kinh luôn căng thẳng. Những mệt mỏi của não và thể lực phát sinh trong quá trình làm việc, học tập và lao động của con người phải thông qua giấc ngủ đầy đủ mới có thể loại trừ được. Do vậy, phải coi giấc ngủ cũng quan trọng như ăn, uống. Cần từ bỏ những thói quen không tốt như nằm đọc sách, ăn trước khi ngủ…
  • Kết hợp giữa lao động và nghỉ ngơi
Con người không phải là thần thánh, dù bạn có khoẻ đến mấy thì sức khoẻ của con người cũng chỉ có giới hạn. Những mệt mỏi và cảm giác rệu rã sau một ngày làm việc căng thẳng hay sau một công việc đòi hỏi nhiều trí lực và sức lực là điều thường thấy. Nhưng nếu mệt mỏi quá sức chịu đựng hoặc quá thường xuyên thì cần phải xem xét lại chế độ làm việc và cần điều chỉnh lại chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Khi sức lực dồi dào thì hiệu quả công việc sẽ rất cao, còn khi mệt mỏi thì ngược lại.
  • Tìm cách giải tỏa stress
Trong cuộc sống, đôi khi gặp phải những điều không như mong muốn, đòi hỏi con người phải vượt qua. Nhất là trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, cường độ làm việc và những đòi hỏi ngày càng cao của cuộc sống khiến nhiều người bị stress. Đây là một yếu tố nguy hiểm gây ra các bệnh ở hệ thần kinh, tiêu hoá, tim mạch, rối loạn khả năng tình dục…, mặt khác, nó còn làm giảm hiệu quả điều trị bệnh nếu người đó đang mắc bệnh phải điều trị. Những giải pháp thoát khỏi tình trạng stress cũng không ai giống ai. Dù là biện pháp nào thì cũng đều cần thiết để cơ thể tránh được những hậu quả do căng thẳng tinh thần gây ra.

Bài thuốc dân gian chữa đau nửa đầu migraine

Bài thuốc dân gian chữa đau nửa đầu migraine

Theo Đông y, hội chứng đau nửa đầu (Meniere) thuộc chứng huyễn vựng gồm triệu chứng chóng mặt là chủ yếu kết hợp với các chứng ù tai, nôn mửa. Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh theo từng thể.

Thể can phong

Do can hỏa vượng, can dương bốc lên, can thận âm hư gây ra. Thường gặp ở người tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, rối loạn giao cảm… Biểu hiện: hoa mắt, chóng mặt, ù tai, miệng khô, đắng, nôn mửa, phiền táo, dễ cáu gắt, đầu lưỡi đỏ, mạch huyền, tế, đới sác. Phép chữa: bình can tức phong, tiềm dương, hoặc bổ thận âm, bổ can huyết. Dùng một trong các bài thuốc sau:
  • Bài 1: thục địa 16g, quy bản 12g, miết giáp 12g, câu kỷ tử 12g, long cốt 12g, mẫu lệ 18g, câu đằng 16g, táo nhân 12g. Sắc uống.
  • Bài 2: Lục vị hoàn gia giảm: thục địa 16g, sơn thù 8g, hoài sơn 12g; phục linh, trạch tả, đơn bì, bạch thược, đương quy, cúc hoa mỗi vị 8g; long cốt 12g; mẫu lệ 12g; câu kỷ tử 12g. Sắc uống.
  • Bài 3: Thiên ma câu đằng ẩm: thiên ma 12g, câu đằng 16g, phục linh 12g, tang ký sinh 16g, dạ giao đằng 12g, hoàng cầm 12g, chi tử 8g, thạch quyết minh 20g. Sắc uống.
  • Bài 4: Nếu huyết áp tăng gây chóng mặt, phiền táo, ngủ ít, tiểu tiện đỏ, táo bón, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác, biểu hiện của chứng can hỏa vượng thì dùng bài Long đởm tả can thang gia giảm: long đởm thảo 12g, hoàng cầm 12g, sơn chi 12g, sài hồ 12g, sinh địa 16g, đương quy 8g, mộc thông 12g, xa tiền 16g, trạch tả 8g, cam thảo 4g, địa long 12g, mẫu lệ sống 16g. Sắc uống.

Thể huyết hư

Thường gặp ở người thiếu máu, xơ cứng động mạch. Biểu hiện: sắc mặt xanh hoặc vàng úa, hồi hộp, ngủ ít, mệt mỏi, hay quên, ăn kém, chất lưỡi nhạt ít rêu, chóng mặt, hoa mắt. Mạch tế nhược. Kinh nguyệt không đều, lượng kinh ít, sắc kinh nhạt. Phép chữa: dưỡng huyết, tức phong. Dùng một trong các bài thuốc sau:
  • Bài 1: thục địa 16g, xuyên khung 12g, kỷ tử 12g, hà thủ ô 16g, tang ký sinh 16g, ngưu tất 12g, long nhãn 12g, cỏ nhọ nồi 12g, hoài sơn 12g. Sắc uống.
  • Bài 2: Tứ vật thang gia giảm: thục địa 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g, đương quy 12g, tang ký sinh 16g, kỷ tử 12g, long nhãn 12g, hà thủ ô 16g, a giao 8g, ngưu tất 12g. Sắc uống.
  • Bài 3: Bát trân thang gia giảm: thục địa 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g, đương quy 8g, đẳng sâm 16g, bạch truật 12g, phục linh 8g, cam thảo 4g, địa long 12g, mẫu lệ sống 16g, thạch quyết minh 20g, tang ký sinh 16g. Sắc uống.
  • Bài 4: Ngũ vị tử thang: ngũ vị tử 8g, toan táo nhân 12g, hoài sơn 12g, long nhãn 12g, đương quy 8g. Sắc uống.
  • Thể hàn thấp:
Biểu hiện: người béo trệ, chóng mặt, hoa mắt, lợm giọng, buồn nôn, ngủ hay mê, ăn kém, sáng hay khạc ra đờm, miệng nhạt, lưỡi bệu, rêu dính, mạch hoạt. Phép chữa: hòa đàm trừ thấp. Dùng bàiNhị trần thang gia giảm: trần bì 8g, bán hạ chế 8g, phục linh 8g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Nếu miệng đắng, lưỡi khô, tiểu vàng, phiền táo, đại tiện táo thêm trúc nhự 8g, chỉ thực 12g, bạch thược 12g, địa long 8g, thạch xương bồ 8g.
Nếu rêu lưỡi trắng dính, đại tiện lỏng, miệng không khát, thêm đẳng sâm 16g, bạch truật 12g, trạch tả 8g.
Kết hợp day bấm các huyệt sau:
  • Nội quan: từ cổ tay phía lòng bàn tay đo lên 2 tấc, cách 2 ngón tay 2 và 3.
  • Lao cung: từ khe giữa ngón tay thứ 3 và thứ 4 kéo thẳng xuống giữa lòng bàn tay.
  • Thiên lịch: trên huyệt dương khê 3 tấc.
  • Phong trì: phía sau tai, chỗ lõm ở chân tóc.
  • Định huyễn: từ phong trì đo lên 1 thốn.
Chủ yếu là day bấm 2 huyệt lao cung và thiên lịch có tác dụng tốt trong điều trị bệnh. Phối hợp tất cả các huyệt có tác dụng thanh nhiệt ở lục phủ ngũ tạng, thanh tâm hỏa, trừ thấp nhiệt, lương huyết, định tâm, an thần, thông mạch lạc, trị đau đầu, ù tai, đau các dây thần kinh, có tác dụng tốt trong phòng và trị bệnh đau nửa đầu.
(Lương y Minh Chánh)

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 08-04-2021

    Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive compulsive disorder – OCD) là một bệnh rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và hành vi của bệnh nhân. Khi mắc bệnh, các suy nghĩ và nỗi sợ không mong muốn (hay còn gọi là sự ám ảnh) xuất hiện liên tục và

  • 18-09-2018

    Viêm ruột thừa thường gây đau bắt đầu từ vùng xung quanh rốn và sau đó di chuyển sang vùng bụng dưới bên phải. Đau do viêm ruột thừa sẽ tăng dần trong khoảng thời gian từ 12 đến 18 giờ và cuối cùng trở nên rất nặng nề.

  • 28-05-2018
    1. Niệu quản và sỏi niệu quản Niệu quản là đường ống dẫn nước tiểu từ trên thận xuống dưới bàng quang. Niệu quản có chiều dài khoảng 25cm và đường kính lòng niệu quản từ 2-4mm tùy vị trí. Càng xuống dưới thấp thì niệu quản có đường kính càng nhỏ. Sỏi
  • 28-05-2018
    1. Định nghĩa Viêm mũi dị ứng là hiện tượng mũi bị viêm, sưng tấy do dị ứng với các tác nhân trong và ngoài cơ thể như khói bụi, phấn hoa, lông động vật, thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm… Tuy không đe dọa tính mạng, nhưng viêm mũi dị ứng lại gây những khó
  • 28-05-2018
    1. Định nghĩa Suy thận cấp là sự giảm đột ngột chức năng thận với hậu quả là thận mất khả năng giữ vững hằng định nội môi và sự tích tụ các chất thải có nitơ, xác định bởi sự tăng đột ngột creatinine máu. Ðịnh nghĩa này cần được bổ túc bằng những khái
  • 28-05-2018
    Hầu hết mọi người đã nhức đầu. Nhưng nếu không phải một ngày, có thể gặp đau đầu nhiều ngày được biết đến như đau đầu mạn tính hàng ngày. Bản chất không ngừng của nhức đầu mạn tính hàng ngày làm cho họ đau đầu không kiểm soát. Điều trị tích cực ban đầu