Tai biến mạch máu não

Tai biến mạch não (TBMN) xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não bị gián đoạn hậu quả là các tế bào não sẽ chết trong vòng vài phút. Tai biến mạch máu não là bệnh thường gặp ở người có tuổi. Bệnh thường để lại những di chứng nặng nề cho người

Tai biến mạch máu não là gì ?

Tai biến mạch não (TBMN) xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não bị gián đoạn hậu quả là các tế bào não sẽ chết trong vòng vài phút.
Tai biến mạch máu não là bệnh thường gặp ở người có tuổi. Bệnh thường để lại những di chứng nặng nề cho người bệnh, biến họ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Trong các thống kê về bệnh tật của OMS, tai biến mạch máu não được coi là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của 54/57 nước có thống kê. Tại trên 40 nước, tai biến mạch máu não được coi là 1 trong 3 nguyên nhân gây tử vong cao nhất.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tai biến mạch máu não được định nghĩa như sau:
  • Biểu hiện các rối loạn về chức năng thần kinh như hôn mê, liệt nửa người, nói đớ, nuốt bị sặc; xuất hiện nhanh, đột ngột.
    • Các rối loạn chức năng này thường tồn tại quá 24 giờ.
    • Các khám xét và thăm dò đã loại trừ nguyên nhân sang chấn thương sọ não.
Dựa vào tiến triển của bệnh theo thời gian trong 2 đến 3 tuần đầu, người ta phân tai biến mạch máu não ra 5 loại như sau:
  • Khỏi hoàn toàn trước 24 giờ: Gọi là thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Hiện coi là yếu tố nguy hiểm, không phải là tai biến mạch máu não thực sự. Những người này có thể bị tai biến mạch máu não thực sự sau đó nếu không quan tâm đến việc điều trị và phòng ngừa.
  • Khỏi hoàn toàn sau 24 giờ bị liệt gọi là thiếu máu não có hồi phục.
  • Khỏi một phần và di chứng kéo dài.
  • Không hồi phục hoặc nặng lên liên tục.
  • Tử vong.

Triệu chứng, biểu hiện

Triệu chứng, biểu hiện

Kiến thức về những dấu hiệu báo động tai biến mạch máu não cho phép cứu được hàng ngàn mạng sống mỗi năm. Theo báo cáo thống kê tại Gruzia, chỉ có 39% người được hỏi nói được một dấu hiệu báo động tai biến mạch máu não.

Các tai biến thiếu máu cục bộ thoáng qua (AIT)

Các tai biến thiếu máu cục bộ thoáng qua (accidents ischémiques transitoires - AIT) là một tai biến não mà các triệu chứng đôi khi thoáng qua ít ai để ý. Tuy nhiên, đó lại chính là những dấu hiệu báo động thật sự.
Các dấu hiệu AIT đều ngắn và kéo dài dưới 24 giờ:
  • Tê liệt một chi hoặc một bên.
  • Giảm mạnh thị lực một bên hoặc nhìn bị nhòe.
  • Rối loạn cảm giác một chi hay một bên.
  • Rối loạn ngôn ngữ, nói khó khăn.
  • Rối loạn thăng bằng.
  • Rối loạn nhận thức.
Các rối loạn này có thể biến mất và không để lại một di chứng nào, nhưng tình trạng này cứ tiếp diễn nhiều lần thì tai biến mạch máu não sẽ hợp thành với các rối loạn kéo dài trên 24 giờ và có thể kéo theo các tổn hại thể chất hoặc trí tuệ. Theo Hội Tim mạch Hoa Kỳ, một người là nạn nhân của một hoặc nhiều AIT sẽ có nguy cơ tai biến mạch máu não cao hơn gấp 9,5 lần so với người cùng tuổi, cùng giới tính mà không bị AIT.
Vì thế, không nên xem thường các dấu hiệu này, đó là trường hợp cấp cứu cần được khám gấp để tiên lượng diễn biến có thể dẫn đến một tai nạn tai biến mạch máu não với hậu quả đáng tiếc. Một số ca tai biến mạch máu não xuất huyết có triệu chứng báo trước là đau nhức đầu lan tỏa đột ngột với cường độ rất cao.
Các triệu chứng thường gặp khác:
  • Đột ngột xuất hiện, đôi lúc ngay trong giấc ngủ, các triệu chứng có thể xuất hiện dữ dội hoặc ngược lại trong vài phút hay vài giờ. Trong số các triệu chứng thường gặp, có thể là:
  • Yếu cơ một tay hay một chân, mặt tê cóng, đờ đẫn. Có hiện tượng liệt tay chân ở cùng một bên (bán thân bất toại).
  • Rối loạn thị giác được biểu hiện bằng cách mất một nửa hoặc một phần thị lực mắt, đồng nhất cả hai mắt (bán thông manh), mất thị giác ở một mắt hoặc cả hai, hoặc nhìn thấy hình bị nhòe.
  • Gặp khó khăn trong ngôn ngữ khi nói không rõ và chính xác, loạn vận ngôn, diễn tả khó khăn hoặc khó hiểu trong ngôn từ.
  • Mất cảm giác khi tiếp xúc với sức nóng, như được gây tê.
  • Nhức đầu bất thường và rất dữ dội mà không có nguyên nhân rõ ràng kèm theo nôn ói.
  • Mất thăng bằng, dễ té ngã, chóng mặt, mất đi sự phối hợp vận động… Đôi khi rối loạn nhận thức hoặc hôn mê.
Ngày nay tai biến mạch máu não có tỉ lệ gia tăng tại các thành phố lớn trong đời sống công nghiệp hóa và có khuynh hướng trẻ hóa (40 - 45 tuổi thay vì 50 - 60 tuổi như trước kia) khiến nhiều người trẻ cũng có thể gặp tai biến mạch máu não. Tình trạng hút thuốc lá nhiều cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não ở người trẻ. Vì thế, việc hiểu biết các triệu chứng tai biến mạch máu não và hành động nhanh sẽ hy vọng cứu sống được bệnh nhân.

Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não

Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não

Trên thực tế rất khó xác định nguyên nhân gây ra tai biến mạch máu não.
Với phương tiện chẩn đoán hiện đại là CT-scan, cũng chỉ có thể xác định được tai biến mạch máu não ở dạng nhũn não hay xuất huyết não chứ không xác định được nguyên nhân gây ra tai biến mạch máu não.
Về mặt lý thuyết, người ta nhận thấy xuất huyết não hay chảy máu trong là do vỡ động mạch ở não (có thể do huyết áp cao làm vỡ động mạch não hoặc vỡ mạch máu não do dị dạng bẩm sinh).
Nhũn não thường do mạch máu não bị tắc nghẽn. Sự tắc nghẽn này vì nhiều lý do, trong đó có liên quan đến xơ vữa động mạch, một số bệnh tim mạch tạo ra cục máu đông trong tim theo dòng máu lên não làm tắc động mạch não.

Nhồi máu não

Nhồi máu não chiếm khoảng 80% số trường hợp tai biến mạch máu não, xảy ra khi động mạch đưa máu tới não bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Những nguyên nhân gây tắc mạch não hay gặp nhất là :
Huyết khối. Huyết khối thường hình thành ở những vùng xơ vữa động mạch, có thể ở một hoặc hai bên động mạch cảnh đưa máu tới não cũng như ở những động mạch khác ở cổ hoặc não.
Tắc mạch. Xảy ra khi huyết khối hoặc cục nghẽn hình thành ở những mạch máu xa não – chủ yếu là ở tim – và di chuyển theo dòng máu đến não gây tắc những động mạch nhỏ hơn. Nguyên nhân thường là do rung nhĩ dẫn đến giảm lưu lượng máu và tạo thành huyết khối.

Xuất huyết não

Xuất huyết não xảy ra khi mạch máu trong não bị rò rỉ hoặc bị vỡ. Nguyên nhân gây xuất huyết não hay gặp nhất là cao huyết áp và vỡ phình mạch. Một nguyên nhân khác ít gặp hơn là vỡ dị dạng động-tĩnh mạch não.

Nguy cơ gia tăng tai biến mạch máu não

Nghiên cứu trên mang tên Interstroke đã được thực hiện ở 6.000 người (3.000 người bị tai biến mạch máu não và 3.000 người làm đối chứng) thuộc 22 nước, từ năm 2007 đến năm 2010.
Các tác giả đã chứng minh rằng 10 yếu tố nguy cơ liên quan rõ rệt với cơn tai biến mạch máu não;
Đó là huyết áp cao (>160/90 mmHg), nhiễm độc thuốc lá, béo bụng, chế độ ăn không lành mạnh, ít vận động, rối loạn lipid, tiểu đường, uống rượu, stress và trầm cảm, rối loạn tim mạch.
10 yếu tố này gây ra 90% nguy cơ tai biến mạch máu não.
Tất cả các yếu tố này liên quan chặt chẽ đến cơn tai biến mạch máu não do thiếu máu cục bộ, phổ biến nhất (80%) khi mạch máu não bị tắc nghẽn.
Đối với cơn tai biến mạch máu não do xuất huyết khi mạch máu não bị vỡ, các yếu tố nguy cơ chính là cao huyết áp, nhiễm độc thuốc lá, béo bụng, chế độ ăn và uống rượu.
Theo kết quả nghiên cứu, bệnh cao huyết áp liên quan đến 1/3 nguy cơ tai biến mạch máu não và làm tăng nguy cơ này hơn 2,5 lần so với những người có huyết áp bình thường.
Những người hút thuốc lá có nguy cơ cao gấp 2 lần so với những người không hút thuốc. Chứng nhiễm độc thuốc lá liên quan đến 1/5 nguy cơ tai biến mạch máu não.
Theo các tác giả, 5 yếu tố gây ra hơn 80% nguy cơ tai biến mạch máu não là cao huyết áp, nhiễm độc thuốc lá, béo bụng, chế độ ăn và ít vận động.

Điều trị tai biến mạch máu não

Điều trị Tai biến mạch máu não

Một số thủ thuật cấp cứu và điều trị Tai biến mạch máu não

Điều trị, cấp cứu

Trong điều trị cấp cứu, bác sĩ sẽ cho các thuốc sau đây:
  • Thở ôxy
  • Thuốc ổn định huyết áp
  • Thuốc chống hiện tượng phù ở não
  • Cung cấp vitamin và chất khoáng
  • Thuốc chữa các bệnh đi kèm như tiểu đường, hay biến chứng của bệnh viêm phổi, loét. Trong chăm sóc cấp cứu, việc xoay xở chống loét, hút đờm nhớt ở phổi thường xuyên, vỗ lưng để tránh ứ đọng ở phổi có ý nghĩa rất lớn.

Nhồi máu não

Để điều trị nhồi máu não phải nhanh chóng phục hồi dòng máu đến não. Các thuốc tiêu huyết khối phải được bắt đầu trong vòng 3 giờ. Điều trị kịp thời không những cải thiện khả năng sống mà còn làm giảm biến chứng do đột quị. Các thuốc thường dùng là:
  • Aspirin. Aspirin dùng tức thì sau tai biến mạch máu não đã được chứng minh là làm giảm khả năng bị cơn tai biến mạch máu não thứ hai. Song, bệnh nhân không nên tự ý dùng aspirin vì nếu tai biến mạch máu não là do xuất huyết não thì aspirin có thể làm cho tình trạng bệnh nặng thêm.
Các thuốc chống đông máu khác như warfarin (Coumadin) và heparin cũng có thể được dùng, nhưng không thông dụng bằng aspirin.
  • Thuốc hoạt hóa plasminogen mô (TPA). TPA là nhóm thuốc tiêu huyết khối mạnh giúp một số bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Chỉ có thể dùng thuốc trong vòng 3 giờ sau khi bị tai biến mạch máu não và chỉ khi chắc chắn là thuốc không làm tình trạng xuất huyết não nặng thêm. Không dùng TPA cho người bị xuất huyết não.

Phẫu thuật và các thủ thuật khác

  • Phẫu thuật cắt bỏ lớp áo trong động mạch cảnh. Trong phẫu thuật, bác sĩ sẽ mở động mạch cảnh và lấy bỏ khối tắc nghẽn, giúp máu lưu thông lên não tốt hơn.
Tuy nhiên, chính phẫu thuật cũng gây nguy cơ tai biến mạch máu não hoặc đau tim do nó giải phóng cục máu đông hoặc các mảng mỡ vào trong máu, mặc dù hiện nay các bác sĩ có thể sử dụng những thiết bị 'lọc' để loại bỏ những mảnh rơi vãi.
  • Tạo hình mạch và đặt stent để nong động mạch dẫn lên não. Đây có thể là biện pháp phòng ngừa thích hợp cho một số người đã từng bị tai biến mạch máu não hoặc có cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua nhưng không thể phẫu thuật.

Xuất huyết não

  • Kẹp phình mạch: gốc của phình mạch sẽ được kẹp lại bằng một kẹp nhỏ để cách ly nó khói tuần hoàn động mạch, giúp giữ cho phình mạch khỏi bị vỡ hoặc ngăn không cho phình mạch bị vỡ lại. Kẹp sẽ được lưu tại chỗ vĩnh viễn.
  • Đặt cuộn dây (gây tắc phình mạch): một cuộn dây nhỏ được đưa qua ống thông vào chỗ phình mạch, khiến máu đông lại và bịt kín đường đi từ phình mạch đến các động mạch liên quan.
  • Cắt bỏ dị dạng động tĩnh mạch: dị dạng động tĩnh mạch không phải lúc nào cũng cắt bỏ được nếu nó quá lớn hoặc nằm quá sâu trong não. Tuy nhiên, mổ cắt bỏ những dị dạng nhỏ hơn ở vị trí dễ tiếp cận hơn có thể loại trừ nguy cơ vỡ gây xuất huyết não.

Phòng ngừa tai biến mạch máu não

Phòng ngừa Tai biến mạch máu não

Phòng ngừa tai biến mạch máu não và phòng ngừa tai biến tái phát bằng cách thực hiện tốt các việc sau đây.
  • Ngừng hút thuốc lá: Thuốc lá là nguy cơ chính của bệnh mạch máu có thể dẫn đến tai biến mạch máu não.
  • Điều trị tốt bệnh cao huyết áp: Cao huyết áp là nguyên nhân chính gây ra xuất huyết não. Cao huyết áp cũng là yếu tố làm tăng tốc xơ vữa động mạch tạo thuận lợi cho tình trạng nhũn não.
  • Tiểu đường cũng là yếu tố nguy cơ chủ yếu của mảng xơ vữa động mạch lớn và gây thiếu máu lên não. Tăng cholesterol máu cùng với tăng triglyceride máu cũng thường phối hợp với tai biến mạch máu não. Tăng số lượng hồng cầu trong máu quá cao cũng có thể gây cơn thiếu máu não hay nhũn não.
  • Ngoài việc điều trị tốt các bệnh có thể dẫn đến tai biến mạch máu não như trên, việc dùng mỗi ngày 1 viên Aspirin liều thấp khoảng 80mg cũng cho hiệu quả tốt (thuốc này cần có chỉ định của bác sĩ).
Tóm tắt các nội dung phòng bệnh cơ bản:
  • Kiểm soát tăng huyết áp thông qua tập luyện, chế độ ăn lành mạnh, hạn chế muối và rượu, và dùng các thuốc điều trị huyết áp theo đơn bác sĩ.
  • Giảm cholesterol và chất béo bão hòa.
  • Không hút thuốc lá.
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường.
  • Duy trì cân nặng bình thường.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Chỉ uống rượu với lượng vừa phải.
  • Không sử dụng ma tuý
  • Có chế độ ăn lành mạnh có lợi cho sức khỏe

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 27-05-2020

    Một mùa hanh khô nữa lại về. Đi cùng cơn gió lạnh cắt da và sắc đào hồng thắm là một nỗi “chộn rộn” mang tên “cúm A”. Các bác sĩ trên hệ thống Wellcare đã bận, nay lại càng mải miết giải tỏa nỗi lo về cúm A trong các cuộc khám từ xa mỗi tối.

  • 28-05-2018
    Ung thư nguyên bào võng mạc có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt, thường ở trẻ em, nhưng cũng có thể gặp ở người lớn.
  • 28-05-2018
    Thương hàn là một hội chứng gồm các biểu hiện đường tiêu hóa và toàn thân, do Trực khuẩn Salmonella typhi, Salmonella paratyphi A và Salmonella paratyphi B, thuộc họ Enterobacteriae gây nên. Người bị bệnh do ăn uống phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn.
  • 28-05-2018
    Polyp túi mật còn gọi là u nhú niêm mạc tuyến mật, là một tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật. Đây là một bệnh khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc giữa nam và nữ.
  • 17-10-2018

    Dị dạng Chiari (Chiari Malformation) được xem là một tật bẩm sinh, mặc dù các bệnh mắc phải của tình trạng này đã được chẩn đoán. Giáo sư giải phẫu bệnh người Đức, Hans Chiari, đã đầu tiên mô tả những bất thường của não bộ ở vị trí chẩm cổ vào những

  • 28-05-2018
    Mãn kinh là thời điểm phụ nữ không còn hành kinh nữa và không phải do bệnh tật. Mãn kinh là thời kỳ chuyển giao giữa 2 giai đoạn trong cuộc đời một người phụ nữ. Nhiều phụ nữ xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau do sự thay đổi hormon bởi hiện tượng