Phát triển ngôn ngữ theo giai đoạn

Rối loạn ngôn ngữ xảy ra ở khoảng từ 4-6% ở trẻ mẫu giáo. Chậm ngôn ngữ diễn đạt nhẹ và chậm âm ngữ có khuynh hướng  giải quyết được, tuy nhiên trẻ em có rối loạn chức năng phối hợp sẽ có một tiên lượng thận trọng hơn. 

Phát triển ngôn ngữ là một trong những mặt quan trọng nhất của quá trình phát triển ở trẻ. Trong tất cả các chuỗi phát triển, ngôn ngữ có tương quan gần gũi nhất với phát triển nhận thức sau này. Chậm trễ về ngôn ngữ là biểu hiện thường gặp nhất trong các rối loạn về phát triển ở giữa 2 và 4 tuổi và thấy ở cả các khuyết tật về trí tuệ (như chậm phát triển tâm thần) và các rối loạn về giao tiếp như rối loạn ngôn ngữ cảm nhận, diễn đạt hoặc rối loạn tự kỷ. Ngôn ngữ bị rối loạn cũng thường thấy ở những trẻ có xáo trộn về hành vi ví dụ như ADHD (tăng động kém chú ý).

Mặc dầu có nhiều cách đánh giá về ngôn ngữ nhưng sự phát triển ngôn ngữ sớm nhất thông thường được chia thành ngôn ngữ cảm nhận (receptive language) tức là hiểu ngôn ngữ và ngôn ngữ diễn đạt (expressive language) đó là điều gì trẻ nói và âm ngữ (speech) tức là trẻ nói như thế nào. Ngoài ra giai đoạn phát triển ngôn ngữ trước khi có từ được gọi là tiền ngôn ngữ (prelinguistic).

Ở khoảng 7 tuổi, hầu hết mọi trẻ đều có thể nói theo cách thức trưởng thành, tuy nhiên trong giai đoạn sớm nhất của cuộc đời, trẻ nhũ nhi có tiến bộ về ngôn ngữ nhanh nhất. Trong khoảng 2 tuổi, trẻ tiến bộ từ việc giao tiếp hạn hẹp đến việc có khả năng thực hiện những nhu cầu qua các phương tiện cử chỉ và lời nói. Mặc dầu có sự tiến bộ nhanh như vậy nhưng cho đến gần đây sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhũ nhi vẫn không được xem như là một phương tiện để xác định bất thường về phát triển. Giai đoạn tiền ngôn ngữ bị bỏ qua đáng kể và còn bị diễn dịch sai lầm là giai đoạn ngẫu nhiên, bị ảnh hưởng nặng bởi môi trường và có ít ý nghĩa tiên lượng cho đến khi các nghiên cứu chứng minh rằng có mối liên hệ giữa phát triển ngôn ngữ ở giai đoạn rất sớm và kết quả sau này. Khi tầm quan trọng của phát triển ngôn ngữ sớm được biết rộng rãi và lượng giá lâm sàng về các mốc phát triển của nó được thực hiện rộng rãi hơn, nó có thể trở thành công cụ để xác định các khuyết tật về trí tuệ nhẹ ở trong năm đầu tiên của trẻ.

Điều trị rối loạn giao tiếp ở trẻ (Ảnh minh họa)

Rối loạn ngôn ngữ xảy ra ở khoảng từ 4-6% ở trẻ mẫu giáo. Chậm ngôn ngữ diễn đạt nhẹ và chậm âm ngữ có khuynh hướng  giải quyết được, tuy nhiên trẻ em có rối loạn chức năng phối hợp sẽ có một tiên lượng thận trọng hơn. Nhiều trẻ ở kiểu này sau đó được ghi nhận là có khuyết tật về trí tuệ. Còn những trẻ không có khuyết tật về trí tuệ sẽ có nguy cơ bị khó khăn tiếp tục với việc học tập và quyết định xã hội sau này (Klackenburg,1980).

Mặc dầu theo dõi phát triển ngôn ngữ sớm là điều quan trọng nhưng việc lượng giá là điều khó khăn khi thực hiện trực tiếp trong môi trường chăm sóc.Trẻ nhỏ có thể không biểu hiện khả năng ngôn ngữ của mình trong môi trường bệnh viện hay phòng khám và thời gian để theo dõi cũng bị giới hạn trong một buổi khám. Báo cáo của cha mẹ về các hoạt động của trẻ là một thay thế có hiệu quả cho việc quan sát trực tiếp.

Lượng giá về ngôn ngữ khó khăn hơn so với lượng giá về khả năng vận động . Phát triển vận động thì rõ ràng và dễ mô tả các mốc.  Hầu hết các cha mẹ chỉ cần một chút giải thích về các mốc phát triển vận động là được.  Ngược lại, hầu hết các cha mẹ đều không tập trung vào giai đoạn phát triển ngôn ngữ sớm và các điểm mốc khó phân biệt được một cách rõ ràng. Kết quả là có một nhu cầu đối với việc đánh giá chính xác hơn trong những định nghĩa về các giai đoạn đạt được về ngôn ngữ.

Bs Phan Thiệu Xuân Giang 

- 15-07-2019 -

Bài viết liên quan